Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước hiệu quả, hiệu lực
Ngày đăng: 31/10/2017 08:25
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 31/10/2017 08:25
|
Ngày 30-10, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIV dành cả ngày để tiến hành thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016. |
Khắc phục tình trạng cồng kềnh, kém hiệu quả Trước khi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của QH về nội dung nêu trên. Hầu hết các đại biểu QH phát biểu ý kiến đã nhất trí cao với nhiều nội dung được nêu trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo giám sát của QH về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Vấn đề khiến nhiều đại biểu QH băn khoăn, lo lắng là dù đang thực hiện tinh giản biên chế nhưng càng ngày tổ chức bộ máy càng cồng kềnh; biên chế không ngừng tăng lên; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; chất lượng cán bộ, công chức chưa bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra; số lượng cán bộ, công chức lớn nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó, nguyên nhân được nhiều ý kiến đại biểu QH đề cập là sự chưa tuân thủ nghiêm túc, chưa quán triệt sâu sắc chủ trương của Chính phủ. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) chỉ rõ: Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ có 2/22 bộ tuân thủ quy định về việc không tổ chức phòng trong vụ; còn hầu hết các bộ đều tổ chức phòng trong vụ tham mưu. Hiện số phòng trong vụ đã giảm nhưng còn 681 phòng, như vậy cứ một vụ có bốn phòng, thậm chí lên tới bảy phòng. Bên cạnh đó, có bộ đã giải thể các phòng trong vụ thuộc tổng cục nhưng một số vụ thuộc tổng cục lại nâng cấp thành cục và khi đó lại được tổ chức phòng trong cục, thậm chí với số lượng nhiều hơn. Phải chăng đây là hiện tượng "lách" quy định của pháp luật? Nhiều đại biểu QH nêu rõ: Nguyên nhân dẫn đến thực trạng bộ máy hành chính ngày càng cồng kềnh là do tình trạng thiếu kiên quyết, nể nang khi ban hành quy định, nghị định về quy định tổ chức hoạt động của các bộ. Người đứng đầu còn né tránh, nể nang khi triển khai tinh giản biên chế, thậm chí có nơi không tiến hành tinh giản biên chế. Vì vậy, nhiều đại biểu QH cùng chung đề nghị Chính phủ cần làm rõ và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện quy định nhưng không đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, cần phải có quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa quyền hạn và trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị về chủ trương tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, trao quyền mạnh về đánh giá quản lý cán bộ thuộc quyền, xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá cán bộ thật cụ thể, rõ ràng, minh bạch… Tập trung rà soát, sửa đổi các văn bản không phù hợp Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cùng nhiều đại biểu khác nêu lên thực trạng: Hiện nay, có quá nhiều văn bản chỉ đạo, nhất là văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền, địa phương về bộ máy hành chính. Trong những văn bản đó lại có nhiều văn bản chồng chéo, giao thoa, đan xen hoặc bỏ trống làm cho việc thi hành rất khó khăn. Có loại chồng chéo có thể phối hợp giải quyết được nhưng cũng có loại chồng chéo, giao thoa mà quan điểm không thống nhất cho nên không triển khai được. Vấn đề này, tại phụ lục số 18 Báo cáo Chính phủ đã thống kê có một pháp lệnh, 17 luật và một bộ luật từ năm 2011 đến 2016 có quy định về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước từ T.Ư đến địa phương mà lẽ ra những quy định này thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo Luật Tổ chức Chính phủ, cho nên Chính phủ gặp khó khăn trong việc sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của hệ thống cơ quan hành chính theo hướng tinh gọn, hoạt động liên tục, hiệu quả. Có đại biểu nêu thí dụ, khi cụ thể hóa Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, văn bản pháp quy của Chính phủ có độ mở là cho phép thành lập phòng đối với những vụ có nhiều mảng công tác hoặc có khối lượng công việc lớn. Độ mở như vậy không trái với tinh thần Nghị quyết 39, đó là cơ bản không để cấp phòng trong các đơn vị tham mưu ở T.Ư nhưng vấn đề ở đây là có cần thiết phải mở hay không và định lượng thế nào là khối lượng công việc lớn không rõ, cho nên dẫn đến cách định lượng khác nhau. Do vậy, hệ quả là có đến 161/270 vụ thành lập phòng trong vụ. Ngoài ra, đã có tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung chuyên môn "lấn sân" các văn bản quy định về tổ chức bộ máy, thông qua các quy định về chuyên môn để quy định việc thành lập một loạt các tổ chức bộ máy mới từ T.Ư xuống địa phương. Với cách thức như vậy đã làm gián tiếp tăng đầu mối, tăng biên chế… Bên cạnh đó, có tình trạng văn bản cần được ban hành sớm lại chưa được quan tâm. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng: Một số bộ, ngành T.Ư chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành để phù hợp thực tế, như: quy định hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; quy định hướng dẫn việc thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp có chuyên môn sâu, như y tế, giáo dục… nếu thực hiện tinh giản biên chế như các đơn vị khác là rất khó khăn cho các đơn vị này trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Chưa có quy định cụ thể việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Những vấn đề này các địa phương đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn. Băn khoăn về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Các đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Tô Văn Tám (Kon Tum) và nhiều đại biểu khác bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay chưa bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ hành chính đặt ra. