Không gian sáng tạo độc đáo của NSND Vương Duy Biên
Ngày đăng: 23/11/2017 19:00
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/11/2017 19:00
Không gian nghệ thuật của nghệ sĩ Vương Duy Biên tại thôn Bốt Tép, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là nơi có không gian thoáng đãng, có tầm nhìn rộng ra sân bay Nội Bài, gần Không gian nghệ thuật Việt Phủ Thành Chương, đền Phù Ðổng (Ðền Gióng), tượng đài Thánh Gióng và nhiều điểm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nổi tiếng khu vực Sóc Sơn.
Không gian sáng tạo độc đáo
Bước chân vào Không gian nghệ thuật của nghệ sĩ Vương Duy Biên người ta có cảm giác như vượt khuôn khổ của việc lãng du và thấu cảm rộng hơn về sự sáng tạo của người làm nghệ thuật. Thực và ảo, nghệ thuật sắp đặt và những cảnh tự nhiên đã đem lại sự độc đáo cho không gian nghệ thuật của ông. Giữa vườn cây, chiếc Bốt có từ thời chiến được NSND Vương Duy Biên tận dụng thành nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Trên Bốt còn được tận dụng thành một không gian như “lầu nghinh phong” để chủ nhà thưởng trà, trò chuyện cùng bạn bè, đồng nghiệp.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, dù là Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhưng NSND Vương Duy Biên không lúc nào ngơi nghỉ sáng tác. Ông kể, thời gian sáng tác của ông chủ yếu trên xe, đôi khi là trong các cuộc họp. Bởi, khi nảy ra ý tưởng nào đó, ông ghi chép lại ngay rồi cuối tuần được nghỉ ngơi, ông lao vào sáng tác.
Từ thập kỷ 90, khi còn là một cái tên khá mới mẻ trong làng điêu khắc, nghệ sĩ Vương Duy Biên đã gây tiếng vang khi trở thành nhà điêu khắc duy nhất có tác phẩm được chọn tại cuộc thi thiết kế tượng đài Trần Hưng Đạo tại TP Nam Định.
Thời điểm đó, nghệ sĩ Vương Duy Biên đã thể hiện chân dung Đức Thánh Trần bằng linh cảm của một người đam mê điêu khắc với hình thế danh tướng Trần Hưng Đạo “tay phải cầm Hịch tướng sĩ, tay trái tì lên đốc kiếm”. Bức tượng đã thể hiện sự trí dũng của bậc danh tướng nhưng cũng thể hiện được tinh thần của dân tộc Việt Nam, một dân tộc không bao giờ muốn chiến tranh, luôn yêu chuộng hòa bình nhưng cũng luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù xâm lược.
Cho đến nay, gần 2 thập kỷ đã trôi qua, bức tượng đó đã trở thành “khuôn mẫu” trong sự hình dung của nhiều người về danh tướng Trần Hưng Đạo và đã được nhân bản ra rất nhiều công trình tâm linh – nghệ thuật trên mọi miền Tổ quốc. Và cũng sau bước ngoặt ấy, nghệ sĩ Vương Duy Biên đã gieo hết mình cho niềm đam mê nghệ thuật với đủ các thể loại từ điêu khắc, hội họa, nghệ thuật trình diễn rối đến nghệ thuật sắp đặt.
Ngay từ năm 1993, nghệ sĩ Vương Duy Biên đã tổ chức triển lãm tranh lụa cá nhân tại Hà Nội, được giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật đánh giá rất cao. Sau đó là hàng loạt những triển lãm cá nhân gây tiếng vang của nghệ sĩ Vương Duy Biên được tổ chức ở Ba Lan, Nhật Bản, Pháp, Đức, Trung Quốc…
Nổi tiếng là họa sĩ vẽ tranh lụa nhưng nghệ sĩ Vương Duy Biên còn bộc lộ sự tài hoa hiếm có với vai trò đạo diễn vở múa rối “Hồn quê”, một sự kết hợp tài tình - kỳ lạ giữa rối nước truyền thống với nghệ thuật sắp đặt hiện đại.
Sau này, khi đã trở thành Cục trưởng Cục NTBD rồi Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nghệ sĩ Vương Duy Biên vẫn miệt mài sáng tạo và không ngừng cho ra những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Nhiều năm qua, người nghệ sĩ này đã âm thầm chăm chút cho không gian nghệ thuật riêng tại Sóc Sơn, Hà Nội.
