Nghị định Quy định quản lý tổ chức lễ hội: Cần điều chỉnh để thực tế
Ngày đăng: 20/12/2017 20:29
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/12/2017 20:29
Với gần 8.000 lễ hội trên cả nước, công tác quản lý và tổ chức lễ hội là một lĩnh vực nóng và luôn chuyển động trong công tác quản lý nhà nước. Diễn biến thực tế của hoạt động này trong nhiều năm qua đã đặt ra những thách thức phức tạp, đòi hỏi sự nhạy bén và linh hoạt trong công tác quản lý ở các cấp.
Lần đầu tiên, Nghị định Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội được Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo nhằm mục đích xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ, khoa học, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực hoạt động lễ hội nói chung và của từng vùng, miền nói riêng… đang được kỳ vọng sẽ phần nào giúp công tác quản lý lĩnh vực này đi vào nề nếp. Dự thảo Nghị định Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội gồm 4 chương 19 điều áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam.
Phát huy trách nhiệm của địa phương
Trong những năm gần đây, vấn đề khó khăn nhất là thực hiện nội dung quản lý hoạt động hội. Đối với các lễ hội truyền thống, phần nghi lễ được thực hiện tốt, đảm bảo giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, thành viên tổ soạn thảo Dự thảo Nghị định cho biết: “Phần hội do sự tham gia quá đông của cộng đồng nên còn nhiều vấn đề tồn tại khó quản lý. Điều 15 (chương II) trong Dự thảo Nghị định nêu trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của các bộ ngành liên quan và điều 16, trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của UBND cấp tỉnh, trong đó, đặc biệt đề cao vai trò của UBND cấp tỉnh”.
Lễ hội ngày nay thu hút hàng chục nghìn người tham gia và công tác tổ chức, quản lý lễ hội còn nhiều bất cập phải khắc phục
Lễ hội ngày nay thu hút hàng chục nghìn người tham gia và công tác tổ chức, quản lý lễ hội còn nhiều bất cập phải khắc phục.
Bà Hương cũng cho biết, trước đây, thông tư 15 đã phân cấp quản lý lễ hội cho UBND các tỉnh nhưng vẫn chỉ là văn bản cấp Bộ. Nếu Dự thảo Nghị định được ban hành, nghĩa là có văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ thì buộc Chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm quản lý với lễ hội truyền thống. Cái gốc của quản lý lễ hội là sự vào cuộc triệt để của UBND các địa phương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Chính phủ chỉ ban hành hành lang pháp lý để các cấp thực hiện, thực thi. Đặc biệt, với lễ hội truyền thống phải có sự quản lý của UBND các cấp. Trước đây, UBND các cấp chưa nhận thức rõ vai trò của mình, thậm chí, không vào cuộc mà giao cho Ban quản lý các di tích làm. Nhưng hiện nay, lễ hội có quá đông người tham gia, nếu chỉ giao cho Ban quản lý các di tích thì không làm được mà phải có sự vào cuộc của UBND các cấp chính quyền. Đặt ra trách nhiệm của UBND các cấp thì sẽ giảm được những vấn đề còn tồn tại của hoạt động lễ hội.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, sự vào cuộc tích cực của địa phương trong quản lý và tổ chức lễ hội là đòi hỏi cấp thiết để đảm bảo lễ hội được tổ chức thành công.
Cần điều chỉnh
Dưới góc độ nghiên cứu văn hóa, GS. TS. Lê Hồng Lý – Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận xét: “Nghị định không thể bao hàm tất cả những điều mà mọi người đang quan tâm, nên chắc chắn phải có điều chỉnh. Ví dụ, những từ ngữ như loại bỏ, bài trừ… nên nhẹ đi sẽ phù hợp hơn. Hay như lễ hội chém lợn là phong tục tập quán và phải hiểu nó thì mới thấy giá trị, chứ không phải thấy người ngoài kêu phản cảm mà cũng kêu theo là không được”.
GS. TS. Lê Hồng Lý cũng phân tích tại Điều 10, Chương II: Trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội là chưa “chặt chẽ”. Ở quy định này theo tôi Festival hay tổ chức lễ hội mới thì quy định, còn nếu với lễ hội dân gian thì phải xem xét cái nào phải đăng ký cái nào không. Tương tự như “Điều 12, Chương 2: Văn bản thông báo tổ chức lễ hội định kỳ” là chưa hợp lý. Không thể cấm người tổ chức mời bao nhiều người, mời những ai cũng phải báo cáo?. “Dự thảo Nghị định đang tạo nên cảm giác Nhà nước vẫn tham gia quản lý nhiều quá. Tức là vai trò để cho nhân dân tự quản lý nhất là với các lễ hội dân gian vẫn chưa có.
Bên cạnh việc phải “cẩn trọng” trong ngôn ngữ sử dụng nhằm tránh sự áp đặt, theo TS. Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng, cần phải tách bạch khái niệm quản lý lễ và quản lý hội thành hai vấn đề khác nhau. Chúng ta ngầm hiểu phạm vi điều chỉnh là quản lý lễ hội thì có bao gồm cả hội trong đó. Chúng tôi đọc cũng thấy đang quản lý hội cộng đồng. Trong này có nhầm lẫn là chỗ thì định hướng, chỗ thì quy định. “Hà Nội có khoảng 1.300 vừa lễ vừa hội thì làm sao quản lý được? Cái đó để cộng đồng quản lý. Từ bao đời nay vẫn thế rồi. Cộng đồng truyền từ đời này sang đời khác bao lâu rồi thì mình còn quy định làm gì?” TS. Lê Thị Minh Lý cho hay.
Nguồn : Văn hiến Việt Nam