Triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW: Phát triển y học gia đình trong tình hình mới
Ngày đăng: 23/12/2017 14:26
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/12/2017 14:26
Tại hội nghị “Nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tuyến xã dựa vào y học gia đình, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” diễn ra ngày 19/12 do Bộ Y tế, Hội Bác sĩ gia đình Việt Nam tổ chức, PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, đồng thời là Trưởng Bộ môn Y học gia đình (Đại học Y Hà Nội) khẳng định: Việc tăng cường năng lực và chất lượng hoạt động y tế cơ sở, ngành Y tế cần dựa vào y học gia đình (YHGĐ) và cụ thể là mô hình bác sỹ gia đình (BSGĐ). Mạng lưới BSGĐ được triển khai hiệu quả sẽ giúp khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao hiệu quả hệ thống y tế...
Những kết quả đáng ghi nhận
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Đề án "Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2013-2020" được triển khai thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, TP.HCM, Cần Thơ và Tiền Giang) nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Theo đó, đề án dự kiến sẽ xây dựng 80 phòng khám BSGĐ tại 8 tỉnh, thành phố này.
Giai đoạn 2013-2017, thực hiện đề án, Bộ Y tế đã phê duyệt chương trình đào tạo y học gia đình để cấp chứng chỉ hành nghề bác sỹ gia đình thời gian 3 tháng cho bác sỹ gia đình.
Các trường đại học (như: Đại học Y Hà Nội, Y dược Thái Nguyên, Y dược Huế, Y dược TP HCM, Phạm Ngọc Thạch...) đã triển khai hoạt động đào tạo YHGĐ với nhiều loại hình đào tạo như: định hướng YHGĐ, chuyên khoa I, chương trình 3 tháng YHGĐ...
Hiện nay, 8 tỉnh, thành phố thuộc phạm vi đề án đã thành lập được 350 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình... chủ yếu lồng ghép nguyên lý YHGĐ. Ngoài ra, một số tỉnh ngoài phạm vi Đề án đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai mô hình BSGĐ.
Một nghiên cứu đánh giá thực trạng bác sĩ gia đình do Cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp với Viện Chiến lược chính sách y tế thực hiện cho thấy, hiện nay, có 132 bác sĩ chuyên khoa cấp 1,2 y học gia đình. Trong 8 tỉnh Đề án, có 492 bác sĩ, cao nhất là TP HCM và Hà Nội (lần lượt là 272 và 158); 333 điều dưỡng…
100% các cơ sở y tế tư nhân có phòng khám BSGĐ riêng và 17,2% trong số đó bố trí phòng tư vấn riêng cho khách hàng. Trong số 62,3% đơn vị triển khai mô hình BSGĐ có hơn 70% đơn vị có trang thiết bị theo quy định. Đã có 50% bác sĩ được đào tạo chuyên ngành y học gia đình.
Trong 5 năm đầu tiên của Đề án, số người được quản lý sức khỏe tăng vọt từ 66.000 người năm 2014 lên hơn 91.000 người vào tháng 6/2017. Năm 2014, chưa có hộ gia đình nào được quản lý sức khỏe thì đến tháng 6/2017, đã có hơn 1.000 gia đình được quản lý.
Khám sức khoẻ tại trạm y tế xã ở Phú Thọ. Đây là tỉnh vừa tham gia mạng lưới mô hình bác sĩ gia đình.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Đến nay, 8 tỉnh, TP đã thành lập được 350 cơ sở khám chữa bệnh bằng YHGĐ, nhưng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Theo đó, tại các phòng khám BSGĐ hầu hết chỉ có trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh thông thường như ống nghe, nhiệt kế, đèn pin, búa phản xạ, bộ khám tai mũi họng... Số thuốc còn hạn chế, đặc biệt tại trạm y tế thiếu số lượng và chủng loại thuốc theo danh mục, thậm chí không đủ khám chữa bệnh thông thường.
