Hội nghị trực tuyến toàn quốc Triển khai Luật Du lịch năm 2017, Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ngày đăng: 30/11/2017 03:04
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 30/11/2017 03:04
Sáng 28/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) tổ chức Hội nghị triển khai quán triệt Luật Du lịch 2017, Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ VH,TT&DL thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Tổng cục Du lịch và 63 điểm cầu trên cả nước (đại diện lãnh đạo UBND, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phòng quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã đánh giá kết quả mà ngành Du lịch đã đạt được và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước: Năm 2016, ngành Du lịch đã đạt mức tăng trưởng 27% và đón 10 triệu lượt khách quốc tế; Dự kiến, đến hết năm 2017, sẽ đón được 12,8 - 13 triệu lượt khách, tăng 28% so với năm 2016. Như vậy, so với năm 2015 thì lượng khách du lịch đến Việt Nam đã tăng gần 60% (tính trong 02 năm 2016 và 2017).
Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh “Với đà tăng trưởng của ngành Du lịch như hiện nay, có khả năng sang năm Việt Nam sẽ đuổi kịp Indonesia và mục tiêu trong các năm tiếp theo sẽ là Singapore, Malaysia, Thái Lan...".
Hội nghị đã nghe Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn giới thiệu một số nội dung cơ bản của Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ VH,TT&DL thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Với mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đặt ra: “Đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực; thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng từ từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam á”.
Theo đó, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ ngành, địa phương nhằm thực hiện 08 nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, cơ cấu lại ngành du lịch, hoàn thiện thể chế, chính sách, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng cường quảng lý nhà nước về du lịch; cùng 15 đề án cụ thể được đề xuất như: Đề án điều chỉnh chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá; Đề án đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo đại học về du lịch;…
Để cụ thể Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch hành động của Bộ VH,TT&DL cũng đã xác định được 15 nhiệm vụ trọng tâm để các cục,vụ của Bộ triển khai. Cụ thể, có 12 nhiệm vụ thuộc về Tổng cục Du lịch, 01 nhiệm vụ thuộc Tổng cục Thể dục thể thao, 01 nhiệm vụ thuộc Cục Hợp tác Quốc tế và 01 nhiệm vụ thuộc Vụ Đào tạo.
Hội nghị cũng nghe Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương giới thiệu tóm tắt những điểm mới của Luật Du lịch 2017: Về lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch, vận tải khách du lịch,…
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo địa phương như Đà Lạt, Lào Cai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,… Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ghi nhận sự chủ động, năng động và sáng tạo của các tỉnh, thành phố trong phát triển ngành du lịch thời gian qua; đồng thời cũng nhấn mạnh hệ thống văn bản mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là trong quá trình thực hiện, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”.
Để triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 6/10/2017 và sớm đưa Luật Du lịch 2017 vào thực tiễn, Bộ VH,TT&DL đã trình lên Chính phủ Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch. Đồng thời, Bộ cũng sẽ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều về Luật Du lịch để triển khai thực hiện.
Thụy Phương