Hành trình loại bỏ linh vật ngoại lai
Ngày đăng: 20/12/2017 13:06
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/12/2017 13:06
Theo thống kê chưa đầy đủ, trước năm 2014, có hơn 6.000 di tích lịch sử văn hóa bị trấn giữ bởi sư tử đá và các linh vật ngoại lai. Tuy nhiên, đến nay, hiện tượng này đã không còn xảy ra. Sau chiến dịch loại bỏ các linh vật, sản phẩm không phù hợp ra khỏi di tích, các giá trị văn hóa tâm linh thuần Việt dần được khôi phục.
Cuộc chuyển mình sâu rộng Thời điểm năm 2013- 2014 trở về trước, tại nhiều di tích trên cả nước xuất hiện trào lưu cung tiến sư tử đá ngoại lai và các biểu tượng văn hóa không phù hợp văn hóa Việt... Việc đua nhau xây dựng các công trình kiến trúc tâm linh, khu vui chơi giải trí sao chép mẫu hình của nước ngoài nở rộ. Việc sử dụng tùy tiện các sản phẩm, biểu tượng xa lạ tạo nên hình ảnh văn hóa Việt Nam méo mó sai lệch. Khá nhiều du khách nước ngoài, kể cả du khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cảm thấy ngỡ ngàng khi người Việt Nam sử dụng các sản phẩm văn hóa, biểu tượng của quốc gia khác. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Ðức Bình lúc bấy giờ lo ngại: "Ðây là hiện tượng đáng báo động. Sự xuất hiện các linh vật ngoại lai tại nhiều di tích sẽ làm sai lạc về lịch sử. Hậu quả rất nghiêm trọng nếu chúng ta không lựa chọn và phát huy bản sắc văn hóa, biết sử dụng văn hóa truyền thống". Thời điểm đó, Công văn số 2662/BVHTTDL - MTNATL ngày 8-8-2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra đời như một khởi đầu cho phong trào "nói không" với các sản phẩm ngoại lai, không phù hợp giá trị văn hóa Việt Nam. Công văn 2662 nhận được sự đồng thuận của xã hội. Báo chí, truyền thông, mạng xã hội... đã có nhiều bài viết trao đổi, tỏ thái độ và ý kiến đồng tình ủng hộ chủ trương này, nhất là sự đồng thuận của giới trí thức và các nhà quản lý. Các bộ, ngành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND các tỉnh cũng tích cực vào cuộc hưởng ứng chủ trương của Bộ VHTTDL. Nhiều sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có công văn chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện đến các quận, huyện. Một cuộc chuyển mình sâu rộng đã diễn ra. Phong trào di dời, gỡ bỏ sản phẩm không phù hợp văn hóa đất nước đã dấy lên ở rất nhiều nơi. Cùng với đó là phong trào tìm hiểu, nghiên cứu về các biểu tượng, linh vật thuần Việt, với sự xuất hiện của nhiều diễn đàn có thành viên là những người yêu di sản, muốn quảng bá, phát huy văn hóa truyền thống, như các nhóm: Ðình làng Việt; Linh vật, cổ vật truyền thống Việt Nam; Chùa Việt; Làng Việt xưa và nay... Các triển lãm, trưng bày linh vật trong văn hóa Việt được tổ chức; các tài liệu, hồ sơ lưu trữ về linh vật truyền thống được tái bản; các chương trình thực hiện số hóa linh vật truyền thống ra đời... như một cách khơi dậy niềm tự tôn dân tộc trong cộng đồng. Làn sóng sản xuất, cung tiến, bày đặt đồ thờ cúng không đúng quy tắc gần như bị xóa bỏ. Các làng đá, cơ sở sản xuất linh vật dáng dấp ngoại lai lớn trên cả nước như Ninh Vân (Ninh Bình), Non Nước (Ðà Nẵng)... đồng loạt chuyển hướng sang chế tác sản phẩm thuần Việt... Theo đánh giá của Bộ VHTTDL, đến nay, phần lớn các tầng lớp xã hội đã nhận thức rõ về vấn đề sử dụng biểu tượng, linh vật phục vụ mục đích tâm linh. Các làng nghề mỹ nghệ đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm truyền thống. Hiện tượng cung tiến tràn lan vào di tích không còn, nhất là đã chấm dứt việc cung tiến tượng sư tử đá ngoại lai vào các di tích đã được xếp hạng. Tại các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra, tượng sư tử đá, tì hưu ngoại lai đã dần bị loại bỏ trong nhà riêng, trụ sở, thay thế bằng tượng nghê truyền thống. Sau nhiều chuyến khảo sát, thanh tra, kiểm tra của Bộ VHTTDL tại các địa phương, sư tử đá ngoại lai và các