Tranh luận về Nghi lễ hiến sinh trong lễ hôị: Tổ chức Động vật châu Á can thiệp quá sâu vào tính thiêng lễ hội
Ngày đăng: 11/11/2017 14:37
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/11/2017 14:37
Với chủ đề “Bảo tồn văn hóa các lễ hội sử dụng động vật và bảo vệ phúc lợi động vật”, buổi tranh biện do Tổ chức Động vật châu Á tổ chức chiều 4.11 tại Hà Nội tiếp tục đưa ra các luận cứ phản đối nhiều lễ hội có nghi lễ hiến sinh như chọi trâu, treo trâu, chém lợn, chọi dê, chọi gà…
Trên góc nhìn về phúc lợi động vật, diễn giả của Tổ chức này khẳng định, việc tổ chức các lễ hội hiến sinh lợi thì ít, hại thì nhiều.
Trong khi đó, tại tọa đàm mới đây về giải pháp tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, nhiều nhà khoa học đã phản bác quan điểm của Tổ chức Động vật châu Á và cho rằng, Tổ chức này đã can thiệp quá sâu vào đời sống văn hóa cộng đồng.
Lo lắng cộng đồng vô cảm
Thật đáng lo ngại khi những màn chọi trâu bạo lực, có tính sát thương lớn lại được khán giả hò reo, cổ vũ nhiệt tình hơn cả… xem bóng đá. |
Ngày 20.10, Giám đốc Phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á David Neale đã có thư gửi lãnh đạo TP Hải Phòng, quận Đồ Sơn… để tiếp tục bày tỏ lo ngại trước việc sử dụng động vật tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Thư viết:
“Việc chứng kiến động vật chọi nhau và sau đó chúng bị giết để lấy thịt bán ngay bên ngoài đấu trường sân vận động có thể khiến con người ngày càng trở nên vô cảm trước những hành vi bạo lực, đặc biệt là với trẻ em khi tâm lý và nhận thức còn chưa đủ vững vàng và dễ bị tổn thương. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người chứng kiến hoặc thực hiện hành vi bạo hành động vật sẽ có xu hướng bạo lực với những cá nhân khác trong cộng đồng của mình”.
Cũng trong thư, Giám đốc David Neale nhấn mạnh, tai nạn chết người vừa qua có thể là đầu tiên trong 28 mùa lễ hội, nhưng không phải là lần đầu tiên có người bị thương tích. Được ghi nhận tại nhiều mùa giải, việc trâu phá hàng rào sắt và lao vào khu vực khán giả, thậm chí làm náo loạn cả khu vực của Ban tổ chức, cũng không có gì là lạ.
Theo Tổ chức này, việc tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu là trái với định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, trong đó đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn, các hủ tục không còn phù hợp với xã hội văn minh cần được loại bỏ. Tổ chức Động vật châu Á đề nghị chấm dứt tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn và bày tỏ mong muốn được gặp lãnh đạo TP Hải Phòng, quận Đồ Sơn… để trao đổi sâu hơn về vấn đề này.
Tại cuộc tranh biện ngày 4.11, những quan điểm này một lần nữa được ông Nguyễn Tam Thanh, diễn giả, cán bộ Tổ chức Động vật châu Á tái khẳng định. “Thật đáng lo ngại khi những màn chọi trâu bạo lực, có tính sát thương lớn lại được khán giả hò reo, cổ vũ nhiệt tình hơn cả… xem bóng đá.
Thịt trâu chọi bị xẻ bán với mức giá gấp nhiều lần ngoài chợ cũng là biểu hiện của tính thương mại hóa lễ hội. Nhiều nhận định cho rằng yếu tố kinh tế đang chi phối những lễ hội này nhiều hơn là các giá trị văn hóa truyền thống”.
