Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Ngày đăng: 07/12/2017 18:32
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/12/2017 18:32
Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vào hồi 15h15 phút (giờ Việt Nam) ngày 7/12/2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hội hô Bài Chòi là trò diễn xướng dân gian đầy sáng tạo của cư dân ven biển miền Trung. Những năm gần đây, khắp nơi trên các vùng Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, cứ đến ngày lễ Tết, người dân lại nô nức đi chơi Bài Chòi. Thậm chí loại hình này còn được khai thác để phục vụ du lịch.
Bên cạnh những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, hát Bài Chòi còn mang đậm tính nhân văn, tính giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người... thông qua những câu hô hát (còn gọi là câu Thai).
Thông qua nội dung của những câu hát, có thể tìm thấy trong đó sự ca ngợi tình thương yêu cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa vợ chồng... Không chỉ mang đậm tính nhân văn, mà nội dung các câu hát trong nghệ thuật bài chòi còn mang đậm tính giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống cao đẹp, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.
Các giá trị văn hóa, ý nghĩa nhân văn, giáo dục sâu sắc của loại hình nghệ thuật này là giá trị dân gian đặc biệt, gắn với đời sống người dân và cũng chính là những giá trị độc đáo, đặc sắc để Bài Chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại:
R.1: Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Các câu chuyện trong Bài Chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Hồ sơ đề cử đã chỉ ra được vai trò quan trọng của người lưu giữ di sản. Là một di sản của cộng đồng, việc truyền dạy Bài Chòi diễn ra chủ yếu trong gia đình, câu lạc bộ, ngoài ra, Bài Chòi còn được truyền dạy trong các trường học. Việc thực hành di sản Nghệ thuật Bài Chòi thúc đẩy sự bình đẳng về giới tính cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng.
R.2: Việc ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân; tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành, qua đó làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật. Việc ghi danh cũng có thể củng cố mối liên kết giữa các cá nhân, các nhóm người và các câu lạc bộ thực hành di sản và thực hành các truyền thống văn hoá khác thông qua các hoạt động trình diễn và lễ hội liên quan. Hơn nữa, việc ghi danh sẽ nâng cao nhận thức về sự đa dạng của di sản văn hoá phi vật thể vì Nghệ thuật Bài Chòi là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật.
R.3: Hồ sơ đã mô tả chi tiết, rõ ràng những nỗ lực trong quá khứ và hiện tại để bảo vệ di sản và đảm bảo sự tồn tại của các cộng đồng, các nhóm người và các câu lạc bộ với sự hỗ trợ của Chính phủ. Những nỗ lực này bao gồm việc tổ chức các hội Bài Chòi, trình diễn và giảng dạy bải bản và kỹ năng ca hát, cũng như kỹ thuật trình diễn, phương pháp làm thẻ bài và các kỹ năng chơi Bài Chòi. Thông qua Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương, Quốc gia thành viên sẽ cung cấp nguồn tài chính, pháp lý và nhân lực để hỗ trợ thực hiện các biện pháp này, với sự hợp tác của cộng đồng và các nghệ nhân. Các doanh nghiệp và ngân hàng đã đóng góp cho các hội thảo khoa học về Bài Chòi và hoạt động văn hóa liên quan như việc thực hành và truyền dạy di sản, cũng như sưu tầm tài liệu, tư liệu hóa và hỗ trợ các biện pháp phục hồi di sản, vì di sản vẫn có nguy cơ mai một, chủ yếu là do những khó khăn trong việc truyền dạy. Chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân đã được ban hành và chương trình giáo dục chính quy cũng đã được thiết kế để thu hút các thế hệ trẻ. Các phương tiện truyền thông địa phương và quốc gia cam kết nâng cao nhận thức về giá trị của di sản với phần lớn các học viên tình nguyện tham gia vào quá trình phổ biến, quảng bá di sản.
R.4: Cộng đồng tích cực đóng góp ý tưởng cho việc sưu tầm và tư liệu hóa di sản, điền vào các mẫu kiểm kê và tham gia vào tất cả các công đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử. Các cá nhân và đại diện của các nhóm và câu lạc bộ Bài Chòi đã ký Cam kết tự nguyện, đồng thuận của họ đối với đề cử, đồng thời, sự hiểu biết về việc xây dựng hồ sơ đề cử của họ cũng được thể hiện trong các đoạn ghi âm và ghi hình các cuộc phỏng vấn được thực hiện tại các địa phương có thực hành Bài Chòi. Cục Di sản văn hoá và Viện Âm nhạc Việt Nam đã được ủy thác quá trình tham vấn thông qua các cuộc họp và hội thảo quốc gia và quốc tế được tổ chức trong năm 2014 và 2015. Các tác động thực tiễn thông thường không tham gia điều chỉnh hoặc hạn chế quyền tiếp cận đối với di sản.
R.5: Di sản này được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia trong giai đoạn 2014-2016. Bản kiểm kê được lưu giữ tại Phần mềm Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hoá phi vật thể của Cục Di sản văn hoá Việt Nam. Các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao của 9 tỉnh có Bài Chòi chịu trách nhiệm phối hợp với cộng đồng để báo cáo hàng năm về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các thông tin kiểm kê di sản Bài Chòi. Viện Âm nhạc Việt Nam quản lý cơ sở dữ liệu về Nghệ thuật Bài Chòi và cập nhật hàng năm.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Ngoài Bài Chòi, tại phiên họp lần này, nhiều khả năng, Hát Xoan (Phú Thọ) cũng sẽ là di sản được UNESCO xem xét chuyển đổi đặc biệt từ danh sách “cần được bảo vệ khẩn cấp” và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.
Theo Toquoc.vn