Đua show nghệ thuật cho du lịch
Ngày đăng: 12/11/2017 14:24
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 12/11/2017 14:24
Với mức giá chỉ hơn 100.000 đồng, lại thêm vị trí sát hồ Gươm, show múa rối nước của Nhà hát múa rối Thăng Long đang có ưu thế rất lớn trong thị trường du lịch. Vì thế, nó trở thành show phổ thông đến mức khách đến Hà Nội là đi xem rối nước. Thế nhưng “nó cũng là show đơn giản tới mức người ta cũng chỉ xem một lần rồi không quay lại. Vì thế, thị trường không thể chỉ có như thế. Thị trường du lịch cần nhiều chương trình nghệ thuật hơn và chương trình cũng phải công phu, dày dặn hơn”, TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch, Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội, nhận xét. Ở TP.HCM, du khách cũng hay đến xem các show múa rối nước bình dị ở Nhà hát Rồng Vàng hoặc Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM.
Tín hiệu đáng mừng
Nắm bắt được sự thiếu thốn các show nghệ thuật được đầu tư lớn, có tính giải trí cao phục vụ du lịch, gần đây đã có những đơn vị tư nhân công bố dự án show nghệ thuật thực cảnh. Tinh hoa Bắc bộ tại tổ hợp giải trí Baara Land, H.Quốc Oai, Hà Nội có sân khấu chính trên mặt hồ rộng 4.300 m2, dựa lưng vào núi Thầy. Nhờ đó, khán giả được chiêm ngưỡng màn biểu diễn giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thể hiện nhiều nét văn hóa Việt đặc sắc: ca trù, dân ca Bắc bộ, quan họ, hầu đồng, tranh tố nữ, tranh Đông Hồ, múa rối nước, đời sống sinh động trên bến dưới thuyền, tập trận, sĩ tử đèn sách, sinh hoạt lễ hội nhộn nhịp. Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết với chương trình này, ê kíp Tinh hoa Bắc bộ muốn trả lời cho câu hỏi tới Hà Nội thì đến đâu, xem gì. Một show thực cảnh khác cũng hoành tráng không kém là Ký ức Hội An, dự kiến bắt đầu diễn tại Hội An từ tháng 12 năm nay. Ông Mai Soái Nguyên, đạo diễn thực cảnh nổi tiếng của Trung Quốc, đảm nhận vai trò tổng đạo diễn của show diễn mà sân khấu bao gồm cả dòng sông và hai bên bờ.
Nhu cầu của thị trường đã buộc các nhà tổ chức biểu diễn phải chủ động đầu tư làm mới chương trình của mình. Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa cho chạy thử một show mới ở rạp Hồng Hà (phố Đường Thành, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) để lấy góp ý của các công ty lữ hành. Show diễn do nghệ sĩ, nhà nghiên cứu Mai Tuyết Hoa - người nhiều năm gắn bó với âm nhạc dân tộc và xẩm, lên chương trình và tổ chức thực hiện. Có thể gặp trong chương trình những phong vị xưa như những chum nước mưa, chiếc gáo dừa múc nước gội đầu, chợ quê…, cùng sự làm mới như đưa nghệ thuật múa đương đại vào. “Nhà hát tuồng là một đơn vị chịu khó thay đổi, luôn tìm cách để có chương trình mới chiều khách”, bà Đặng Bích Thọ, Phó giám đốc Hanoi Red Tour, nhận xét. Mặc dù vậy, đạo diễn Đinh Anh Dũng, một người bạn của Mai Tuyết Hoa, vẫn cho rằng rất cần phải đưa thêm tính giải trí vào chương trình để sân khấu đẹp và hấp dẫn hơn.
Nhà hát lớn Hà Nội cũng vừa chốt chương trình nghệ thuật phục vụ tour du lịch ở đây. Theo đó, sau khi tham quan kiến trúc của nhà hát, trải nghiệm việc ngồi lô ghế dành cho các nguyên thủ quốc gia, khách sẽ được xem chương trình nghệ thuật tổng hợp với tuồng, chầu văn, múa rối, độc tấu nhạc cụ dân tộc...
Dấu ấn các nhà đầu tư tư nhân
Cũng theo TS Thủy, các show du lịch đang cho thấy sự nổi trội của các nhà đầu tư tư nhân. Họ chi nhiều tiền vào công nghệ nghe nhìn, tạo hiệu ứng sân khấu đẹp. Vở xiếc tổng hợp Ionah của Galaxy tại Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội, hay vở diễn giới thiệu đạo Mẫu Tứ phủ của đạo diễn Việt Tú ở rạp Công Nhân, phố Tràng Tiền, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội hay Tinh hoa Bắc bộ cũng đang đi theo xu hướng này. Ở các show tư nhân, việc mời nghệ sĩ nước ngoài về làm cũng không còn xa lạ gì khi diễn viên uốn dẻo của Ionah là người Mông Cổ, Tinh hoa Bắc bộ có mời người từng làm trong show của Trương Nghệ Mưu cộng tác, Ấn tượng Hội An cũng mời đạo diễn có ảnh hưởng ở Trung Quốc… Xét về quy mô và về mặt giải trí, show của các nhà hát nhà nước thường khó theo kịp show tư nhân do cơ chế cũng như vốn thiếu linh hoạt hơn.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc (Bộ VH-TT-DL), nhìn vào mặt bằng các show, có thể thấy sự tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, việc tổng hợp này nếu chỉ dừng lại ở chỗ gom hết tất cả vào với nhau mà không có người diễn giải tốt thì sẽ khó khăn cho khách nước ngoài khi tiếp cận. “Theo tôi, cần có những tờ gấp giới thiệu sơ qua về các nét văn hóa xuất hiện trong chương trình bằng tiếng Anh. Chẳng hạn, việc sĩ tử đi thi là thế nào, đạo Mẫu ra sao cần được giải thích... Cũng nên hỗ trợ phiên dịch với các nhóm khách không nói tiếng Anh”, một đại diện hãng lữ hành cho biết.
Một việc nữa cần làm để thúc đẩy bán vé các show du lịch là sự xuất hiện của các chương trình này tại các hội chợ du lịch quốc tế. Còn nhớ, hồi cuối năm 2016, đạo diễn Việt Tú đã đích thân mang Tứ phủ tới hội chợ du lịch thế giới tại London, Anh. Chỉ riêng đạo cụ của vở diễn khi mang sang Anh đã nặng tới 300 kg.
Hiện tại, show Tinh hoa Bắc bộ đang bắt đầu bán vé và tiếp tục giới thiệu với các công ty lữ hành. Ionah bán chạy vào các dịp lễ tết. Show Nhà hát Lớn Hà Nội đang trong giai đoạn khởi động. Show ở Nhà hát tuồng sẽ còn chỉnh sửa thêm trước khi chính thức chạy bán vé. Tứ phủ hiện đang bán vé đều và ổn định, thậm chí khách đang tăng và có hy vọng chia khách của múa rối nước Thăng Long. |
Trinh Nguyễn
Theo Thanhnien.vn