Hướng dẫn viên du lịch: bạn là ai?
Ngày đăng: 25/12/2017 13:23
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/12/2017 13:23
“Khám phá cảnh đẹp và văn hóa đặc sắc của xứ Phù Tang, thưởng lãm một Tokyo hiện đại nhưng vẫn cảm nhận từng cung bậc cảm xúc khi dạo bước bên ngôi cổ tự Asakusa, hoàng cung… khám phá cảnh sắc từ Tokyo đến Kyoto, kết nối Osaka với đền đài, chùa thiêng Kinkakuji, chùa Kiyomizu thờ Phật Quan Âm… thỏa sức mua sắm hàng nội địa Nhật Bản tại các khu thương mại Shinsaibashi, khu phố Ginza…”. Lời hứa nói trên của một công ty dịch vụ lữ hành có uy tín tại TPHCM đã được thực hiện cho 27 du khách trong chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm vào cuối tháng rồi.
Thời tiết Nhật Bản cuối mùa thu khô ráo và dễ chịu, mọi thành viên trong đoàn khỏe mạnh, thân thiện chan hòa như anh em một nhà đã góp phần làm cho chuyến đi xứng đáng với số tiền bỏ ra không nhỏ cùng “công sức” lên tàu xuống xe, thay đổi chỗ ở hàng ngày.
Nhưng những chuyến tham quan mà du khách Việt “ráng” đi cho đáng đồng tiền bát gạo kiểu như trên sẽ không bao giờ thành công nếu không có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch giỏi. Theo thông lệ thường thấy ở Singapore và nhiều nước mà tôi đã có dịp ghé ngang, du khách từ Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi một hướng dẫn viên du lịch gọi trưởng đoàn (tour leader) và khi sang quốc gia cần tham quan sẽ có một hướng dẫn viên du lịch địa phương (local guide) là người nước ngoài hoặc người Việt Nam. Nhưng đoàn du lịch mà gia đình tôi tham gia lần này thì chỉ có một người kiêm cả hai vai trò trưởng đoàn và hướng dẫn viên du lịch địa phương. Mọi người trong đoàn cảm thấy an tâm khi Th. tự giới thiệu là người đã sinh sống và làm việc ở Nhật từ gần hai mươi năm nay. Càng ấn tượng hơn khi Th. tiết lộ anh đã có bằng thạc sĩ ở Nhật và đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng ở Nhật.
Mặc dù chuyện thạc sĩ, tiến sĩ làm hướng dẫn viên du lịch không có gì mới nhưng với tôi, cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kiến thức kinh nghiệm của dân thổ địa như Th. bao giờ cũng để lại những trải nghiệm thú vị. Những giai thoại về lịch sử nước Nhật, tinh thần, ý chí và nghị lực của con người Nhật đã được kể một cách sinh động trên đường đi qua ngôn ngữ và âm sắc tiếng Việt miền Nam tự nhiên, nhẹ nhàng và thỉnh thoảng dí dỏm hài hước của Th. Qua chuyến đi này, du khách có thể hiểu nước Nhật không chỉ đơn thuần là hình ảnh võ sĩ Samurai hay những cành hoa Sakura, nước Nhật thành công không chỉ nhờ Minh Trị Thiên Hoàng mà còn có những con người ưu tư và trăn trở với vận mệnh của đất nước như bậc khai quốc công thần Phúc Trạch Dụ Cát là người đã được in hình lên tờ giấy bạc giá trị lớn nhất 10.000 yen. Và nhờ những liên hệ của anh với lịch sử Việt Nam như phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của nhà yêu nước Phan Bội Châu, cơ hội “xâm nhập” của văn hóa Việt vào nước Nhật qua cuộc hôn nhân đầy cảm động của công chúa Ngọc Hoa, chuyến du lịch này không còn đơn thuần là cưỡi ngựa xem hoa mà chính là hành trình trở lại và ngẫm nghĩ về bản lĩnh văn hóa dân tộc Việt…
Tất cả những món ăn trí tuệ và tinh thần trên cuộc hành trình dành cho du khách, theo tôi, sẽ khó mà có được nếu như hướng dẫn viên du lịch là người Nhật cho dù phiên dịch có chính xác đến cỡ nào đi chăng nữa.
