Giả mạo bán vé tàu du lịch với giá “cắt cổ”
Ngày đăng: 08/12/2017 13:13
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/12/2017 13:13
Lợi dụng khách du lịch quốc tế không am hiểu về tàu khách tại Việt Nam, nhiều đối tượng lập ra nhiều website chuyên bán vé tàu du lịch. Các trang này chủ yếu bán vé chặng ngắn với giá cao gấp nhiều lần so với giá niêm yết của ngành đường sắt. Ðặc biệt, các trang này chỉ sử dụng ngôn ngữ nước ngoài, không hề có tiếng Việt.
Giăng bẫy khách quốc tế
Đa số các trang này đều “tù mù” thông tin nhưng thực chất đây đều là của các công ty, đại lý du lịch. Mục đích họ tạo ra các trang này là nhằm “giăng bẫy” khách du lịch, người nước ngoài, những người có ít thông tin. Đặc biệt khách balo, đi phượt, đi riêng lẻ.
Truy cập vào các trang này, chủ yếu là sử dụng tiếng Anh, Pháp và một số ít là Tây Ban Nha, du khách có nhiều cách để đặt vé tàu. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là đặt vé qua mạng, sau đó, thanh toán bằng thẻ quốc tế. Điều đáng nói chính là giá vé trên các trang này cao gấp nhiều lần so với giá vé niêm yết của ngành đường sắt.
Qua nhiều ngày tìm hiểu, điều tra, PV đã biết được “chiêu thức” hoạt động của các trang này. Điển hình, PV truy cập vào web ngành đường sắt tham khảo giá vé ngày 28/11/2017 cho chặng Sài Gòn đi Bình Thuận, giá chỉ có 134 nghìn đồng/vé/giường nằm điều hòa. Tuy nhiên, giá mà trang https://vietnam-railxxx.com giả mạo đang bán cho chặng trên là 23 USD/vé (gần 500 nghìn đồng/vé).
Cũng tại trang này, PV đặt vé ở ga Sài Gòn đi Đà Nẵng chỉ có 581 nghìn đồng/vé/giường nằm điều hòa nhưng trang này lại bán với giá 68 USD/vé (khoảng 1,5 triệu đồng).
Một trang khác là https://www.vietnamrailxxx.net cũng bán chặng Sài Gòn – Đà Nẵng với giá giao động 48 USD - 70 USD. Trong khi ngành đường sắt chỉ bán trong khung giá 315 ngàn đồng – 581 nghìn đồng/vé cho chặng này. Hay trang http://cheapvietnamxxx.com đang bán vé đắt đỏ kiểu “cắt cổ”. Điển hình chặng Sài Gòn – Đà Nẵng, ngành đường sắt đang bán với giá 175 nghìn đồng – 279 nghìn đồng nhưng trang này lại bán với giá 31 USD – 41 USD (650 nghìn đồng – 850 nghìn đồng/vé).
Dù các trang web này đang tồn tại nhưng để tìm các thông tin liên hệ lại rất khó khăn. Điển hình như trang http://www.vietnamairxxx.com, để mục liên hệ (Contact us) là bắt buộc người dùng phải điền thông tin và gửi đi. Đây cũng là cách thức của hầu hết các trang web hoạt động kiểu này.
Hay như trang https://www.vietnamtrainxxx.com, PV tìm hiểu thì được biết, đây là trang của Công ty TNHH V.N.T. Công ty này có một văn phòng đại diện tại quận 1, TP.HCM và chuyên đặt vé tàu cho khách nước ngoài. Thông tin trên website cũng chỉ sử dụng hai ngôn ngữ đó là tiếng Anh và Pháp, không hề có một chữ tiếng Việt nào.
Giá vé thu cao ngất ngưởng, bán theo kiểu "cắt cổ" của một trang Web so với vé của ngành đường sắt
Dễ bị lừa
Theo tìm hiểu của PV, đặc điểm giống nhau của các trang này là có tên miền “.com” hoặc “.net”, có thiết kế tương đối giống với trang bán vé trực tuyến của ngành đường sắt. Việc báo giá cũng chỉ bằng ngoại tệ (USD là chủ yếu), không hề có tiền Việt, giao dịch cũng bằng hình thức chuyển khoản.
Ông Huỳnh Văn Phan, một HDV chuyên đưa khách quốc tế đi tour xe đạp cho rằng: “Có một vài khách đã phàn nàn với tôi rằng, họ đã phải chi trả quá cao cho vé tàu. Khi hỏi ra, tôi mới hay, họ đã bị lừa. Thực chất, đây là các trang họ lập ra nhằm để cho khách du lịch nước ngoài tìm mua vé tàu, máy bay qua mạng. Vì hình thức đặt vé qua mạng là phổ biến ở nước ngoài và khách du lịch nước ngoài thường sử dụng hình thức này để đặt vé”.
“Điều quan trọng với khách du lịch là làm sao dễ truy cập, dễ tìm kiếm các thông tin, dễ đặt vé là được, giá cả đối với họ thì không có cơ sở để so sánh, do đó, họ rất dễ bị lừa”, ông Phan nói thêm.
Tương tự ông Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc Công ty Du lịch Tantravel cũng cho biết: “Khách du lịch nước ngoài khi vào Việt Nam rất dễ bị lừa bởi các trang bán vé tàu kiểu này. Trong khi đó, họ lại sử dụng loại phương tiện này thường xuyên để di chuyển từ các điểm này sang điểm khác, nhất là chặng ngắn như Sài Gòn – Bình Thuận, Sài Gòn – Nha Trang, Sài Gòn – Đà Nẵng…”.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết: “Những trang website nói trên bán vé tàu đều là giả mạo. Những trang này có tên miền khá giống với trang website chính thức của ngành đường sắt. Nhưng về giá cả, họ bán cao gấp 4, 5 lần so với giá bán của ngành đường sắt đưa ra. Các trang webiste này đang gây ra hiểu nhầm cho hành khách, đặc biệt là hành khách người nước ngoài. Đồng thời, khi khách hàng mua vé tàu thông qua các trang này thì sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại khi họ bán với giá vé cao”.
Thành Tùng
Theo baodulich.net.vn