62 di sản thiên nhiên thế giới bị đe dọa bởi BĐKH
Ngày đăng: 21/11/2017 19:08
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 21/11/2017 19:08
Tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 23 (COP 23) diễn ra ở Bonn, Đức; Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho biết, số lượng các di sản thiên nhiên thế giới bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tăng gấp đôi từ 35 lên 62 trong vòng ba năm qua.
Theo đánh giá của IUCN, BĐKH là mối đe dọa lớn nhất mà các di sản thiên nhiên thế giới phải đối mặt ngày nay. Báo cáo Triển vọng Di sản Thế giới mới cập nhật của IUCN đã kiểm tra các mối đe dọa, bảo vệ và quản lý các di sản.
Báo cáo chỉ rõ, các rạn san hô Aldabra ở Ấn Độ Dương - hòn đảo san hô san hô lớn thứ hai trên thế giới; rạn san hô Belize Barrier ở Đại Tây Dương - rạn san hô lớn nhất ở bán cầu bắc và rạn san hô Great Barrier Reef đã bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tẩy trắng san hô thảm khốc trong ba năm qua do nhiệt độ biển tăng lên. Trong đó, hòn đảo Great Barrier Reef đã bị tẩy trắng rộng rãi, với tới 85% rạn san hô bị ảnh hưởng vào năm 2016.
Những phát hiện rộng hơn của báo cáo còn cho thấy nhiều thách thức khác đối với di sản thế giới, đó là mối đe dọa từ các loài xâm lấn, du lịch không bền vững hay sự phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này ảnh hưởng đến quá trình sinh thái và đe dọa sự sống còn của các loài trong khu vực.
Ông Tim Badman, Giám đốc Chương trình Di sản Thế giới của IUCN cho biết: các di sản thiên nhiên thế giới đóng một vai trò quan trọng hỗ trợ nền kinh tế và sinh kế địa phương. Các di sản thiên nhiên bị tàn phá có thể để lại hậu quả nghiêm trọng ngoài vẻ đẹp đặc biệt và giá trị tự nhiên của chúng.
Chẳng hạn như, Vườn Quốc gia Huascarán ở Pêru, các sông băng nóng chảy ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước; gây ô nhiễm nước và đất do sự phóng thích các kim loại nặng trước đây bị mắc kẹt dưới lớp băng. Điều này cho thấy sự khẩn cấp bảo vệ những nơi này.
Nhìn chung, báo cáo của IUCN cho thấy 29% các di sản thế giới phải đối mặt với những lo ngại đáng kể. Báo cáo cũng cho thấy việc quản lý các di sản thiên nhiên thế giới đã giảm chất lượng và hiệu quả từ năm 2014, chủ yếu là do không đủ nguồn tài chính.
Bà Inger Andersen, Tổng giám đốc IUCN khẳng định, bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới là trách nhiệm quốc tế của các chính phủ đã ký kết Hiệp định Paris. Báo cáo của IUCN gửi một thông điệp rõ ràng rằng: “Quy mô và tốc độ của BĐKH làm tổn hại di sản thiên nhiên thế giới, cần thiết sự cam kết và hành động cấp bách, đầy tham vọng từ các quốc gia để thực hiện Hiệp định Paris”.
Tuyết Chinh
Theo Baotainguyenmoitruong.vn