Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 - Điểm nhấn của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6
Ngày đăng: 27/02/2017 15:37
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/02/2017 15:37
Tại Hội nghị Sơ kết 10 năm Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2015); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo cứ 2 năm/lần, các tỉnh Tây Nguyên luân phiên tổ chức Festival Cồng chiêng, bắt đầu từ năm 2017, Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên đăng cai. Năm 2017, cũng là năm tỉnh Đắk Lắk tổ chức định kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 (theo Chủ trương của Thường trực Chính phủ). Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép lồng ghép Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2017 với Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6.
Do đó, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bảo trợ, là Lễ hội lớn của khu vực Tây Nguyên và cả nước, gồm có 6 nội dung chính: Đêm hội diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên; Phục dựng các nghi thức, nghi lễ của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu Cồng chiêng; Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên; Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”; Hành trình di sản; Trưng bày chuyên đề Lịch sử Cồng chiêng Tây Nguyên. Có thể nói, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 có quy mô hoành tráng, quy tụ hơn 400 nghệ nhân, nghệ sỹ của 5 tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa và 4 nước bạn: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Rumania.
Việc tổ chức Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 lồng ghép với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 sẽ làm cho Lễ hội lần này có nhiều đổi mới, ấn tượng hơn với nhiều nội dung, chương trình đặc sắc. Bên cạnh mục tiêu quảng bá thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”, Lễ hội cũng nhằm mục đích nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đến bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, đồng thời, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)