Chuẩn hóa du lịch Việt bằng ISO
Ngày đăng: 08/12/2017 13:17
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/12/2017 13:17
Muốn chuẩn hóa một ngành nghề, người ta thường dùng đến tiêu chuẩn ISO. Một câu hỏi đặt ra là: tại sao lại không có một tiêu chuẩn ISO riêng của ngành du lịch?
Chuyên nghiệp từ những điều nhỏ nhất
Chia sẻ với hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch” mới đây, tiến sỹ kinh tế Trần Đình Thiên kể câu chuyện một chuyên gia Nhật sang Việt Nam dự hội thảo đã rất ngạc nhiên khi thấy mấy anh lái taxi Việt “thiếu tiền lẻ ghê gớm”: “hầu như cuốc nào ông đi họ cũng bảo không có tiền trả lại. “Vài ngàn còn đỡ, chứ với khách nước ngoài, nhiều anh thiếu tiền lẻ đến mức không có 50.000 đồng trả lại cho khách thì mất uy tín cho Việt Nam quá”.
Nói về sự chuyên nghiệp hóa trong du lịch Việt Nam, Phó Giám đốc Sở du lịch Đà Nẵng- bà Trương Thị Hồng Hạnh cũng đã phát biểu trong buổi Hội thảo này rằng: “Chúng ta cần nâng cao nhận thức về sự chuyên nghiệp trong làm du lịch trên tất cả mọi lĩnh vực, từ những người đầu tiên tiếp xúc với khách như người bán hàng rong, lái xe taxi… Để chuyên nghiệp, chỉ ngành du lịch thôi không đủ và không đồng bộ”.
Ấn tượng đầu tiên của một du khách khi đến với Việt Nam không phải là biển bạc rừng vàng mà chính là thái độ niềm nở của nhân viên hải quan, sự chu đáo của cô nhân viên lễ tân khách sạn hay anh lái xe taxi.
Cùng quan điểm này, ông Hoàng Việt Cường – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group cũng khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn có thể xây những khu du lịch tầm cỡ, những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Nhưng có một việc mà kể cả những “người khổng lồ” trên thế giới trong lĩnh vực du lịch cũng không thể làm giúp chúng ta được, đó là tạo đẳng cấp, chất lượng ngay từ ý thức làm du lịch, ý thức, thái độ phục vụ trong ngành du lịch”.
Từ nhiều năm qua những khu du lịch của Sun Group trên khắp Việt Nam đã triển khai những hoạt động này.
“Tại Sun World Ba Na Hills, chúng tôi xây dựng riêng một quy trình đón khách khuyết tật. Một anh bảo vệ, một chị lao công, một nhân viên hướng dẫn cáp, hay chị bán vé, ai cũng sẵn sàng trở thành “người nhà” của những người khuyết tật, để dẫn họ đi khắp khu du lịch, đưa họ qua những đoạn đường khó đi, hoặc là cõng họ lên cáp treo… Xe lăn được đặt trong tất cả các nhà ga, để người khuyết tật có thể dễ dàng tới được nơi mình muốn. Chỉ cần họ băn khoăn, hướng mắt tìm sự trợ giúp, sẽ có nhân viên của Sun World Ba Na Hills chạy đến, kịp thời giúp đỡ”, ông Cường cho biết.
Ở Sun World Fansipan Legend có những ngày xanh Fansipan để CBNV cùng nhau làm sạch môi trường quanh khu du lịch, hàng tuần có một nhóm đu dây nhặt rác ở quanh đỉnh Fansipan. Tại tất cả các khu du lịch mang thương hiệu Sun World đều có tủ đồ thất lạc, để du khách có thể tìm thấy những món đồ mình bỏ quên, hoặc là những người nhặt được đồ thất lạc có thể liên hệ trả lại người đánh mất. Rất nhiều du khách ấn tượng với hệ thống các khu vui chơi giải trí mà Sun Group quản lý trên khắp Việt Nam.
ISO hóa du lịch Việt- tại sao không?
Chuyên nghiệp hóa du lịch Việt Nam là bài toán không khó giải, nhưng nó cần một quy chuẩn, một công thức, và cả quyết tâm mạnh mẽ.
Nói như Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái thì: “Tổng cục du lịch cần thiết kế một bộ ISO của du lịch cho một tour từ A đến Z, từ việc quảng bá du lịch cho đến những bước như đăng ký đặt vé máy bay, tới sân bay, tới cửa khẩu, đến taxi tới khách sạn, ăn uống, điểm tham quan, mua sắm vui chơi giải trí rồi quay trở lại khách sạn, trở lại sân bay. Thiết kế một lộ trình trọn vẹn, chỉ ra những yêu cầu chuẩn phải đạt được là gì, ai chịu trách nhiệm và phương pháp quản lý ra sao, phối hợp với ai, thế nào…”.
Nhưng trước khi chờ đến một bộ quy chuẩn ISO như thế, có lẽ bản thân những người làm du lịch có tầm, có tâm cũng đã tự đề ra ISO cho chính mình. Như thế, chẳng mấy nỗi chúng ta có thể đảo ngược tình thế, biến con số hơn 80% du khách không muốn quay lại Việt Nam thành hơn 80% du khách muốn quay lại Việt Nam nhiều lần nữa./.
Thái Tùng
Theo Toquoc.vn