Phát triển du lịch bền vững ở Đông Nam Á
Ngày đăng: 05/11/2017 03:39
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/11/2017 03:39
Sự tăng trưởng về lượng khách và lợi ích mang về cho nền kinh tế cũng là những mối đe dọa với môi trường và xã hội. Vì thế, việc phát triển du lịch bền vững được các nước đặt ra như là một giải pháp quan trọng để hạn chế những tác động tiêu cực có thể gây ra trong quá trình phát triển du lịch.
Đây là chủ đề đặt ra tại hội thảo quốc tế do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Huế phối hợp với Đại học Greifswald (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức ngày 2/11 tại Hà Nội.
Theo GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), từ sau khi đất nước thực hiện chính sách đổi mới thì Du lịch cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Vấn đề phát triển bền vững trở thành mục tiêu chung của quốc gia, trong đó có ngành Du lịch. Vì vậy, thay vì chạy theo số lượng, Du lịch cần chú trọng tới chất lượng, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, tạo ra sự bình đẳng. “Nếu chạy theo số lượng, không quan tâm tới những vấn đề như môi trường, văn hóa, bình đẳng… thì mọi sự phát triển của Du lịch đều trở nên vô nghĩa”, GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các học giả quốc tế đến từ đại học Greifswald (Đức), đại học Ứng dụng Khoa học (Đức), đại học Rikkyo (Nhật Bản), Malaysia, Myanmar, Lào, Philippines… cùng với nhà khoa học đến từ các trường ĐH, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam đều đánh giá phát triển bền vững của du lịch khu vực Đông Nam Á và của Việt Nam nói riêng là một yêu cầu thực tế và nhu cầu bức thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập của khu vực.
PGS.TS Trần Hữu Tuấn, Chủ nhiệm khoa Du lịch (ĐH Huế) cho biết, từ góc độ nghiên cứu, các học giả đã chỉ ra vấn đề như thách thức liên quan đến bảo tồn bền vững, các di sản văn hóa dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, như Hội An, Huế, hay việc phát triển quá nhanh, quá tải tại các điểm du lịch tác động đến di sản và môi trường, để từ đó đưa ra những cảnh báo cũng như đề xuất giải pháp cần thiết hiện nay.
Tại Việt Nam, theo TS Phạm Hồng Long, Chủ nhiệm Khoa Du lịch học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), dù phát triển du lịch bền vững còn gặp nhiều thách thức nhưng nếu có một khung chính sách đồng bộ, có sự chung tay của tất cả các bên, bao gồm cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân thì hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
“Thực tế có nhiều doanh nghiệp, cơ sở du lịch đã thực hành du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững. Nhà trường tuy không tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhân lực cho ngành Du lịch. Vì vậy, vai trò quan trọng nhất của nhà trường là phải lồng ghép các chương trình du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững vào chương trình học, để khi ra trường họ thực hành du lịch có trách nhiệm và bền vững tại nơi làm việc. Họ phải đóng vai trò tuyên truyền cho người khác trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Nếu người học du lịch không có ý thức về việc phát triển bền vững thì họ sẽ có những tác động tiêu cực đầu tiên, trực tiếp tại các điểm cung ứng dịch vụ”, TS Phạm Hồng Long khẳng định.
Hương Thảo
Nguồn: Baodulich.net.vn