Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Cần đầu tư tương xứng cho văn hóa
Ngày đăng: 03/11/2017 15:25
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/11/2017 15:25
Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, nhiều đại biểu đề nghị coi văn hóa là gốc, nền tảng đạo đức của xã hội và cần được đầu tư tương xứng với sự phát triển của kinh tế.
“Văn hoá là gốc, nhưng báo cáo chỉ lướt qua”
Đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ quan tâm vấn đề văn hoá vì đây là gốc, nền tảng đạo đức của con người, nhưng lại đang có biểu hiện xuống cấp, làm xã hội bất an. Theo ông, báo cáo dài 50 trang của Chính phủ chỉ có 10 dòng nói về văn hoá, mà cũng chỉ lướt qua một vài con số chứ không nhắc đến những vướng mắc, khó khăn cần tập trung giải quyết, để qua đó đặt mục tiêu xây dựng nền văn hoá Việt Nam hướng đến chân, thiện, mỹ. “Với vai trò quan trọng của văn hoá như vậy, tôi đề nghị Chính phủ tập trung đầu tư, các báo cáo cần nói rõ nội dung này”, đại biểu Quang nhấn mạnh.
Trong phiên thảo luận sáng qua 2.11, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cũng cho rằng chúng ta phải đầu tư mạnh cho văn hóa, tương xứng với sự phát triển kinh tế: “Có thể tăng từ 1,8-2%, thậm chí là cao hơn nữa. Đồng thời chúng ta cần phải đẩy mạnh tập trung cho những ngành mũi nhọn của văn hóa như văn học nghệ thuật đỉnh cao, công tác phê bình, lý luận văn học… Mặt khác, chúng tôi cũng thấy bản thân ngành văn hóa phải xây dựng và phát huy nguồn lực nội sinh của mình để phục vụ cho văn hóa, đó là xây dựng ngành công nghiệp văn hóa và kinh tế văn hóa. Ở Việt Nam có rất nhiều thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, mỹ thuật, giải trí, thủ công mỹ nghệ, làm đẹp và đặc biệt là ẩm thực cũng như văn hóa du lịch để biến tiềm năng thành sản phẩm thế mạnh đưa côngnghiệp văn hóa thành trụ cột văn hóa nước nhà”, đại biểu Hưng nói.
Đề nghị tiếp tục đầu tư cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tranh luận lại ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng về việc đầu tư nhiều cho lễ hội, gây lãng phí, không hiệu quả, đại biểu Hồ Văn Nhiên (Gia Lai) cho rằng với những lễ hội chưa phù hợp với đời sống hiện nay thì chúng ta nên kiên quyết hạn chế nhưng với những lễ hội phản ánh nét văn hóa riêng biệt của 54 dân tộc anh em thì cần phải phát huy.
“Đầu tư cho văn hóa rất quan trọng bởi nếu không bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, đến nền văn minh của chúng ta. Vì thế đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan quan tâm hơn nữa đến nguồn lực đầu tư cho văn hóa, đặc biệt là văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số”, đại biểu Nhiên đề nghị. Vị đại biểu này cũng kể lại câu chuyện đến tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội) và cho thấy niềm vui, tự hào của cộng đồng các dân tộc khi được hội tụ về đây.
Đại biểu Nhiên đề nghị tiếp tục đầu tư cho Làng Văn hóa bởi việc đầu tư cho Làng này giai đoạn 2008-2015 là hơn 3.200 tỉ nhưng đến năm 2017 mới đầu tư được 52%. “Chúng tôi thấy rất vinh dự vì không có nơi nào trên đất nước của chúng ta có đủ 54 dân tộc sinh sống như ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Vì vậy chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính… đầu tư cho Làng Văn hóa. Bởi đây không chỉ là nơi sinh hoạt, giao lưu của các dân tộc anh em mà còn là nơi để các thế hệ đến, thưởng thức nét đẹp văn hóa các dân tộc của đất nước ta. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho các thế hệ tiếp sau của chúng ta. Vì vậy mong Chính phủ quan tâm”, đại biểu Nhiên nói.
Cân nhắc lựa chọn giữa hiệu quả kinh tế hay bảo tồn bản sắc văn hóa
Cũng liên quan đến lĩnh vực văn hóa, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) lại đề cập đến những khó khăn trong việc thực hiện việc tự chủ của các đơn vị nghệ thuật, nhất là các đơn vị nghệ thuật truyền thống. Theo đại biểu Ánh, các đơn vị này là nơi gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, của ông cha ta để lại, hay nói cách khác đó chính là nơi nắm giữ hồn cốt dân tộc. Nếu tính về bài toán kinh tế thì chắc chắn các đơn vị này không đem lại hiệu quả nhưng lại đem lại những giá trị khác lớn hơn nhiều. Vậy nên cần phải hết sức cân nhắc lựa chọn giữa hiệu quả kinh tế hay bảo tồn bản sắc văn hóa.
Đại biểu này cũng nêu lên thực tế: “Các đơn vị nghệ thuật hiện nay chưa được đầu tư đúng mức trừ các đơn vị đóng tại các thành phố lớn, có nhiều điều kiện. Còn hầu hết các đơn vị nghệ thuật tại địa phương, cơ sở vật chất xuống cấp, kinh phí cấp hằng năm rất hạn hẹp, hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, khán giả thì quay lưng, bán vé không có người xem, các doanh nghiệp cũng không mặn mà với nghệ thuật truyền thống vì ít có hiệu quả kinh tế…
Từ đó dẫn đến việc các nghệ sĩ có thu nhập rất thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, một số nghệ sĩ phải ở những nơi tồi tàn hoặc nhà tập thể đã xuống cấp do Nhà nước cấp. Cũng vì lòng yêu nghề nên buổi tối, họ đóng vai thành ông hoàng, bà chúa trong các vở diễn nhưng ban ngày, họ lại làm thêm các công việc khác để mưu sinh, thậm chí có người phải lái xe ôm, buôn bán nhỏ lẻ vì đồng lương không đủ để nuôi sống họ và gia đình họ. Họ là Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ, nhạc công có đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật”.
Đại biểu Ánh cho rằng các đơn vị nghệ thuật đang được Nhà nước bao cấp mà còn khó khăn như vậy nên nếu giao tự chủ thì không thể hình dung được họ sẽ đi đâu, về đâu? Đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, đại biểu Ánh cho rằng nên qui hoạch lại các đơn vị nghệ thuật, rà soát, đánh giá để giao tự chủ theo lộ trình. Riêng đối với các đơn vị nghệ thuật ca kịch truyền thống, đại biểu Ánh đề nghị Chính phủ nên giao Bộ VHTTDL chủ trì cùng các địa phương qui hoạch lại các đơn vị theo vùng, miền, theo chuyên ngành, lĩnh vực...
Nguồn: www.baovanhoa.vn