Tạo cơ hội để doanh nghiệp tư nhân phát triển
Ngày đăng: 07/11/2017 04:20
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/11/2017 04:20
Trước hàng nghìn rào cản, giấy phép con, thủ tục hành chính… các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) dù nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, vẫn không có ý định lớn do… sợ bị hành. Chính phủ đã thấu hiểu doanh nghiệp (DN) hơn, nhưng vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự “chuyển mình”.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, DNTN từ chỗ chưa có danh, bắt đầu chính danh rụt rè và giờ đã được chính danh. Tuy nhiên, làm thế nào để khu vực này thật sự trở thành động lực, để DNTN thật sự lớn? Việt Nam có nhiều DN to nhưng đúng nghĩa lớn vẫn chưa có, mà chỉ có một số DN “tập lớn” như: FPT, Viettel, Vinamilk. DN lớn phải có thương hiệu toàn cầu, công nghệ sáng tạo, chi phối được mạng lưới phân phối. Về khó khăn hiện nay mà DN gặp phải, chúng ta mới xử lý được một vấn đề là gia nhập thị trường, còn lại cạnh tranh, chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh, rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức thấp nên DN khó có đủ năng lực cạnh tranh, khó tạo động lực. Phó Chủ tịch Hội đồng T.Ư các Hiệp hội DN Việt Nam, Phạm Đình Đoàn chia sẻ, hiện nay, với DN hoạt động kinh doanh tốt, lợi nhuận một năm chỉ 2 - 4%, trong khi theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi phí không chính thức của DN lên tới 6 - 8%. Đây là khó khăn rất lớn đối với DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Với vấn đề này, vai trò của Nhà nước trong việc định hướng các chính sách vĩ mô, tạo điều kiện, hướng đi cho DNTN là rất lớn. Hiện nay, việc kêu gọi các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là rất quan trọng nhằm huy động thêm các nguồn vốn cho nền kinh tế, nhưng cần phải có những chính sách cụ thể, rõ ràng đối với từng đối tượng DN FDI để tránh tình trạng có sự ưu ái giữa DN FDI với các DN trong nước. Phó Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, vẫn còn những rào cản chính sách với DN như gánh nặng pháp luật - chi phí tuân thủ; rủi ro pháp lý; an toàn và bảo vệ quyền tài sản… Chúng ta đã có chính sách cạnh tranh và thực thi cạnh tranh bình đẳng, tạo động lực cho DN phát triển như Nghị quyết (NQ) 10/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (NQ 19)… Tuy nhiên, những nghị quyết này mới chú ý cắt giảm thời gian và chi phí cho DN, còn rủi ro với DN ít được nhắc đến. Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, cho biết, thuế, phí, đất đai, quản lý thị trường… vẫn là những khó khăn của DN tư nhân. Về thanh tra, kiểm tra, các DN lớn bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn DN nhỏ. Thực tế này làm nhiều DN không muốn lớn, bởi càng lớn rủi ro, càng tốn chi phí. Khảo sát cũng cho thấy việc tiếp cận đất đai của DNTN vẫn còn khó khăn, 65% gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai, không chỉ giá đất cao, giải phóng mặt bằng cũng vướng mắc. Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ chia sẻ, trong khi Chính phủ thể hiện quyết tâm đồng hành cùng DN thì ở nhiều địa phương chính quyền vẫn cố níu kéo tinh thần bao cấp của tư duy quản lý kiểu cũ, khiến cho kỳ vọng của Thủ tướng chưa đạt được. Rút ngắn thời gian nhưng đi nhiều vòng cũng không có ý nghĩa gì. Trong khi đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi đe dọa tới cộng đồng DN. Nhiều DN nói không muốn lớn vì lớn sẽ bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn, như thanh tra phòng cháy, chữa cháy, môi trường theo quý, theo tháng... Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nêu ý kiến, DNTN đang ách tắc nhiều, trong đó có ách tắc về đất đai. Bây giờ không chỉ DN nhỏ khó tiếp cận đất đai mà DN lớn tiếp cận cũng không hề dễ dàng. Cũng phải xách “cái này, cái kia” mới tiếp cận được. Đất đai là câu chuyện bất bình đẳng trong thị trường hiện nay. Chúng ta có nhiều chủ trương kích hoạt sao cho thuận lợi, trong đó đất đai cũng là câu chuyện khá thú vị, nhưng tại sao chi phí không chính thức lên đến 10% mà DN kinh doanh đàng hoàng chỉ lãi 2 - 4%. Chỉ riêng câu chuyện đất đai đã thể hiện rất rõ điều này. Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi DN chưa thật sự đầu tư bài bản, lâu dài do cố hữu người Việt hay do chính sách, vướng mắc, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, với môi trường kinh doanh Việt Nam, trong vấn đề này các DN vừa chủ quan vừa khách quan. Sự vào cuộc của chính quyền vẫn mang tính chất chữa cháy mà chưa phải phòng cháy. Còn theo ông Phan Đức Hiếu, có hai yếu tố chính: Thứ nhất, chúng ta có nhiều biện pháp can thiệp quá sâu vào thị trường, làm sai lệch tín hiệu thị trường. Cách can thiệp này khiến DN không biết nên quyết định đầu tư vào cái gì, đầu tư thế nào. Thứ hai, Nhà nước giữ mức đầu tư quá lớn trong khi nền kinh tế vĩ mô không ổn định. Môi trường kinh doanh còn nhiều dư địa để cải cách, như các NQ 19, hay NQ 35 của Chính phủ mới chỉ tập trung giảm gánh nặng chi phí và thời gian ở mức gia nhập thị trường, còn vấn đề cạnh tranh, quản trị vẫn chưa được nói tới nhiều. Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cũng cho rằng, hiện nay còn tồn tại mâu thuẫn khi Chính phủ và các cấp ngành địa phương đã hành động nhưng một số bộ, ngành vẫn đề xuất thêm giấy phép con. Chính phủ và các bộ, ngành chưa rà soát lại các thông tư hiện hành. DNTN tha thiết đề nghị Chính phủ và bộ, ngành giải quyết những nút thắt rủi ro chính sách để tháo gỡ cho DNTN. Đất nước đã và đang phát triển nên nếu gỡ bỏ rào cản cho DNTN càng sớm, DNTN càng phát triển. |
Theo Baonhandan.com.vn