Kỳ tích của ngành Du lịch
Ngày đăng: 27/12/2017 22:30
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/12/2017 22:30
“Đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 30% so với 2016; mức tăng 3 triệu khách trong 1 năm được coi là kỳ tích tăng trưởng của ngành Du lịch kể từ khi thành lập ngành… Ngay từ đầu năm, những chuyên gia du lịch, những nhà quản lý lạc quan nhất cũng không ai có thể tưởng tượng ra được", ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
Ngày 26.12, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện dự và chỉ đạo tại Hội nghị.
Tăng trưởng khách quốc tế và tổng thu du lịch cao chưa từng có
Năm 2017 là một năm ghi lại những dấu ấn lịch sử của ngành Du lịch VN khi lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TƯ về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quốc hội thông qua Luật Du lịch năm 2017 và Việt Nam đạt mức tăng trưởng lẫn con số tuyệt đối cao nhất từ trước đến nay, đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 30% so với 2016; mức tăng 3 triệu khách trong 1 năm được coi là kỳ tích tăng trưởng của ngành Du lịch kể từ khi thành lập ngành… Nửa đầu năm 2017, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công bố số liệu khách quốc tế trên toàn thế giới, theo đó tổ chức này cũng công bố danh sách 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có mức tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới, căn cứ theo lượng khách quốc tế đến. Việt Nam được xếp là quốc gia đứng thứ 6 thế giới và đứng đầu châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng du lịch với mức tăng tại thời điểm xếp hạng 31,2%. UNWTO đánh giá: “Việt Nam không còn là điểm đến du lịch xa lạ. Quốc gia này hấp dẫn bởi nền văn hóa lịch sử lâu đời, ẩm thực phong phú và cảnh quan tự nhiên hấp dẫn”.
Năm 2017, tổng thu của ngành Du lịch đạt 510.900 tỉ đồng, tương đương 23 tỉ USD, trong đó, khách quốc tế chiếm 58%, khách nội địa 42%; 90% trong số trên thu từ khách du lịch thuần túy. Trước đó, năm 2016, tổng thu du lịch đạt 400.700 tỉ đồng, đóng góp 6,96% vào GDP nhưng theo cách tính của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), đóng góp của Du lịch Việt Nam vào GDP cao hơn rất nhiều, đạt 9,1%. Du lịch đóng góp trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2016 là 67,3%.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chúc mừng toàn thể lãnh đạo, cán bộ công chức, người lao động TCDL một năm vừa qua đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi. Bộ trưởng nhắc lại những kết quả chưa bao giờ đạt được năm 2016 khi đó khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt, tăng gần 27%, con số tuyệt đối đạt hơn 2 triệu lượt khách. “Lượng sức mình nên năm 2017 TCDL chỉ dám đề ra mục tiêu tăng 15%. Tôi đề nghị phải tăng tối thiểu 20%, nhưng Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng 30% trở lên. Khi được giao chỉ tiêu này toàn ngành rất lo lắng nhưng qua từng tháng, từng quý thấy cũng có thể đạt được. Phải thừa nhận, toàn ngành Du lịch đã cố gắng hết sức. Bên cạnh đó, người dân cả nước, doanh nghiệp du lịch cũng góp sức không nhỏ để làm nên những thành công này, thể hiện rõ sức lan tỏa của ngành Du lịch với xã hội vô cùng lớn, thu hút toàn dân làm du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại hội nghị
Đặt mục tiêu đón 16 triệu lượt khách quốc tế năm 2018
Năm 2018, TCDL đặt mục tiêu đón trên 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 78 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 620.000 tỉ đồng. Để đạt được các mục tiêu đề ra, TCDL đề nghị lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị trong Bộ phối hợp triển khai Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4215/QĐ- BVHTTDL... Bộ trưởng đề nghị TCDL điều chỉnh lại và nên đặt mục tiêu năm 2018 tăng ít nhất 3 triệu lượt khách quốc tế so với năm 2017, đạt 16 triệu lượt khách quốc tế đến. Bộ trưởng yêu cầu ngành Du lịch tiếp tục triển khai việc chấn chỉnh cơ sở lưu trú như đã làm rất tốt trong năm 2016, 2017; nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú toàn quốc; tập trung công tác đào tạo, tập huấn để cải thiện môi trường kinh doanh du lịch và sự thân thiện với khách du lịch.
TCDL đề ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý là chú trọng chấn chỉnh tình trạng hướng dẫn viên chui, hướng dẫn viên hoạt động không đúng quy định của pháp luật và chấn chỉnh công tác quản lý điểm đến, quản lý hướng dẫn viên. Hoạt động xúc tiến du lịch đi vào chiều sâu, chú trọng hiệu quả. Luật Du lịch 2017 có nhiều thay đổi như: Tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, thay đổi trong các điều kiện hoạt động của hướng dẫn viên, doanh nghiệp lữ hành, thành lập và đi vào hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch... nên sẽ tiếp tục triển khai, phổ biến Luật Du lịch 2017, không để các địa phương, doanh nghiệp lúng túng khi Luật có hiệu lực.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Du lịch Việt Nam đang có thương hiệu rất lớn trên thị trường thế giới. Rất nhiều giải thưởng hàng đầu thế giới được trao cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về du lịch là TCDL cũng được nhận rất nhiều giải thưởng. Đây là sự công nhận, vinh danh cao quý của các tổ chức, của cộng đồng du lịch nước ngoài dành cho du lịch Việt Nam. Việc gia hạn miễn visa đơn phương cho một số thị trường, áp dụng visa điện tử cho hơn 40 thị trường… đã góp phần tạo nên thương hiệu du lịch Việt Nam. “Tôi đề nghị, trên đà này, ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Xã hội đang rất quan tâm đến du lịch; doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng quan tâm đến lĩnh vực đầy hấp dẫn và phát triển bền vững này. Vì thế, ngành Du lịch cần tận dụng cơ hội này và đẩy mạnh phát triển hơn nữa. Đây là lợi thế của du lịch Việt Nam và rất cần sự chung tay, ủng hộ của cả xã hội vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Nguồn: Báo Văn hóa