Tái cơ cấu ngành Du lịch sẽ đặt ra vấn đề gì?
Ngày đăng: 22/12/2017 20:20
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 22/12/2017 20:20
Cơ cấu lại ngành du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, vận hành theo quy luật thị trường là một trong tám nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đề ra nhằm triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ngày 22/12, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành Du lịch. Hội thảo có sự tham dự của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình và nhiều chuyên gia kinh tế, du lịch, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp du lịch lớn trong nước.
6 nhóm vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành Du lịch
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhận định: Năm 2017 đã khép lại một năm đầy cảm xúc với những dấu ấn chưa từng có trong lịch sử của ngành Du lịch. Đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TƯ về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quốc hội thông qua Luật Du lịch năm 2017 vào tháng 6/2017; Ước tính năm 2017, Du lịch Việt Nam thu hút khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, bình quân hơn 1 triệu lượt khách/tháng, tăng khoảng 30% so với 2016… Những dấu ấn này tạo nên tâm thế hào hứng cho ngành du lịch bước sang năm 2018.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng nhìn nhận thẳng thắn, ngành Du lịch mới đạt được những thành tựu ban đầu, vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và kỳ vọng của xã hội. Năng lực cạnh tranh vẫn còn yếu so với các nước trong khu vực.
“Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển Du lịch trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn với những quan điểm, mục tiêu, giải pháp rất đột phá và toàn diện đã xác định rõ Du lịch là một trong những trụ cột then chốt của nền kinh tế đất nước, cần tập trung nguồn lực cho phát triển Du lịch. Nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ VHTTDL và các bộ, ngành khác đã ban hành Kế hoạch hành động để hiện thực hóa Chương trình Hành động của Chính phủ. Nhiệm vụ cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, vận hành theo quy luật thị trường là một trong tám nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đề ra.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: "Qua tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia du lịch, có 6 nhóm vấn đề cơ bản đặt ra trong tái cấu trúc hệ thống phát triển của ngành du lịch Việt Nam". Thứ nhất là cần cơ cấu lại nguồn lực, vốn đầu tư phát triển du lịch, trong đó bao gồm cả nguồn lực về tài chính, nhân lực du lịch, cơ chế chính sách và tài nguyên, tiềm năng. Thứ hai là điều chỉnh phát triển sản phẩm du lịch theo hướng cần tập trung dòng sản phẩm nào để tạo lợi thế cạnh tranh và giá trị khác biệt.
Thứ ba là định hướng thị trường du lịch theo hướng thị trường nào cần gắn với sản phẩm du lịch như thế nào? Thứ tư là cơ cấu lại về tổ chức, quản lý ngành du lịch đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Thứ năm là cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch như thế nào để đáp ứng yêu cầu mới. “Hiện nay, 90% doanh nghiệp du lịch Việt Nam là vừa và nhỏ, chưa có đến 10% doanh nghiệp tầm trung, chứ chưa nói đến nhà đầu tư lớn, tập đoàn lớn và các nhà đầu tư chiến lược” – ông Tuấn cho hay.
Thứ sáu là vấn đề cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch. Hiện nay, nhân lực Du lịch Việt Nam vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trên cả ba phương diện: quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề. Vậy giải pháp kiến tạo nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới là gì?
Tìm hướng đi khi cơ cấu lại ngành Du lịch
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế và du lịch đã bàn thảo, chia sẻ quan điểm, xác định những vấn đề đặt ra, tìm ra hướng đi, giải pháp cụ thể và xác định rõ trách nhiệm các bên thực hiện trong cơ cấu lại ngành du lịch phát triển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, ngành Du lịch Việt Nam có tăng trưởng trong vài năm gần đây, tuy nhiên quy mô vẫn còn thấp so với quy mô của nền kinh tế.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Sự ưu tiên của Chính phủ đối ngành du lịch và chi tiêu của Chính phủ cho ngành du lịch còn thấp; Độ mở cửa của ngành du lịch so với các quốc gia trong khu vực còn yếu; Hạ tầng du lịch còn rất kém…
Trước thực trạng này, TS Nguyễn Đình Cung đề xuất, trong giai đoạn trước mắt, ngành Du lịch nên định hướng vừa phát triển theo chiều rộng, vừa phát triển theo chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng khách, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao năng suất lao động,.v.v..
“Bên cạnh đó, cần rà soát lại toàn bộ quy định pháp luật liên quan đến phát triển du lịch, theo đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm và cần phải khuyến khích tạo ra sự tự do, an toàn, chi phí thấp hơn, nâng cao tính sáng tạo trong kinh doanh du lịch” – TS Nguyễn Đình Cung cho hay.
Trong khi đó, TS. Lương Hoài Nam (Phó Tổng GĐ Vietstar Airlines, Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch) cho rằng, theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 136 nền du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh, Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, về tổng thể tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn yếu, được WEF xếp thứ 67 trên 136 nền du lịch được xếp hạng. Những lợi thế về tài nguyên và nguồn nhân lực du lịch Việt Nam bị kìm hãm, thậm chí bị vô hiệu hóa bởi nhiều “nút cổ chai” như: Mức độ cởi mở quốc tế (xếp thứ 73); sự quan tâm, ưu tiên phát triển du lịch: thứ 101; nền tảng tin học; môi trường sạch sẽ, an toàn; phát triển bền vững (bảo tồn thiên nhiên); môi trường kinh doanh; hạ tầng sân bay; giao thông mặt đất; hạ tầng dịch vụ du lịch; an toàn, an ninh đối với du khách…
“Nếu coi các tài nguyên du lịch và nguồn nhân lực du lịch là những yếu tố khá ổn định, có thể cải thiện thêm nhưng rất khó có thể tạo được sự thay đổi đột phá, thì tái cấu trúc du lịch Việt Nam, về bản chất, là làm tất cả những gì trong ngắn hạn và dài hạn để cải thiện đáng kể, thậm chí mang tính đột phá, ở những chỉ số cạnh tranh đang thấp của Việt Nam trong so sánh toàn cầu.” – TS Lương Hoài Nam chia sẻ.
“Du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với vai trò ngày càng cao đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhưng để hiện thực hóa được các tiềm năng, cơ hội đó thì phải có những nỗ lực, quyết tâm cải cách rất lớn và không chỉ trong phạm vi ngành du lịch” – TS Lương Hoài Nam cho hay./.
Theo Toquoc.vn