Nhìn lại năm 2017: Sách điện tử không được như kỳ vọng
Ngày đăng: 24/12/2017 04:57
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/12/2017 04:57
Văn hóa đọc năm 2017 có gì đáng chú ý, dưới đây xin được điểm và nhìn lại những sự kiện được cho là có tác động đến văn hóa đọc năm qua.
Các Hội sách tưng bừng diễn ra
Năm 2017 ghi nhận có rất nhiều Hội sách đã diễn ra, quy tụ rất nhiều các đơn vị làm sách tham gia: Từ Hội sách quốc tế được tổ chức định kỳ 2 năm một lần đến Hội sách theo mùa: xuân, hạ, thu, đông diễn ra khá thường niên của một số nhà xuất bản, Hội sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, Hội sách thủ đô diễn ra thường niên chào mừng ngày Giải phóng thủ đô.
Bên cạnh các Hội sách kể trên, năm 2017 còn có nhiều chương trình dành cho sách cũ: Đại hội sách cũ, Hội sách cũ… đã dần trở thành một hoạt động được độc giả đón chờ.
Tại các Hội sách, ngoài việc giới thiệu những đầu sách mới thì các hoạt động giao lưu, tọa đàm, ký tặng về sách, các chủ đề văn hóa với tác giả, người làm sách đã tưng bừng diễn ra. Đây là dịp để người đọc và người viết sách thêm gắn bó, hiểu thêm về công việc của nhau. Từ đó chia sẻ và thấy được giá trị những cuốn sách mang lại.
Mặc dù nhiều Hội sách diễn ra trong năm, nhưng lượng độc giả đến với Hội sách khá đông. Chưa bàn và thống kê kết quả có bao nhiêu bản sách, đầu sách được bán ra từ các Hội sách trong năm 2017, nhưng nhìn vào lượng người tham dự Hội sách có thể thấy đây là tín hiệu vui cho văn hóa đọc, ít nhiều khẳng định Hội sách vẫn thu hút được độc giả, trở thành điểm hẹn văn hóa của những người yêu sách.
Thêm những đường sách, phố sách, thành phố sách
Sau phố sách tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2017 đường sách Hà Nội cũng đi vào hoạt động. Tại đây, không chỉ là nơi đem đến các ấn bản sách mới nhất cho độc giả mà nhiều hoạt động về sách đã diễn ra như: giới thiệu sách, giao lưu tác giả, trao đổi bản quyền…
Bên cạnh đó, nét mới của năm 2017 còn ghi nhận sự xuất hiện của thành phố sách.
Công ty Văn hóa Phương Nam đã khai trương Phương Nam Book City tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall - tỉnh Bình Dương với 500.000 bản sách. Phương Nam Book City có diện tích hơn 3.000 m2 bao gồm nhiều tổ hợp: Khu trưng bày sách – Khu Book Cafe – Khu vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi - Khu giải trí đa phương tiện - Khu nghỉ ngơi sáng tạo & đọc sách.
Vào đầu tháng 12 tại TP.Hồ Chí Minh cũng khai trương khu mua sắm mang tên Book City tạo nên một điểm đến mới cho những người yêu thích sách. Phương Nam Book City trưng bày hơn 50.000 tựa sách và 1 triệu bản sách các thể loại trong và ngoài nước với diện tích gần 3.000 m2.
Được biết, những đường sách, phố sách không chỉ dừng lại ở những thành phố kể trên mà sắp tới Đà Nẵng, Vũng Tàu và một số nơi khác sẽ tiếp tục được triển khai.
Nếu như những Hội sách dù có định kỳ, thường niên diễn ra thì cũng vẫn là sự kiện. Để tạo dựng văn hóa đọc, có tính chất thường xuyên và tin cậy, độc giả chỉ trông chờ vào Hội sách là chưa đủ. Vì vậy, những phố sách, thành phố sách, đường sách luôn cung cấp các ấn phẩm đa dạng, phong phú, phù hợp mọi đối tượng, nhanh chóng, kịp thời cũng như các hoạt động sự kiện bên lề không thể không nhắc đến vai trò của những địa điểm này.
