Xây dựng ẩm thực Việt thành thương hiệu quốc gia
Ngày đăng: 31/10/2017 20:30
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 31/10/2017 20:30
Xây dựng ẩm thực Việt thành một thương hiệu quốc gia là một điều vô cùng cần thiết, tuy nhiên quá trình thực hiện được còn lắm gian nan…
Vừa qua tại Hội trường dinh Thống Nhất TP.HCM, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã chính thức ra mắt và tổ chức Đại hội lần thứ nhất.
Theo đó sau ba năm vận động, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam ra đời với mục đích khám phá, duy trì và phát triển để đưa văn hóa ẩm thực trở thành tài sản quốc gia vào năm 2030, xây dựng các kinh đô, thủ phủ và bảo tàng ẩm thực...
Hiện Hiệp hội có trên 300 hội viên không chỉ gồm các doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng mà còn có các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nhà quản lý tham gia, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel đã được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội. Các đại biểu khẳng định sự ra đời của Hiệp hội là hết sức cần thiết, bởi Hiệp hội sẽ phát hiện những tài năng mới, bảo vệ và phát huy những người có chất xám; thiết kế công nghệ một số món ăn tiêu biểu của Việt Nam để xuất khẩu; hình thành các nhà hàng mẫu Việt Nam, góp phần đào tạo lớp người mới phục vụ ẩm thực Việt Nam; gắn sao cho những nhà hàng ẩm thực Việt Nam; sưu tập tư liệu, nghiên cứu hình thành dần dần Viện Văn hóa Ẩm thực Việt Nam; thiết lập hồ sơ ẩm thực Việt Nam đệ trình UNESCO để được công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại…
Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch đánh giá, Hiệp hội là nòng cốt để từng bước đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”, là cơ hội vàng để ẩm thực chính thức bước lên một tầm cao mới, trở thành thương hiệu quốc gia; tác động lớn đến kinh tế, nhất là du lịch bởi phần ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành…
Các chuyên gia nhận định trong dòng chảy văn hóa - lịch sử của Việt Nam, một trong những tinh hoa đặc sắc mang giá trị cốt lõi chính là ẩm thực. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng đẩy mạnh công tác xây dựng ẩm thực thành thương hiệu quốc gia hiện nay (gắn liền với cảm nhận “gần gũi với thiên nhiên - môi trường sinh thái”, “thực phẩm tươi mới - ẩm thực xanh, vì sức khỏe…) là vô cùng cần thiết bởi thương hiệu quốc gia càng được nhiều người biết tới thì càng có giá trị và tạo động lực lớn lao để phát triển kinh tế đất nước.
Thế nhưng như lời ông Nguyễn Đắc Xuân, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Sử học Việt Nam, thành viên Hội đồng Khoa học Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Trưởng nhóm Nghiên cứu Cung điện Đan Dương phân tích, xây dựng thương hiệu cho ẩm thực Việt là một quá trình khá gian nan bởi càng tự hào về ẩm thực của nước nhà bao nhiêu thì lại càng lo bấy nhiêu khi tinh hoa này đang đối mặt với nhiều vấn đề không dễ vượt qua trong hoàn cảnh đất nước hội nhập. Điển hình như chuyện ngày càng nhiều người buôn bán nhỏ và nhà hàng sử dụng thực phẩm độc hại không rõ nguồn gốc hay chế biến món Việt không theo cách truyền thống thì khó mà gìn giữ và phát huy đúng giá trị.
Mặt khác, những nghệ nhân cuối cùng của ẩm thực cung đình, những nghệ nhân xuất thân trong các gia đình có truyền thống chế biến thức ăn giỏi không còn mấy người. Nếu không kịp thời ghi chép gìn giữ “chất xám” của những nghệ nhân quý hiếm ấy thì ẩm thực Việt Nam sẽ mất gốc. Tình trạng ăn cắp bản quyền hiện nay đang khó kiểm soát, do đó nhiều nghệ nhân ẩm thực có tay nghề cao “sống để dạ, chết mang đi” chứ không dám truyền nghề cho người lạ. Một vấn đề nữa là, từ lâu các doanh nhân ẩm thực rất mong muốn Việt Nam có những mẫu nhà hàng ẩm thực Việt nhưng chưa có (phần lớn là do tự phát)…
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, Trưởng đề án Bếp Việt - Bếp của Thế giới cho biết thêm, hiện nay các quán ăn uống, nhà hàng tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm ở các thành phố, thị trấn và đang lan đến các nông thôn chiếm số lao động lớn lao chưa từng có. Ông Nhã nhấn mạnh, đã đến lúc các ban ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để chấn chỉnh ăn uống độc hại, tiến tới xây dựng không gian lành mạnh, tuyên truyền giúp cộng đồng có tinh thần xây dựng thương hiệu ẩm thực “ngon và lành” không chỉ nâng cao sự an toàn, chất lượng bữa ăn hằng ngày mà còn bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình; cũng như thu hút khách du lịch, góp phần nâng cao thương hiệu dịch vụ ẩm thực du lịch độc đáo của riêng Việt Nam.
Đại diện các đơn vị lữ hành, nhà hàng, khách sạn đưa ví dụ tại Thái Lan đã có Công ty Hoàng Gia Thái phát triển gần 10.000 nhà hàng Thái đạt chuẩn. Việt Nam rất cần học hỏi mô hình trên của nước bạn để cho ra đời chuỗi nhà hàng từ thực phẩm sạch đến bếp sạch thuần Việt, tiến tới tạo nên một thương hiệu ẩm thực uy tín và nổi tiếng phục vụ rộng rãi du khách trong và ngoài nước. Nếu làm được, chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế không thể ngờ tới.
Các doanh nghiệp cho rằng việc cấp thiết hiện nay là chúng ta cần tập trung nghiên cứu và ứng dụng khoa học hiện đại, hỗ trợ bà con nông dân gia tăng sản lượng, chất lượng nông sản, phát triển chuỗi cung ứng kết hợp với một chiến lược thương hiệu hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng cần chuẩn hóa các món ăn, công thức chế biến, nâng cao giá trị món ăn Việt, cần thiết phải chuẩn hóa đào tạo đầu bếp và nhân viên du lịch. Đầu bếp, nhân viên nên được tạo điều kiện để tu nghiệp ở nước ngoài, tiếp xúc, học hỏi với cách chế biến, phong cách nấu ăn, quản lý phục vụ chuyên nghiệp của bạn bè quốc tế để mang về ứng dụng cho ngành dịch vụ nước nhà.
Ngoài ra cần đẩy mạnh các sự kiện quảng bá ẩm thực trong và ngoài nước; các cuộc thi chế biến món ăn; xây dựng các tiêu chí định hướng, bình chọn thương hiệu ẩm thực; tiến hành quy hoạch những khu ẩm thực đường phố chuyên phục vụ du khách… Xây dựng thương hiệu quốc gia là cả một quá trình lâu dài, xuyên suốt, cần có sự chung tay, góp sức của cả dân tộc và những cách thức, chương trình quảng bá văn hóa ẩm thực, con người, nét đẹp Việt Nam, từ đó khơi gợi lòng tự hào dân tộc, niềm tin vào sự phát triển của quốc gia.
Theo Baodulich.net