Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc
Ngày đăng: 26/11/2017 15:52
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 26/11/2017 15:52
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập là thách thức không nhỏ đối với tỉnh Đắk Lắk. Trong chương trình "Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời" mới đây, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã có một vài chia sẻ về vấn đề này.
°Xin ông cho biết đôi nét khái quát về thực trạng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh?
- Ngành VH-TT&DL đã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống nhằm góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc tại chỗ. Đặc biệt từ năm 2007 - 2010, Sở VH-TT&DL triển khai thực hiện Nghị quyết 10, ngày 13-7-2007 của HĐND tỉnh về “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2007 - 2010” và đã thu được nhiều kết quả. Tiếp đó là triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/2012, ngày 6-7-2012 của HĐND tỉnh “Bảo tồn, phát huy di sản - không gian văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk giai đoạn 2012 -2015”. Các Nghị quyết này đã góp phần giáo dục ý thức trách nhiệm cho mọi thành viên trong cộng đồng và toàn xã hội về việc gìn giữ có hiệu quả không gian văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được nghiên cứu.
°Trong xu thế hội nhập, nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống bị mai một. Vậy trách nhiệm của ngành Văn hóa trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống như thế nào, thưa ông?
- Theo tôi, muốn bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, ngoài tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh theo định kỳ, đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL, cần tiến hành xác định, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó là phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại chỗ, tổ chức hội thảo khoa học nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Mặt khác, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống cho cán bộ huyện, xã, phường, buôn, cho cán bộ làm công tác sưu tầm nghiên cứu, quản lý văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; mời các nghệ nhân giỏi về truyền dạy cồng chiêng, các nhạc cụ dân gian cho con em các dân tộc. Đặc biệt, cần có chế độ đãi ngộ thích đáng cho các nghệ nhân tài giỏi, những cá nhân và gia đình có công gìn giữ di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
°Có ý kiến cho rằng, khi tổ chức phục dựng, tái hiện một số nghi lễ, lễ hội, ngành Văn hóa làm theo kịch bản sẵn có “từ trên xuống” mà chưa có sự tham vấn, lựa chọn của chính chủ thể văn hóa, dẫn đến hiệu quả chưa như mong đợi, ông cho biết quan điểm của mình?
- Việc phục dựng, tái hiện một số nghi lễ, lễ hội làm theo kịch bản sẵn có “từ trên xuống” không thể xảy ra. Vì muốn phục dựng và tái hiện không gian lễ hội truyền thống phụ thuộc ba yếu tố: Quan niệm tâm linh, không gian và hình thức tổ chức. Do vậy, việc phục dựng theo kịch bản có sẵn không thể thực hiện được, vì thầy cúng không làm theo khuôn mẫu (kịch bản); thầy cúng không làm theo hướng dẫn của người khác, dù đó là người ở địa vị có chức sắc trong cộng đồng buôn. Tuy nhiên, các nghi lễ không thực hiện nguyên bản như ngày xưa nhưng nó vẫn giữ yếu tố tín ngưỡng. Ngày xưa, tổ chức một nghi lễ từ 1-3 ngày, thì nay chỉ còn lại một ngày; trước đây nghi thức còn rườm rà nay tổ chức gọn lại. Nguyên nhân là do việc canh tác rẫy lúa, rừng đầu nguồn, cổng buôn truyền thống, gian khách nhà dài,… không gian này bị thu hẹp nên việc thực hiện nghi thức đúng với nguyên bản không còn nữa.
Sở VH-TT&DL đã có giải pháp cho hoạt động phục dựng các lễ hội truyền thống bằng cách sưu tầm, ghi chép trình tự nghi thức và lời cúng, quay phim, chụp ảnh một nghi lễ trong khi cộng đồng đang thực hiện. Nhưng văn bản ghi chép trình tự nghi thức của nghi lễ đó chỉ để nghiên cứu và lưu trữ, nếu đem văn bản trình tự nghi lễ này áp dụng vào thực tế để tổ chức lần tiếp theo thì bà con không làm theo, vì trình tự nghi thức này sẽ không phù hợp vì thời tiết, mùa màng và cuộc sống của từng năm nên việc cúng thần của các đợt sau thay đổi toàn bộ nội dung của nghi thức trong nghi lễ.
°Xin cảm ơn ông!
Nguyên Hoa (thực hiện)
Theo Baodaklak.vn