Thực trạng văn hóa dân gian ở đô thị
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, văn hóa dân gian(VHDG) không còn tồn tại thành một thể thống nhất mà bị chia nhỏ và biến đổi cả cấu trúc, chức năng theo xu thế của xã hội hiện đại.
Nét truyền thống trong VHDG đã bị mất đi cơ sở tồn tại, không còn môi trường nuôi dưỡng và phát triển thăng hoa như xưa mà bị chia lẻ, vỡ vụn.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, VHDG vẫn có nhiều tác động đến đời sống xã hội đương đại một cách mạnh mẽ.
Các thành tố ngữ văn dân gian, nghệ thuật dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống... tuy không tồn tại theo cả một cấu trúc, cả một hệ thống nhưng lại trở thành một bộ mặt văn hóa của xã hội đương đại.
Ảnh: Lễ cúng nhà mới của người Ê đê
Ngày nay, cùng với sự du nhập của văn hóa nước ngoài, việc xuất hiện các lễ hội, ngày lễ mới như ngày lễ Tình nhân, lễ Noel cũng như các ngày lễ, ngày kỷ niệm... đã tạo ra môi trường sinh hoạt VHDG mới cho người dân thành thị.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Hà Nội và một số thành phố lớn đã hình thành các khu phố đi bộ, không gian công cộng mới… phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân thủ đô.
Điều này thể hiện rằng, VHDG vẫn còn tồn tại trên một phương diện nào đó của cuộc sống, dù chưa được thực sự mạnh mẽ như thời gian trước nhưng nó vẫn phản ánh đúng ý nghĩa thực của nền VHDG truyền thống của Việt Nam.
Ảnh: Lễ cúng cầu mưa
Bảo tồn VHDG trong xã hội đương đại
Sử dụng ngành khoa học VHDG ứng dụng vào nghiên cứu đô thị là tập chung nghiên cứu các thành tố VHDG đã thích ứng và “chung sống” với người dân đô thị.
Nó tập trung nghiên cứu về đời sống văn hóa của cư dân nhập cư cũng như dân cư “đô thị gốc”.
Đây được coi là phương pháp nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn đời sống văn hóa, nhằm phát hiện và bảo tồn VHDG trong lòng xã hội đương đại.
Các yếu tố của VHDG (nhất là tập quán, phong tục) đã chi phối đến đặc điểm cư trú cũng như quá trình “xóa đói giảm nghèo” của một bộ phận người dân nhập cư, đặc biệt là cộng đồng dân cư tại các thành phố đông đúc.
Nói đến kết quả bước đầu của nghiên cứu VHDG đô thị, TS Trần Hữu Sơn – phó chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Trong những năm gần đây, Hà Nội và một số thành phố lớn xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình VHDG mô phỏng.
VHDG mô phỏng (Folklorismus) thực sự là các tư liệu, các mảnh vỡ của VHDG, không nằm trong bối cảnh gốc nhưng lại gây ấn tượng bằng thị giác và thính giác hoặc mang lại niềm vui thích về mặt thẩm mỹ như trang phục, biểu diễn trong lễ hội, âm nhạc hay ẩm thực, những tư liệu thích hợp này đã tách ra khỏi bối cảnh ban đầu của chúng và để sử dụng theo một cách mới cho một nhóm công chúng khác. VHDG mô phỏng còn xuất hiện phổ biến đô thị với tên gọi văn nghệ quần chúng.
Dù nhiều nhà khoa học phê phán các hình thức nghệ thuật dân gian mô phỏng này nhưng nó lại đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa ở cơ sở, thu hút được lượng khán giả đông đảo ở các kỳ hội diễn, các cuộc liên hoan, các “ngày văn hóa”...
Hiện nay, với xu hướng khôi phục lễ hội, hoặc tổ chức các lễ hội du lịch đang diễn ra khắp nơi đều dựa vào chất liệu của văn hóa dân gian mô phỏng.
Vì vậy VHDG mô phỏng là một loại hình đặc biệt đang đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần hiện nay cần được nghiên cứu dưới góc độ VHDG ứng dụng.
Để từ đó có sự tư vấn của các nhà VHDG phục vụ cho việc nghiên cứu tổ chức các sự kiện, các sinh hoạt văn hóa dân gian”.
Như vậy, VHDG đô thị tập trung nghiên cứu quá trình hình thành các xu hướng thích nghi văn hóa của các nhóm di dân vào đô thị, nghiên cứu các phố nghề, làng nghề ở các thành phố cũng như nghiên cứu các loại hình kinh tế phi chính thức, nghiên cứu những đặc trưng văn hóa, nếp sống các sinh hoạt văn hóa của người dân cũng như tổ chức tôn giáo tác động đến đời sống cư dân đô thị.
VHDG đô thị còn chú trọng nghiên cứu loại hình nghệ thuật ngôn từ như giai thoại, truyện tiếu lâm, ca dao, tục ngữ mới...
Nghiên cứu các phong tục tập quán cũ và mới đang vận hành trong xã hội đô thị... Cũng như nhân học đô thị, VHDG đô thị ngày càng trở thành một ngành nghiên cứu quan trọng ở các thành phố, thị trấn, thị xã.
VHDG đô thị còn mở ra một hướng nghiên cứu mới đối với các nhà Folklore học ở các trung tâm đô thị lớn.
Các nhà nghiên cứu Folklore không phải đi điền dã ở nông thôn, miền núi xa xôi mà tập trung nghiên cứu ở ngay tại gia đình mình, tổ dân phố, ngõ xóm nơi cư trú.
Kết quả nghiên cứu văn hóa dân gian đô thị còn giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý trong công tác quy hoạch, phát triển đời sống kinh tế - văn hóa ở khu dân cư, nắm bắt tâm trạng, nhận thức, thái độ của người dân nhằm điều chỉnh, thực thi chính sách..