Cần sự hài hòa giữa các luồng quan điểm
Quan điểm của Tổ chức Động vật châu Á sẽ phá vỡ tính thiêng ở nhiều lễ hội, trong đó lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một trường hợp đặc biệt. Kiến nghị của Tổ chức Động vật châu Á đã vấp phải một hàng rào kiên cố khi giới khoa học đều kiên quyết không thể bỏ một di sản văn hóa quốc gia vì một tai nạn đáng tiếc. Có chăng, cách thức tổ chức phải khác đi, trong đó đảm bảo an toàn cho cộng đồng là yếu tố số một. |
Những lo ngại của Tổ chức Động vật châu Á đối với việc tổ chức các lễ hội có nghi lễ hiến sinh cho đến nay không còn là góc nhìn mới. Theo diễn giả Nguyễn Tam Thanh, từ năm 2013, tổ chức này đã lên tiếng phản đối việc tổ chức các lễ hội này, mạnh nhất là với lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) với tục chém lợn. Ông Thanh cho biết: “Quan điểm của Tổ chức trên thực tế cũng đã có tác động nhất định khi các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương liên tục có chỉ đạo chấn chỉnh cách thức tổ chức đối với những lễ hội này. Một số lễ hội như treo trâu ở Yên Bái, chém lợn ở Bắc Ninh đã không còn diễn ra các nghi thức hiến sinh ở chỗ đông người mà đưa vào chỗ kín đáo. Tuy nhiên, trên góc độ bảo vệ phúc lợi động vật thì giải pháp này mới chỉ giảm khả năng chứng kiến của cộng đồng chứ vẫn chưa triệt để…”.
Quan điểm của Tổ chức Động vật châu Á ngay từ khởi điểm đã có độ vênh với góc nhìn của các nhà khoa học. Trong khi ở góc độ bảo tồn văn hóa truyền thống, phần lớn chuyên gia đều khẳng định, quan điểm của Tổ chức Động vật châu Á sẽ phá vỡ tính thiêng ở nhiều lễ hội, trong đó lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một trường hợp đặc biệt. Kiến nghị của Tổ chức Động vật châu Á đã vấp phải một hàng rào kiên cố khi giới khoa học đều kiên quyết không thể bỏ một di sản văn hóa quốc gia vì một tai nạn đáng tiếc. Có chăng, cách thức tổ chức phải khác đi, trong đó đảm bảo an toàn cho cộng đồng là yếu tố số một.
Tại tọa đàm do Bộ VHTTDL tổ chức hồi đầu tháng 9 bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, GS Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) đã từng gay gắt: “Mấy năm gần đây, Tổ chức Động vật châu Á đã can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của chúng ta. Thử hỏi ở các nước khác, đấu bò tót, đấm bốc… đến nỗi có người chết ngay tại chỗ thì có dã man hay không?”.
Hay TS Trần Hữu Sơn (Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) cũng mạnh mẽ phản đối đề xuất dừng tổ chức hội chọi trâu Đồ Sơn. Theo ông, điều cần quan tâm nhất ở đây là siết chặt công tác tổ chức, đảm bảo an toàn, tránh thương mại hóa và tập trung xây dựng lễ hội thành sản phẩm du lịch, chứ không phải ngồi bàn chuyện cấm đoán.
Chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL và ý kiến của các nhà khoa học trên thực tế đã có những tác động mạnh đến hiệu quả tổ chức, quản lý lễ hội của chính quyền địa phương ở vòng chung kết lễ hội năm 2017 (diễn ra vào ngày 9.8 âm lịch, tức ngày 28.9.2017). Theo ghi nhận của Báo Văn Hóa, tại vòng thi này, các yếu tố đảm bảo an toàn, khắc phục thương mại hóa, tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa văn hóa của lễ hội… đã được BTC lễ hội chú trọng triển khai.
Nhiều năm qua, quan điểm của Bộ VHTTDL vẫn luôn nhất quán chỉ đạo không tổ chức các lễ hội chọi trâu có yếu tố bạo lực, không là lễ hội truyền thống ở các địa phương. Dự thảo Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội đang được Bộ triển khai xin ý kiến cũng nhấn mạnh nguyên tắc không tổ chức các lễ hội có yếu tố bạo lực, đi ngược truyền thống nhân ái, nhân văn của dân tộc.
Baovanhoa.vn