Việt Nam xuất bản gần 300 triệu bản sách in trong năm 2017
Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, tính tới ngày 20/11, các nhà xuất bản đã nộp lưu chiểu 26.333 xuất bản phẩm. Trong đó, lượng sách in là 25.431 cuốn, với 293.191.225 bản...
Như vậy, nếu lấy lượng sách xuất bản gần 300 triệu chia bình quân với số dân 90 triệu thì trung bình một người có khoảng 3 đầu sách chỉ tính riêng trong năm 2017. Chưa kể lượng sách cũ được luân chuyển đọc dưới nhiều hình thức, cộng với lượng sách đã in từ những năm trước đó cũng khá phong phú và dồi dào. Nếu cộng gộp cả lượng sách này thì chắc chắn con số đầu sách tính trung bình cho mỗi người sẽ cao hơn.
Cùng với đó, hiện cả nước có 14.000 cơ sở phát hành sách, xuất bản phẩm. Trong đó có 117 đơn vị phát hành sách tỉnh, thành phố, 300 doanh nghiệp phát hành sách thuộc các thành phần kinh tế, gần 13.500 hộ kinh doanh, điểm bán sách.
Nhìn vào số lượng này có thể thấy, nguồn cung cấp sách, nền tảng cho văn hóa đọc rất rộng mở, giàu tiềm năng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng của công chúng.
Sách điện tử không được như kỳ vọng
Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng thống kê cho biết, sách điện tử chỉ có 137 xuất bản phẩm. Con số này nếu đem so sánh với bản sách in thì đúng là có một khoảng cách khá xa.
Còn nhớ, khoảng gần 10 năm trước, khi khái niệm sách điện tử còn rất mới mẻ, một vài đơn vị làm sách điện tử đã đưa ra những kỳ vọng đầy sáng sủa cho mảng sách này. Đó là sự tiện ích, bất kể người đọc đi đâu cũng có thể mang theo nếu có những thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng… đi kèm. Mà những thiết bị này trong thời đại hôm nay dường như đang trở thành vật “bất li thân” của mỗi người. Cùng với đó, giá tiền để sở hữu một cuốn sách điện tử cũng rẻ hơn so với sách giấy, việc đọc linh hoạt hơn… Không những vậy, “cơn bão” internet đã thực sự đổ bộ vào từng ngõ ngách, mạng xã hội đang ngày càng phát triển và phổ biến, báo điện tử ngày càng chiếm ưu thế… Vậy nhưng trái với kỳ vọng của nhiều người, sách điện tử tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.
Lý giải về điều này, chỉ có thể “đổ lỗi” cho thói quen đọc sách của độc giả, thói quen, tâm lý xuất bản sách của tác giả vẫn quay về truyền thống, vẫn dành nhiều cho sách giấy mà bỏ qua những tiện ích của internet.
Những cuốn sách hay vẫn khẳng định vị thế
Nhiều độc giả tỏ ra băn khoăn khi hiện nay có quá nhiều sách và rất khó để lựa chọn những cuốn sách hay. Nhưng có một thực tế tưởng chừng “xưa như trái đất” xem ra vẫn đúng. Đó là những cuốn sách hay, có giá trị, hữu ích với người đọc thì vẫn lặng lẽ “tỏa sáng, được tìm kiếm, được lựa chọn, được tái bản… bất kể thời gian, có được giải thưởng nào đó hay không. Có thể kể tên một vài cuốn sách dù được xuất bản từ một vài năm trước nhưng vẫn được tái bản nhiều lần, được độc giả chào đón như: Con mèo dạy hải âu bay của Luis Sepúlveda, Trên đường băng của Tony buổi sáng, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng của Nguyễn Nhật Ánh…
Cho dù quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương” có những thay đổi nhất định hiện nay nhưng những cuốn sách hay, có giá trị vẫn “có chỗ đứng” trong lòng độc giả và trên kệ sách có thể xem là niềm cổ vũ, động viên to lớn đối với người viết sách, làm sách, bán sách nói riêng và văn hóa đọc nói chung.
Theo Toquoc.vn