Hội thảo Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động Nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 24/11/2017 18:40
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/11/2017 18:40
Sáng 24/11, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động Nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà H’Lim Niê – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đại diện các Sở, ban, ngành, địa phương, các Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, hiện nay toàn tỉnh có 609 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, trong đó có 585 buôn có 577 Nhà VHCĐ, phần lớn Nhà VHCĐ được trang bị những thiết bị cần thiết để tổ chức hoạt động như: thiết bị âm thanh, bàn ghế, trang trí khánh tiết... Hệ thống Nhà VHCĐ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng và trở thành thiết chế văn hóa quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hệ thống Nhà VHCĐ đã phát huy vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng, là nơi tập hợp nhân dân để tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và là nơi hội họp, trưng bày truyền thống, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin - cổ động, sinh hoạt đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Hội Nông dân; nhiều nơi đã trở thành trụ sở thường trực của trưởng buôn, già làng để giải quyết các công việc của buôn, làng.
Trong những năm qua, hoạt động của hệ thống Nhà VHCĐ đã dần được củng cố và có sự quan tâm của các địa phương, của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhiều Nhà VHCĐ hoạt động thường xuyên, hiệu quả, đã tổ chức được các câu lạc bộ như: Văn nghệ dân gian, Đội chiêng trẻ, CLB khuyến nông, tủ sách cộng đồng, tổ chức Buôn vui chơi, Buôn ca hát… Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 301 Nhà VHCĐ hoạt động thường xuyên, 263 Nhà văn hóa hoạt động chưa thường xuyên và 13 Nhà VHCĐ không hoạt động.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Nhà VHCĐ, trong những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức được các hoạt động hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ văn hóa cơ sở, trong đó có Ban chủ nhiệm Nhà VHCĐ trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn xây dựng được nhiều mô hình Nhà VHCĐ hoạt động hiệu quả. Cùng với việc tổ chức các hoạt động, hệ thống Nhà VHCĐ đã phối hợp xây dựng, duy trì được gần 400 đội nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng trong đó có gần 200 đội chiêng trẻ; có 925 đội văn nghệ quần chúng thường xuyên hoạt động góp phần tạo ra bộ mặt văn hóa mới ở khắp các buôn làng trên địa bàn toàn tỉnh. Có thể nói hoạt động của hệ thống Nhà VHCĐ trong những năm qua đã thực sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống, hội họp, nơi tổ chức các lớp dạy nghề thủ công như đan lát, dệt thổ cẩm, dạy đánh cồng chiêng… cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao khác. Một số địa phương có nhiều Nhà VHCĐ hoạt động hiệu quả như: Huyện Cư M’gar, M’Đrắk, Krông Bông và thành phố Buôn Ma Thuột. Nhà VHCĐ hoạt động khá đa dạng và thường xuyên.
Theo số liệu thống kê toàn tỉnh có 263 Nhà VHCĐ hoạt động yếu; một số Nhà VHCĐ được xây dựng từ lâu nên xuống cấp. Trang thiết bị cho Nhà VHCĐ không đồng bộ, còn thiếu nhiều thiết bị cần thiết để tổ chức hoạt động. Kinh phí hoạt động hàng năm cho Nhà VHCĐ không được cấp nên gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua Nhà VHCĐ đã phát huy vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng người dân địa phương. Đây là nơi tập hợp Nhân dân, tuyên truyền hiệu quả và thiết thực nhất, đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc một cách nhanh chóng và chính xác, đồng thời là nơi gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi nững khó khăn vướng mắc và đề xuất những những giải pháp trước mắt, lâu dài để phát huy hiệu quả hoạt động Nhà VHCĐ; để Nhà VHCĐ và thật sự trở thành thiết chế văn hóa ở cơ sở; đánh giá thực trạng hoạt động và những tồn tại, bất cập trong xây dựng, quản lý hoạt động…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của hệ thống Nhà VHCĐ trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Để phát huy hiệu quả hoạt động của Nhà VHCĐ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá lại hoạt động của các Nhà VHCĐ trên địa bàn, đồng thời rà soát lại những Nhà VHCĐ bị xuống cấp để có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp; xem xét vận động thành lập các Ban Chủ nhiệm để duy trì hoạt động; khi xây dựng, sửa chữa Nhà VHCĐ cần lồng ghép, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho Nhà VHCĐ …
Ama Phong