Tỷ lệ hưởng lương hưu cho lao động nữ: Có thể điều chỉnh như thế nào?
Ngày đăng: 25/12/2017 20:28
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/12/2017 20:28
Tuy nhiên quy định này có phải là bất bình đẳng giới hay không, tác động ra sao và có thể điều chỉnh cách tính như thế nào đã được Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn (ảnh) giải đáp.
Thưa ông, dư luận xã hội và nhiều lao động nữ cho rằng, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 là bất bình đẳng giới, gây sốc cho lao động nữ và đề nghị dừng thực hiện khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 hoặc phải có lộ trình như lao động nam. Xin ông cho biết, BHXH Việt Nam và cơ quan chức năng liên quan sẽ xử lý điều này theo hướng nào?
- Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn: Quy định cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ ngày 1.1.2018 trở đi không phải là quy định mới. Chúng ta đã áp dụng quy định này từ năm 1995 đến hết năm 2002 theo quy định của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26.1.1995 của Chính phủ. Từ năm 2003, khi Chính phủ sửa đổi Điều lệ BHXH theo Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 9.1.2003, thì cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ mới thay đổi theo công thức: 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%; mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính thêm 3%; tối đa là 75%.
Việc điều chỉnh của Luật BHXH năm 2014 là đưa công thức tính mức lương hưu đối với lao động nữ quay trở lại trước đây, chứ không phải là chính sách mới. Còn đối với lao động nam, từ năm 1995 đến nay để đạt được hưởng lương hưu ở mức cao tối đa 75% thì đều phải có 30 năm đóng BHXH (từ năm 2003 đến nay số năm lao động nam đóng BHXH luôn cao hơn lao động nữ 5 năm).
Theo tôi, quan điểm cho rằng cách tính lương hưu từ năm 2018 trở đi đối với lao động nữ là bất bình đẳng giới là chưa thấu đáo. Bởi lẽ, khi kết thúc lộ trình thay đổi cách tính lương hưu, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa thì số năm đóng BHXH của lao động nam vẫn luôn cao hơn lao động nữ là 5 năm. Vấn đề là đối với lao động nữ thì áp dụng ngay nên tâm lý hụt hẫng, tác động mạnh hơn.
Còn về việc xử lý sự chênh lệch về cách tính lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ, Bộ LĐ,TB&XH là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật BHXH nên Bộ LĐ,TB&XH sẽ tham mưu cho Chính phủ tính toán, cân nhắc các giải pháp nhằm đảm bảo nguyên tắc: Không để lao động nữ thiệt thòi; thực hiện có lộ trình; đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng; tạo điều kiện cho quỹ BHXH ổn định, phát triển bền vững và không gây bức xúc trong xã hội.
Với vai trò là cơ quan quản lý Quỹ BHXH, BHXH Việt Nam đã đề xuất phương án điều chỉnh cách tính này như thế nào, thưa ông?
- Trong tháng 10 vừa qua, tại cuộc họp với Vụ BHXH (Bộ LĐ,TB&XH) bàn các phương án xử lý chênh lệch về cách tính lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ, đại diện BHXH Việt Nam đã đề xuất phương án áp dụng lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu đối với lao động nữ trong 5 năm như sau: 15 năm đầu đóng BHXH tính bằng 45%, sau đó:
Nếu nghỉ hưu năm 2018: 8 năm tiếp theo (tính từ năm thứ 16 đóng BHXH đến năm thứ 23), mỗi năm tính thêm 3%; sau đó, từ năm đóng BHXH thứ 24, cứ mỗi năm tính thêm 2% cho đến tối đa 75%.
Nếu nghỉ hưu năm 2019: 6 năm tiếp theo (đến năm đóng thứ 21), mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, cho đến tối đa 75%;
Nếu nghỉ hưu năm 2020: 4 năm tiếp theo (đến năm đóng thứ 19), mỗi năm cộng 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, cho đến tối đa 75%;
Nếu nghỉ hưu năm 2021: 2 năm tiếp theo (đến năm đóng thứ 17), mỗi năm cộng 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%;
Nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi: Các năm tiếp theo mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%.
Theo phương án này, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75% thì lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 phải có 26 năm đóng BHXH; nghỉ hưu trong năm 2019 phải có 27 năm; trong năm 2020 là 28 năm; năm 2021 là 29 năm; từ năm 2022 trở đi là 30 năm.
Như vậy, phương án này hoàn toàn tương đồng với lộ trình thay đổi cách tính lương hưu như đối với lao động nam; nghĩa là khi kết thúc lộ trình vào năm 2022, để đạt được tỷ lệ hưởng 75% thì cả lao động nam và nữ đều phải có số năm đóng BHXH tăng thêm 5 năm (mỗi năm tăng thêm một năm đóng); đồng thời, đảm bảo tính hài hòa trong quá trình cải cách chính sách.
Xin ông cho biết, khi nào cơ quan chức năng sẽ có quyết định cuối cùng về việc dừng hay thực hiện theo lộ trình khoản 2, Điều 56 này?
- Trước hết, phải khẳng định rằng, việc thay đổi cách tính lương hưu từ năm 2018 trở đi không chỉ tác động đến lao động nữ mà có tác động chung đến tất cả người lao động. Tuy nhiên, tác động đến lao động nam là từng bước theo lộ trình, còn với lao động nữ thì không có lộ trình.
Ngày 3.11, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ quy định tại Luật BHXH năm 2014. Trước đó, ngày 2.11, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn gửi Bộ LĐ,TB&XH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ LĐ,TB&XH cân nhắc thêm phương án cho phép thay đổi dần trong 5 năm bắt đầu từ ngày 1.1.2018 như công thức tính lương hưu đối với lao động nam để vừa đảm bảo thực thi pháp luật, vừa đáp ứng các ưu điểm của Luật BHXH. BHXH Việt Nam ủng hộ quan điểm của Chính phủ trong vấn đề này.
Tuy nhiên, để đưa ra được quyết định dừng hay thực hiện theo lộ trình khoản 2, Điều 56 Luật BHXH, thì theo quy trình chung, sau khi Chính phủ thống nhất phương án sẽ báo cáo Quốc hội và Quốc hội sẽ quyết định.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Văn hóa