Tác phẩm là chia sẻ của nghệ sĩ với cuộc đời
Không gian ấy lần đầu tiên mở cửa đón bạn bè, đồng nghiệp, khách tham quan tại Triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của nhà điêu khắc, họa sĩ, NSND Vương Duy Biên vừa được khai mạc các ngày 17, 18 và 19/11/2017 tại thôn Bốt Tép, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Triển lãm lần này trưng bày 80 tác phẩm trong đó có hơn 40 bức tranh (tranh lụa, sơn mài, sơn dầu…), hơn 30 tác phẩm tượng. Tại triển lãm, nhà điêu khắc, họa sĩ, NSND Vương Duy Biên cũng sẽ ra mắt một số tiết mục trình diễn nghệ thuật múa rối (rối cạn, rối bụng...) có sự tương tác với các tác phẩm mỹ thuật.
Một số tác phẩm điêu khắc mang đậm dấu ấn sáng tạo của nghệ sĩ Vương Duy Biên trong triển lãm lần này như: “Chiếc ghế đang chìm”, “Kéo cưa lừa xẻ”, “Chum kinh nghiệm”, “Mãn nguyện”, “Ai bảo tôi không làm được?”, “Hãy mở những ổ khóa” (cụm tượng)… Mỗi một tác phẩm đều truyền tải những thông điệp đầy ý nghĩa, đồng thời thể hiện bàn tay sáng tạo đầy tài năng của tác giả.
Một số tác phẩm điêu khắc bày tại không gian ở Sóc Sơn cho thấy tính triết lý được đúc kết từ sự trải nghiệm cuộc sống, của vị trí công tác, của lứa tuổi, của thời cuộc nói chung.
Trong điêu khắc của NSND Vương Duy Biên xuất hiện nhiều hình ảnh các cô, cậu bé. Lý giải điều này, ông cho biết, phần vì ông yêu mến các em nhỏ. Một mặt, các hình ảnh các cậu bé như mong muốn của chính tác giả muốn có được sự vô ưu, vô tư, hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ, mặt khác như một cách châm biếm dí dỏm những bon chen, vô minh của một bộ phận không nhỏ “người lớn” hiện nay.
Tác phẩm “Cái ghế đang chìm” có thể hiểu như một thông điệp về bản chất phù du, sự vô nghĩa của tham vọng công danh, danh vọng... Tác phẩm “Hãy mở những ổ khóa” với một loạt những cái khóa được sắp xếp như một đàn trâu thể hiện khả năng quan sát, phát hiện về hình khối tối giản đồng thời cũng có thể hiểu như một thông điệp “cởi bỏ /mở khóa là sẽ có được sự tự do, thanh thản như những con vật hiền lành, vô tư kia...”.
Tác phẩm thể hiện một cậu bé ngồi trên toilette đang phi một cái máy bay giấy vừa vui nhộn, vừa chứng tỏ năng lực tạo hình chuyên nghiệp (tả thực cậu bé), vừa có thể hiểu như một mong muốn có thể vô tư, vui vẻ như trẻ em trong mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh.
Trong hội họa, NSND Vương Duy Biên lại thể hiện nỗi niềm đau đáu với làng quê, với nông thôn. Bức tranh nào của ông cũng có hình ảnh người nông dân, làng quê. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo - một trong những người bạn vẫn thường ghé không gian sáng tạo của NSND Vương Duy Biên cho biết: “Tranh sơn mài của anh Vương Duy Biên không thể thiếu hình ảnh người nhà quê. Tâm thức về nhà quê rất mạnh trong hội họa của anh Biên. Được đặt trong không gian phù hợp như nơi này, không gian càng cho người nghệ sĩ có điểm sáng tạo, cống hiến”.
NSND Vương Duy Biên chia sẻ: “Mỗi tác phẩm đều là những suy nghĩ, chia sẻ của người nghệ sĩ với cuộc đời. Trong điêu khắc của tôi hay gặp hình ảnh các em nhỏ, vì tôi yêu trẻ nhỏ, yêu sự ngây thơ, hồn nhiên của chúng. Hay trong hội họa của tôi hay gặp hình ảnh nông thôn, vì tuổi thơ nghèo khó gắn với những miền đã qua, khi đi sơ tán… Tất cả những hình ảnh ấy vẫn còn trong tâm thức của mình”.
Bài, ảnh: Hoàng Nguyên
(Báo điện tử Tổ quốc)