Nhạc lai căng lấn át nhạc nội!
Ngày đăng: 04/12/2017 14:39
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/12/2017 14:39
Đang có một thực tế trong thị trường âm nhạc, đặc biệt là nhạc trẻ, là những sáng tác giật gân, ca từ nhạt nhẽo, nội dung vô bổ, Tây ta lẫn lộn thì nhiều.
Bản sắc dân tộc không những không có mà còn bị “biến chất” bởi sự bắt chước, học đòi… “Bản sắc”, cái đang thiếu và có nguy cơ nhạt dần trong lúc đời sống thị trường âm nhạc giải trí nổi trội, lấn át… một lần nữa được Hội Âm nhạc TP.HCM đưa ra bàn luận trong Hội thảo “Bản sắc dân tộc trong sáng tạo âm nhạc”.
Chuyện bảo tồn và phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc dù đã được đưa ra bàn luận, mổ xẻ nhiều trong các tọa đàm, hội thảo nhưng cho đến nay mối quan hệ giữa nhạc trẻ và bản sắc dân tộc vẫn là câu chuyện còn nhiều chuyện để bàn. Thậm chí có người còn đùa rằng, thị trường âm nhạc đang thuộc về các nhạc sĩ trẻ… Nhưng chính cái thị trường bề nổi hiện nay càng khiến người nghe lo lắng bởi phần lớn các ca khúc theo âm điệu Tây, Hàn, Nhật, Hoa… tràn ngập. Kèm theo đó là lời bài hát nhạt nhẽo, ca từ vô nghĩa… Chèn giữa tiếng Việt là những câu tiếng Tây, Tàu. Danh sách các ca khúc kiểu này vẫn cứ nối dài mà không hề thấy bản sắc nhạc Việt.
Không phải ngẫu nhiên nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã từng có nhận định rằng: “Một số chương trình ca nhạc trên truyền hình, nhân danh đi tìm kiếm tài năng, ủng hộ lớp trẻ “đóng triện son” cho một số tác phẩm nghiệp dư, lai căng, xa rời cội nguồn âm nhạc dân tộc, bất chấp ý kiến của giới chuyên môn và phản ứng của công chúng…”.
Hầu hết các cuộc thi, sân chơi âm nhạc trên truyền hình hiện nay đều tập trung bề nổi. Các ca sĩ trẻ, thí sinh đều chọn những bài hát nửa Tây, ta hoặc nhạc nước ngoài trình diễn. Trong khi những bài hát mang âm điệu Việt ngày càng khan hiếm. Và nếu có cũng ít có cơ hội được xuất hiện trên truyền hình, truyền thông.
Đã từ khá lâu, thị trường nhạc Việt thiếu vắng những ca khúc mang “bản sắc” dân tộc như âm hưởng dân ca. Nếu như thời gian trước ca khúc Việt có những tác phẩm để lại ấn tượng cho người nghe như: Ca dao em và tôi; Chim sáo ngày xưa; Cõng mẹ đi chơi; Chảy đi sông ơi; rồi những bài hát trong Bài hát Việt: Giấc mơ trưa; Bà tôi; Về ăn cơm… thì hiện nay đang trở thành khan hiếm.
Nguyên nhân nào đã khiến cho những “hạn chế” này vẫn tồn tại và ngày càng trầm trọng hơn? NS Trần Thái Quang cho rằng: “Thực tế thì âm nhạc cổ truyền dân tộc đang đứng trước những thách thức lớn. Nó đang bị tác động rất lớn bởi cơ chế thị trường. Nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền đang mờ dần bản sắc, khán giả không còn mặn mà. Một bộ phận lớp trẻ thì chỉ quan tâm đến nhạc thương mại, nhạc nước ngoài mà quay lưng với nền âm nhạc dân tộc, khiến những nhạc sĩ, nghệ sĩ có tâm huyết với nền âm nhạc cổ truyền nước nhà đặt trong tình trạng báo động. Những chương trình âm nhạc nghiêm túc, nhạc dân tộc thì chỉ được giới thiệu trong thời gian từ 22 giờ đến 1 giờ sáng. Trong khi nhiều chương trình nhạc giải trí, chất lượng nghệ thuật chưa cao, tính giáo dục thấp lại xuất hiện vào “giờ vàng” và xuất hiện nhiều lần kết hợp cùng các showbiz nhờ kinh phí của nhà tài trợ…”.
Nhạc sĩ Nguyễn Công Diên chỉ ra: “Có những nhạc sĩ trẻ lớn lên, học nhạc ở VN nhưng hồn nhạc thì ở đâu đâu không ra chất Việt, giai điệu, tiết tấu, hòa âm giống nhạc Hàn, Hoa, Nhật… Lỗi này không chỉ ở cá nhân mà còn liên quan đến truyền thông và các bầu sô nữa. Họ chú trọng sự nổi tiếng và thị trường nên đẩy ca sĩ ngày càng xa rời bản sắc Việt.
Một thực tế không thể phủ nhận là việc ca sĩ trẻ chạy theo những ca khúc thị trường, chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả trẻ. Danh sách những ca khúc “nửa mùa” Tây ta ngày càng dài.
Nhạc sĩ V (xin không nêu tên) cho biết: “Thời buổi cơ chế thị trường, cái gì dễ bán và dễ kiếm lời thì dễ được đầu tư. Tôi biết có những nhạc sĩ, vì chạy theo “đơn hàng” của ca sĩ nên cứ trượt dài theo những ca khúc dễ dãi, nội dung nhạt. Cũng không trách được họ, bởi trong thời đại công nghệ số những giá trị nổi bề ngoài lại được truyền thông lăng xê quá mức. Những ca khúc nhạt nhẽo, vô bổ lại được like và nghe nhiều dù không ít những bài bị coi là thảm họa. Sự thiếu tự trọng của nhạc sĩ cùng sự dễ dãi của công chúng, khán giả đã tạo cơ hội cho các sản phẩm này có cơ hội sinh sôi…”.
Câu chuyện “bản sắc dân tộc” trong nghệ thuật âm nhạc có lẽ sẽ còn là câu chuyện dài kì. Bản thân các nhạc sĩ không có được sự “cân bằng” trong sáng tác của mình. Chạy theo xu hướng, chiều theo đám đông thì nguy cơ mất bản sắc là có thật. Nếu không có sự đồng lòng từ nhạc sĩ, ca sĩ, truyền thông và khán giả… thì các giải pháp đưa ra sẽ mãi ở trên miệng mà thôi…
Mai Linh
Theo Baovanhoa.vn