Ngoài ra, hiện nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. 50% bác sĩ được đào tạo chuyên ngành YHGĐ, thời gian đào tạo ngắn nên chưa hiểu và chưa thực hiện được khám chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ. Một số phòng khám có BSCK1 về YHGĐ song cũng chưa triển khai theo đúng nguyên lý. Một số nơi, các đội ngũ như bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... phải làm kiêm nhiệm và chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên ngành YHGĐ.
Đồng thời, ngành y tế cũng chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám BSGĐ với hệ thống khám chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân. Chưa kể, thanh toán BHYT các dịch vụ tại phòng khám BSGĐ còn gặp nhiều khó khăn, phí dịch vụ khám chữa bệnh còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán BHYT…
Cần chính sách đồng bộ
Đến năm 2020, ngành y tế đặt mục tiêu ít nhất có 80% tỉnh, thành triển khai mô hình phòng khám BSGĐ. Để nhân rộng mô hình này, ngành y tế còn rất nhiều việc phải làm từ việc đào tạo chứng chỉ cho đội ngũ BSGĐ; đầu tư thêm nhân lực, trang thiết bị; thực hiện luân phiên hai chiều để hỗ trợ BSGĐ tại trạm y tế xã...
Ngoài ra, mô hình tổ chức cơ sở khám chữa bệnh YHGĐ (gồm: cơ sở khám chữa bệnh lồng ghép nguyên lý YHGĐ; phòng khám BSGĐ). Trong đó, điều kiện để cơ sở khám chữa bệnh được lồng ghép nguyên lý YHGĐ là: có bác sĩ đa khoa có chứng chỉ đào tạo về YHGĐ; trường hợp trạm y tế tại vùng khó khăn không có bác sĩ đa khoa thì Sở Y tế xem xét bố trí bác sĩ lâm sàng khác tham gia. Cơ sở được thực hiện lồng ghép nguyên lý YHGĐ không cần phải điều chỉnh giấy phép hoạt động, không phải đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề BSGĐ hoặc điều chỉnh phạm vi hoạt động chuyên môn BSGĐ ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề xuất các phương hướng về đào tạo YHGĐ; Danh mục dịch vụ kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh YHGĐ.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho rằng, cần có Thông tư thay thế Thông tư số 16-2014/TT-BYT để phù hợp cho việc triển khai mô hình BSGĐ; các văn bản liên quan đến giá dịch vụ, cơ chế thanh toán BHYT đối với hoạt động phòng khám BSGĐ; Xây dựng hồ sơ quản lý sức khoẻ YHGĐ; ứng dụng CNTT trong hoạt động phòng khám BSGĐ.
Từ cơ sở, đại diện Sở Y tế Khánh Hòa đề xuất, chính sách thông tuyến cần đồng bộ, bao gồm các chính sách liên quan đến thanh toán khám chữa bệnh BHYT. Bộ Y tế sớm sửa đổi Thông tư 40 trong đó lưu ý đến thông tuyến tỉnh từ năm 2021 theo hướng chia hai nhóm sử dụng thuốc, thay vì bốn nhóm như hiện nay là tuyến Trung ương, tỉnh, huyện và xã.
Sở Y tế Hải Phòng đề xuất, Bộ Y tế cần có quy định bác sĩ tuyến tỉnh, tuyến Trung ương trả bệnh nhân về BSGĐ quản lý. Quảng Nam kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 15/NĐ-CP của Chính phủ về y tế. Đối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Sở Y tế Quảng Nam kiến nghị cơ quan này cho phép mở rộng dịch vụ kỹ thuật tại phòng khám BSGĐ cả về dịch vụ KCB, kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng…
Các chuyên gia khẳng định, thực hiện các định hướng trên, nếu đến năm 2020 có ít nhất 80% tỉnh, thành triển khai, mô hình phòng khám BSGĐ khi đươc hoàn thiện, phát triển sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khoẻ toàn diện, liên tục, và phòng bệnh chủ động, tích cực, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Nguồn: Giadinh.net.vn