Đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên - Đêm hội của tình đoàn kết, đa sắc màu văn hóa
Ngày đăng: 28/02/2017 22:52
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 28/02/2017 22:52
“Đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên” với chủ đề “Bản sắc trong thế giới hội nhập”, là một hoạt động quan trọng, đặc sắc trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017. Đêm hội diễn ra vào tối 11/3/2017, quy tụ hơn 300 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên của các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn. Thời lượng cho phép là 100 phút, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh Truyền hình Đắk Lắk, Đài Truyền hình các tỉnh Tây Nguyên tiếp sóng.
Tại Đêm hội, nghệ nhân của 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Quảng Nam sẽ có dịp trình diễn các bài chiêng đặc sắc nhất của dân tộc mình. Tỉnh Kon Tum sẽ tham gia Đêm hội với đội cồng chiêng Xêđăng; tỉnh Gia Lai với sự trình diễn của hai đội cồng chiêng Gia Rai và Ba Na; đại diện cho tỉnh Lâm Đồng là 2 đội chiêng K’ho và Chu Ru; tỉnh Đắk Nông cử đội chiêng M’nông. Đơn vị đăng cai Đắk Lắk sẽ tham gia Đêm hội với các đội chiêng của hai nhóm dân tộc Êđê Adham và Êđê Bih cùng đội chiêng dân tộc Mường. Ngoài ra, khán giả cũng sẽ được thưởng thức phần biểu diễn độc đáo của các đoàn nghệ thuật dân gian nước ngoài: Campuchia, Hàn Quốc, Lào và Rumani.
Việc tổ chức đêm hội lần này nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đến bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại"; thể hiện sự sáng tạo miệt mài của chính các chủ nhân của mỗi nền văn hóa; tin tưởng vào sức sống bền bỉ của văn hóa dân gian trong sự trường tồn của văn hóa dân tộc; tin tưởng vào tiềm năng to lớn của các giá trị văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đồng thời, đây cũng chính là niềm tự hào rất lớn không chỉ riêng với dân tộc Tây Nguyên mà còn là niềm tự hào cho nền văn hóa Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển kinh tế, hợp tác quốc tế về văn hóa.
Hy vọng đây thực sự sẽ là Đêm hội của tình đoàn kết, đa sắc màu văn hóa; đêm hội của quá trình gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc độc đáo của cộng đồng các dân tộc; đồng thời là ngày hội gặp gỡ giao lưu, góp phần đưa văn hóa truyền thống trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Mong rằng, những nhịp chiêng Tây Nguyên không chỉ được biết đến trong nước mà sẽ ngày càng lan tỏa trong các sự kiện quốc tế.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)