Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đối thoại với thanh niên về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Ngày đăng: 11/12/2017 13:53
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/12/2017 13:53
Trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022, chiều 10/12, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì Diễn đàn "Thanh niên với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc".
Đồng chủ trì diễn đàn có bà Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Bí thứ BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương và 125 Đại biểu về tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Cần tuyên truyền lịch sử theo hướng nghệ thuật hóa
Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng và sáng kiến trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc hiện nay. Đại biểu Nguyễn Văn Quyết (Quảng Ninh) chia sẻ thực trạng: "Giới trẻ hiện nay khá am hiểu văn hóa của nước ngoài, trong khi đó văn hóa trong nước thì gần như không quan tâm, tìm hiểu. Hiện nay, những clip nói về văn hóa của Việt Nam còn rất hạn chế."
Đại biểu Quyết cho rằng, về quảng bá lịch sử hiện chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức giáo dục lịch sử trong trường học. Trước đây, mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng chúng ta đã xây dựng được những bộ phim rất hay như: Em bé Hà Nội, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm... Thế nhưng, đến khi kinh tế đã khá ổn định, chuyên môn về nghệ thuật tốt hơn nhưng lại không xây dựng được những tác phẩm hay như trước. Đại biểu Quyết đề nghị, Bộ VHTTDL cần chỉ đạo xây dựng những bộ phim tuyên truyền về lịch sử hay, nói cách khác là "nghệ thuật hóa lịch sử".
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thu Phương (Lào Cai): "Với 27 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn, Tỉnh đoàn Lào Cai đã thành lập các câu lạc bộ thanh niên với bản sắc hóa dân tộc nhẳm mục đích lưu giữ và khơi dậy các nét đẹp của trò chơi dân gian, điệu múa của dân tộc. Hiện nay, gần như tất cả các hoạt động văn hóa dân tộc của Lào Cai đều do những câu lạc bộ này thực hiện. Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao hiệu quả của câu lạc bộ này thì cần sự phối hợp và giúp đỡ của ngành Văn hóa đặc biệt là các nghệ nhân am hiểu về văn hóa của dân tộc."
Còn đại biểu Nguyễn Thị Thơm (Nghệ An) thì cho biết, sau khi dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2014, Tỉnh đoàn Nghệ An đã triển khai một số nhiệm vụ cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này. Theo đó, phối hợp với Sở Giáo dục- đào tạo đưa dân ca Ví giặm vào trường học để hằng tuần đều có tiết học và buổi sinh hoạt ngoại khóa về chủ đề này. Ngoài ra, Tỉnh đoàn cũng chỉ đạo các cơ sở đoàn phải thành lập được một câu lạc bộ sinh hoạt về dân ca Ví giặm.
Văn hóa là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc
Đánh giá cao sự tâm huyết và sáng tạo của tuổi trẻ trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: "Bản sắc văn hóa Việt Nam là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, sức mạnh của dân tộc được hun đúc, bồi đắp qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử; là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc."
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thanh niên là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mọi mặt trận; trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi thanh niên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kế thừa, phát huy cao độ bản sắc văn hóa dân tộc.
Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, để tiếp nối truyền thống vẻ vang và tự hào, tuổi trẻ Việt Nam thế hệ mới sẽ phấn đấu, cống hiến hết sức mình để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng là thanh niên thời đại Hồ Chí Minh.
Cũng tại diễn đàn, bà Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết: "Văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội, sự khác nhau giữa các dân tộc cũng chính là văn hóa. Thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay phải giữ gìn văn hóa như giữ gìn biên giới. Mỗi người dân mang trong mình dòng máu Việt Nam thì phải có trách nhiệm kế thừa, phát huy những giá trị, tinh hoa mà cha ông ta để lại."./.
Thế Công
Theo bvhttdl.gov.vn