hiện vật không phù hợp đã rời khỏi các di tích. Hồi sinh linh vật Việt Loại trừ linh vật ngoại lai khỏi di tích chỉ là một phần của chặng đường gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Chặng đường còn lại sẽ là quảng bá, giới thiệu nét đẹp của linh vật truyền thống, làm cho những linh vật ấy sống trong đời sống tinh thần nhân dân. Kiến trúc sư Nguyễn Giang, chủ xưởng Gỗ Giang ở làng Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã đầu tư chiều sâu trong chế tác linh vật Việt, đào tạo tay nghề cho thợ chạm khắc các sản phẩm tượng nghê truyền thống, chạm khắc hoa văn kiến trúc. Còn ở Làng nghề đá Ninh Vân (Ninh Bình), các nghệ nhân đã nỗ lực tạo ra các sản phẩm tượng nghê, sư tử từ nghệ thuật tạo hình truyền thống. Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã phục hồi dòng tranh dân gian Kim Hoàng, trong đó có các biểu tượng, linh vật để phục vụ Tết Ðinh Dậu. Sắp tới Tết Nguyên đán Mậu Tuất, dòng tranh Kim Hoàng sẽ ra mắt nhiều tranh mới với những linh vật của Việt Nam được lấy mẫu từ trong trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt. Nhiều tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Ðịnh..., nghệ nhân mộc, đá, đồng cũng đã hưởng ứng tạo tác linh vật nghê, sư tử, đồ thờ theo phong cách Việt Nam. Ðiều đáng mừng là các sản phẩm văn hóa truyền thống được khách hàng đón nhận, chứng tỏ giá trị văn hóa truyền thống đã đến được với người dân. Phó Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Bình Nguyễn Cao Tấn cho biết: "Ở làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, hoạt động sản xuất, chế tác linh vật theo mẫu ngoại lai giảm rõ rệt, lượng khách đặt mua linh vật có yếu tố ngoại lai ngày càng ít. Nhiều mẫu linh vật truyền thống đang được các nghệ nhân nghiên cứu, chế tác và bắt đầu tìm được thị trường tiêu thụ. Ðiều đó cho thấy những chuyển biến căn bản trong tư duy của người dân và hiệu quả của truyền thông cũng như sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp, giúp thay đổi thói quen, định hướng thẩm mỹ cho nhân dân, hướng đến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc". Tuy nhiên, dù đã bước đầu được sản xuất tại một số địa phương, nhưng những linh vật được lấy cảm hứng từ văn hóa Việt như nghê, rồng đá... dường như vẫn khó tiếp cận người tiêu dùng. Ðối tượng mua linh vật thuần Việt chủ yếu là những người nghiên cứu văn hóa, một số công chức nhà nước hoặc giới sưu tập. Bên cạnh đó, những đơn vị chế tác linh vật thuần Việt cũng có những lo lắng nhất định. Việc chế tác không thể "rập khuôn" nguyên bản các linh vật Việt Nam tại đình, chùa, mà cần có sự sáng tạo khá công phu để phù hợp nhu cầu của người mua, nhất là trong việc tạo hình các sản phẩm nhỏ như chặn giấy, vòng, khánh treo trong ô-tô... Với tình hình hiện nay, nguy cơ các mẫu mã này bị xâm phạm bản quyền rất dễ xảy ra. Ðể giúp đỡ doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nên có những cơ chế hỗ trợ phù hợp, thí dụ như cho phép các doanh nghiệp địa phương chuyên cung cấp những linh vật thuần Việt đặc trưng của mình. "Chẳng hạn, chỉ có các doanh nghiệp sản xuất ở Ninh Bình được cung cấp sản phẩm nghê Việt tại đền vua Ðinh ở Ninh Bình. Khi ấy, những thiệt hại do nạn xâm phạm bản quyền sẽ được hạn chế phần nào", ông Phạm Bá Ngọc, Chủ cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Vạn Bảo Ngọc (Ninh Bình) bày tỏ. Rõ ràng, sự chuyển hướng từ các làng nghề chế tác, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ sẽ góp phần quảng bá linh vật Việt, giá trị văn hóa Việt rất lớn. Bởi linh vật Việt qua bàn tay của những người thợ mới sẽ đi từ đình đền, miếu mạo đến gần đời sống người dân hơn. Ðể linh vật Việt Nam có sức sống bền vững trong nhân dân, một cơ chế hỗ trợ các đơn vị sản xuất linh vật truyền thống là cần thiết. |
Bài và ảnh: THẢO NGUYÊN |
Theo Nhandan.com.vn