Tôi không tiện hỏi Th. là công ty dịch vụ lữ hành có bao nhiêu hướng dẫn viên du lịch tương tự như anh, tức là vừa làm trưởng đoàn từ Việt Nam vừa làm hướng dẫn viên tại Nhật và liệu anh có tiếp tục theo “nghề” này sau khi lấy xong bằng tiến sĩ không. Chưa quá 40 tuổi và còn độc thân, Th. cho biết anh còn mẹ già và gánh nặng gia đình với mấy đứa cháu ở quê nhà miền Tây nghèo khó. Th. cũng là giảng viên của một số trường đại học có uy tín ở Hà Nội và TPHCM. Nghĩ về vai trò nghề nghiệp đa đoan làm dâu trăm họ của Th., bỗng dưng tôi lại nghĩ đến một vài người bạn của tôi tốt nghiệp cử nhân Pháp văn Đại học Tổng hợp và Sư phạm rồi ra trường làm hướng dẫn viên du lịch cách đây hơn 20 năm. Có một số người vẫn còn gắn bó với nghề và thỉnh thoảng chia sẻ thông tin của mình trên Facebook với niềm hạnh phúc giới thiệu và tôn vinh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với du khách. Th. mà tôi được biết qua chuyến đi này là một đại sứ tuyệt vời cho Nhật Bản, không rõ anh đã có dịp nào giới thiệu và quảng bá những cái hay, cái đẹp của quê hương với du khách Nhật khi họ đến Việt Nam chưa?
Tại Singapore, bạn không nhất thiết phải có bằng đại học mới được phép hành nghề hướng dẫn viên du lịch mà chỉ cần trên 21 tuổi và tốt nghiệp phổ thông trình độ cơ sở (O-Level) và đạt yêu cầu trong một kỳ thi viết và thực hành bằng tiếng Anh với lệ phí thi là 72 đô la Sing. Giấy phép hướng dẫn viên du lịch được Cục Du lịch Singapore (STB) cấp cho thời hạn ba năm và người được cấp phải luôn cố gắng rèn luyện nâng cao kỹ năng để có thể đáp ứng kỳ vọng của STB là trở thành “những đại sứ quan trọng đảm bảo cho du khách nước ngoài đến Singapore những trải nghiệm chất lượng cao và khó quên”. Theo thống kê của STB, hiện có khoảng 2.700 hướng dẫn viên du lịch có giấy phép và đây là khoảng cách quá lớn so với con số 16,4 triệu du khách nước ngoài đến Singapore trong năm 2016. Trên thực tế. tại Singapore có rất nhiều hướng dẫn viên du lịch “ngoài luồng” mà phần lớn là sinh viên nước ngoài – trong đó có Việt Nam – thông thạo ngôn ngữ và văn hóa của du khách đến từ quê hương mình. Tiền phạt cho đối tượng hành nghề không có giấy phép có thể lên đến 5.000 đô la Sing nhưng cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được ghi nhận. Phải chăng STB đã nhắm một con mắt để cho hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư từ các nước dẫn khách đến Singapore và chỉ “ra tay” khi phát sinh các trường hợp chỉ điểm hay kiện cáo của các hướng dẫn viên du lịch chính thức?
Nhưng nếu Nhật Bản có thể cho phép người nước ngoài như Th. trở thành hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu đất nước của họ cho du khách bằng tiếng mẹ đẻ thì tại sao Việt Nam không nghĩ đến việc khai thác và tận dụng nguồn lực sẵn có bên ngoài bằng các cơ chế cấp phép linh hoạt và lệ phí vừa phải. Tiến trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ là những điều kiện xúc tác ban đầu cho việc cấp phép hành nghề hướng dẫn viên du lịch mang tính khu vực, xuyên quốc gia, quốc tế và cả toàn cầu. Trong khuôn khổ đó, hướng dẫn viên du lịch người Việt có thể tự tin hành nghề ở nước ngoài và ngược lại, hướng dẫn viên du lịch nước ngoài sẽ dùng ngôn ngữ của họ để giới thiệu Việt Nam với du khách người đồng hương của họ. Trong lúc chờ đợi các quốc gia ASEAN có những chính sách và động thái tương tự, tổng cục hay các sở du lịch của ta có thể đề xuất và thực hiện sáng kiến này trước với việc xây dựng những “giáo trình du lịch” gọn nhẹ, súc tích, đảm bảo nội dung nghiêm túc và có những chế tài cần thiết.
“Có lẽ mọi người trong đoàn mình ăn ở tốt nên chuyến đi này thời tiết tốt và không gặp trở ngại gì”. Th. nói vui với chúng tôi trong buổi hướng dẫn cuối cùng trên xe buýt vào ngày cuối cùng trong cuộc hành trình. Tôi tự nhủ là mình rất may mắn đã gặp được Th. trong chuyến du lịch lần đầu tiên đến Nhật Bản. Và Th. cũng may mắn vì gặp được những du khách tương đối dễ tính, không có sự khác biệt quá lớn về quan điểm chính trị, dân tộc và tôn giáo. Một ngày đẹp trời nào đó, Th. có thể đọc được bài báo này, mong có dịp nào đó ngồi lai rai với anh ở một quán nhậu dọc khu Bờ Kè đường Hoàng Sa để trao đổi thêm về những đề tài chính trị, văn hóa, xã hội mà anh đã nêu trong cuộc hành trình cũng như lắng nghe những kinh nghiệm và bài học từ Nhật Bản ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống tại quê nhà.
(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore
Nguồn : TBKTSG Online