ĐIỂM SÁNG VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Ngày đăng: 08/11/2017 10:38
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/11/2017 10:38
Sau 6 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn ở huyện Krông Năng đã có nhiều khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Điển hình trong phong trào xây dựng NTM có thể kể đến xã Phú Lộc. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền và phát huy tối đa quy chế dân chủ, công khai minh bạch, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM nên từ năm 2011 đến nay, nhân dân đã đóng góp trên 21 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện xã Phú Lộc đã đạt 17/19 tiêu chí và đang phấn đấu hoàn thành thêm 2 tiêu chí là hộ nghèo và môi trường để về đích NTM trong năm 2017 này.
Ông Châu Văn Lượm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra, đồng thời thường xuyên rà soát các tiêu chí NTM, đánh giá cụ thể những kết quả đạt được cũng như khó khăn, hạn chế của từng tiêu chí để tập trung giải quyết. Quan điểm của huyện là “làm đến đâu chắc đến đó”, không đầu tư dàn trải, chạy theo thành tích…
Ngoài xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu thì công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân luôn được các cấp, ngành của huyện chú trọng thực hiện. Phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua huyện Krông Năng đã linh hoạt sử dụng nguồn vốn của các chương trình hỗ trợ sản xuất, nguồn vốn đối ứng để vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng xen những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bơ với cà phê, tiêu; áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng liên kết để gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức sản xuất...
Đến nay huyện đã hình thành 33 hợp tác xã nông nghiệp, 6 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong đó, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cho người dân như: Mô hình sản xuất cà phê bền vững, liên kết chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê ướt với hơn 3.000 hộ tham gia, sản lượng được chứng nhận UTZ, 4C hằng năm đạt 17.000 tấn; Mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp theo chứng nhận RFA với diện tích 118 ha, năng suất hằng năm được chứng nhận đạt 352 tấn.
“Mặc dù khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Krông Năng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của người dân, đến nay toàn huyện đã đạt 151 tiêu chí, trung bình mỗi xã đạt 13,7 tiêu chí, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh là 2,2 tiêu chí/xã và xấp xỉ bình quân chung của cả nước.” Ông Châu Văn Lượm, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện còn quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chỉ đạo các xã khảo sát đến từng hộ gia đình về số lao động trong độ tuổi không có việc làm, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó tư vấn, giới thiệu các ngành nghề phù hợp. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 6.520 lượt người, tăng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của huyện lên 95%. Nhờ thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ nên đời sống người dân đã dần ổn định, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,4% (trung bình mỗi năm giảm 2%).
Báo Đắk Lắk điện tử