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay nước ta có khoảng hơn hai triệu cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc, tính tổng số có khoảng tám triệu người đang hưởng lương, chiếm 8,3% dân số. Hằng năm, ngân sách phải bỏ ra khoảng 20% chi thường xuyên dành cho quỹ lương. Đội ngũ cán bộ, công chức lớn nhưng hiệu lực, hiệu quả thực hiện công việc chưa cao. Mặt khác, việc đánh giá hiệu quả công việc chưa sát thực tiễn, mới chỉ dựa trên định tính, còn nể nang, không khoa học. Nhận xét cán bộ, công chức cuối năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ mà không có sự chuyển biến trong phương thức đánh giá, tiêu chí đánh giá. Có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nêu trên, trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho rằng: Cán bộ, công chức, viên chức chưa ý thức được mình là công bộc của dân. Không ít công chức có thái độ vô cảm, quan liêu, thậm chí hách dịch với dân là do họ ít phụ thuộc vào dân. Từ việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt đến nâng lương, đánh giá, khen thưởng công chức chỉ phụ thuộc vào cấp trên. Đáng chú ý, hiện nay có nhiều công chức không thạo việc dù phần lớn có đủ bằng cấp, chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm. Nhưng thực chất trình độ của nhiều người không tương xứng với bằng cấp, chứng chỉ họ có và những công chức như vậy thường khó giải quyết được việc nhanh chóng cho dân và cũng ít khi tham mưu được cho cấp trên những chủ trương, chính sách đúng… Các đại biểu QH đề nghị, cần xây dựng quy chế về đạo đức công vụ, công chức để làm cơ sở giám sát, đánh giá công chức. Xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá công chức trên cơ sở sự hài lòng của người dân một cách thực chất hơn… Bên cạnh đó, cần quan tâm thỏa đáng hơn việc đánh giá chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, từ đó làm cơ sở cho việc tinh giản biên chế. Có ý kiến cho rằng, nếu việc đánh giá không chuẩn xác, không công tâm sẽ khiến những người làm được việc rời khỏi bộ máy, không thu hút được người giỏi… Thống nhất quản lý tổ chức bộ máy, biên chế Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) và nhiều đại biểu cho rằng, xây dựng mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự chuyển biến trong các lĩnh vực, nhưng hiện nay chưa được hoàn thiện. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy chưa phù hợp tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cho nên khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở một số lĩnh vực chưa theo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Chính việc kiểm soát và phân công quyền lực chưa tốt này dẫn đến tạo ra nhiều cơ quan phối hợp liên ngành, làm phát sinh bộ máy. Tổng rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, là việc làm cấp thiết để khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo. Nhiều đại biểu quan tâm thảo luận về công tác quản lý tổ chức bộ máy và biên chế hiện nay chưa chặt chẽ, chưa tập trung thống nhất vào một đầu mối, bởi thực tế trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành vẫn quy định về tổ chức bộ máy, biên chế. Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) kiến nghị thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị, nhưng cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo phù hợp thực tiễn của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Tán thành quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu đề nghị, thực hiện mạnh mẽ phân cấp, phân quyền hợp lý giữa T.Ư và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm được giao. Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Tại phiên thảo luận chiều qua, các đại biểu còn nêu rõ những yêu cầu cụ thể, khẩn trương sắp xếp lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng mở rộng tự chủ, giảm đầu mối để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện Chính phủ điện tử, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, nhất là để cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã giải trình, làm rõ một số nội dung được đại biểu QH quan tâm. Tôi đề nghị QH nên làm rõ “cấp trung gian” làm bộ máy hành chính cồng kềnh… được đề cập trong báo cáo là cấp nào để tinh giản đúng. Theo tôi, đã đến lúc QH cần mạnh dạn chỉ rõ “cấp trung gian” trong các bộ, ngành T.Ư chính là cấp tổng cục và cấp phòng trong các vụ, cục cần phải giảm. Đây là một vấn đề nhạy cảm, không thể cào bằng bởi vì mỗi bộ, ngành có một đặc điểm riêng nhưng nhất định phải giảm, không thể để nhiều như hiện nay. Nếu không quyết liệt, thẳng thắn, không có đơn vị, bộ, ngành gương mẫu, tiên phong thì rất khó giảm được “cấp trung gian”. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) Một trong những bất cập, khó khăn của việc tinh giản biên chế là công tác đánh giá, phân loại cán bộ chưa sát, chưa thực chất cho nên không có cơ sở đưa vào diện tinh giản biên chế để cho thôi việc, hưởng chế độ chính sách; số đối tượng thuộc diện tinh giản thực chất phần lớn là những cán bộ, công chức sắp đến tuổi nghỉ hưu hoặc đến tuổi nghỉ hưu. Về vấn đề này, tôi đề nghị cần đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ, đồng thời rà soát công tác cải cách hành chính ở các bộ, ngành, địa phương trong việc quy hoạch, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức để tránh việc ngồi nhầm chỗ, tuyển nhầm người. Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) Thủ tục đầu tư, kinh doanh quá rườm rà, phức tạp làm kéo dài thời gian, các chi phí không chính thức, chi phí tín dụng cao…mà doanh nghiệp Việt Nam phải trả, làm cho giá thành sản phẩm cao hơn các nước trong khu vực từ 15% đến 17%. Vì thế, hàng hóa không chỉ khó xuất khẩu, thậm chí thua ngay trên sân nhà. Nguyên nhân, không chỉ do bị cơ quan hành chính nhiều tầng nấc nhũng nhiễu, mà còn do luật pháp chồng chéo khó thực hiện. Đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) |
Nhandan.com.vn