Hướng đi nào cho Nhà văn hóa cộng đồng?
Ngày đăng: 09/12/2017 14:40
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/12/2017 14:40
Hoạt động kém hiệu quả, thậm chí là đóng cửa suốt nhiều năm, dẫn đến tình trạng bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng là vấn đề nan giải đặt ra đối với không ít Nhà văn hóa cộng đồng (NVHCĐ) trên địa bàn Đắk Lắk hiện nay.
Nhiều lần được “mổ xẻ”
Thực tế nêu trên của NVHCĐ đã được nhiều ban, ngành liên quan nhiều lần đưa ra “mổ xẻ” nhằm tìm hướng đi phù hợp cho thiết chế văn hóa quan trọng này. Gần đây nhất là vào cuối tháng 11-2017, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động cho NVHCĐ dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà. Tại hội nghị, có nhiều ý kiến từ cơ sở nêu bật nguyên nhân khiến mọi nguồn lực đổ vào đây trở nên vô ích đã nhận được mối quan tâm, chia sẻ của nhiều người, trong đó nổi lên hai vấn đề được cho là cốt yếu nhất.
Thứ nhất, NVHCĐ chưa được các cộng đồng thụ hưởng đón nhận, do trong quá trình triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách này trên địa bàn Đắk Lắk, những người có trách nhiệm đã “bỏ qua” một động thái vô cùng quan trọng là lấy ý kiến tham vấn của người dân. Kết cục, hầu hết các NVHCĐ mọc lên trong buôn làng đều trở nên xa lạ với người dân tộc thiểu số.
Ông Y Wơn Bkrông, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh bày tỏ: Cái nhà làm ra để phục vụ cho việc chung, thì nhất thiết bà con phải biết và quyết định vị trí ở đâu, hướng nào, kiến trúc ra sao… mới phù hợp với tinh thần, tập quán sinh hoạt của mỗi cộng đồng dân tộc. Đằng này, cứ trên áp xuống một công thức giống nhau – từ nguồn vốn đầu tư, thiết kế kỹ thuật, mỹ thuật cho đến cách thức sử dụng, vận hành hết sức rập khuôn và cứng nhắc nên không tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận của người dân.
Còn ông Chu Vũ Lâm – Phó Chủ tịch UBND xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) phản ánh thêm: Khi làm xong, bên trong chẳng có gì để thu hút mọi người tìm đến, thành ra NVHCĐ quanh năm phải đóng cửa. Điều đáng nói hơn là không ai chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ và gìn giữ công trình công cộng này. Ban chủ nhiệm NVHCĐ thì nơi có, nơi không - mà nếu có chăng đi nữa thì vai trò của họ không được thừa nhận, phát huy vì cơ chế thiếu rõ ràng: đó là trách nhiệm không gắn với bất kỳ quyền lợi nào, khiến không ai tỏ rõ hết mình…
Thứ hai là kinh phí để giúp NVHCĐ hoạt động đang là vấn đề thật sự nan giải. Như ông Chu Vũ Lâm đã nêu, NVHCĐ chỉ có phần vỏ, còn phần ruột hầu hết chẳng có gì. Thậm chí đến nay, sau gần 15 năm thực hiện chính sách, chủ trương xây dựng NVHCĐ cho tất cả buôn làng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, vẫn có nơi chưa có các vật dụng thiết yếu như bàn ghế, khánh tiết trang trí cho “ngôi nhà chung” này, nói gì đến hệ thống điện, nước, âm thanh và nhà vệ sinh (?!) Cũng do không có kinh phí nên các địa phương không thể (và không bao giờ) xây dựng được “khung điều hành” NVHCĐ một cách hiệu quả, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất. Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng VH-TT huyện Buôn Đôn cho rằng, không có phụ cấp và không một chút quyền lợi nào cho những người được giao nhiệm vụ “phát huy hiệu quả NVHCĐ” thì làm sao khiến người ta tâm huyết được. Vì thế NVHCĐ tiếp tục đóng cửa, hư hỏng và ngày càng xuống cấp là điều tất yếu.
Việc làm cấp bách
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà yêu cầu những việc cấp bách phải làm trước hết là rà soát, thống kê số NVHCĐ bị hư hỏng, xuống cấp để có kế hoạch và phương án tu bổ, sửa chữa; tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, vận động xã hội hóa các hoạt động đối với NVHCĐ. Theo đó, sớm ban hành chính sách đầu tư đặc biệt về cơ chế, kinh phí, phương tiện, nhân lực…nhằm phục vụ mọi hoạt động của thiết chế văn hóa quan trọng này tại cơ sở.
Tại Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động cho NVHCĐ được tổ chức vào cuối tháng 11-2017 vừa nêu, có nhiều ý kiến gợi mở: Nên chú trọng, mở rộng vai trò tự quản của buôn làng trong việc sử dụng NVHCĐ. Một hội đồng già làng, hay trưởng buôn có thể làm tốt vai trò phát huy hiệu quả của NVHCĐ hơn là Ban chủ nhiệm được chính quyền sở tại cất nhắc và chọn lựa nên. Có thể nói đây là hướng đi phù hợp, bởi nó vừa tăng cường chủ thể quản lý nhà nước về văn hóa, đồng thời tạo điều kiện, cơ hội cho người dân, cộng đồng tham gia xây dựng, hoạch định và quản lý đời sống văn hóa của mình thông qua cơ chế tự quản NVHCĐ ngay tại buôn làng. Nói cách khác là phải đổi mới về quản lý đối với NVHCĐ theo mô hình Nhà nước – cộng đồng – tổ chức – cá nhân cùng tham gia: từ việc xây dựng, thiết kế chương trình hoạt động thường kỳ, chọn lựa và bồi dưỡng nguồn nhân lực… cho đến tìm kiếm, hỗ trợ nguồn tài chính cho NVHCĐ tại mỗi đơn vị, buôn làng. Có như vậy thì câu chuyện về NVHCĐ ở đây mới có hồi kết và mới chấm dứt tình trạng như hiện nay
Trên địa bàn Đắk Lắk hiện có 585 NVHCĐ được đầu tư, xây dựng từ năm 2003 đến nay. Qua khảo sát thực tế của ngành Văn hóa cho thấy có 263 NVHCĐ hoạt động yếu (chiếm gần 50%), 13 Nhà VHCĐ không hoạt động (chiếm 2,25%). Hầu hết NVHCĐ đã xuống cấp trầm trọng, không có kinh phí sửa chữa, trang thiết bị đầu tư không đồng bộ, còn thiếu hoặc lạc hậu. (Báo cáo của Sở VH-TT-DL).
Phương Đình
Theo Baodaklak.vn