Thể thao Việt Nam: Khép lại thành công, tìm bước đột phá mới
Ngày đăng: 27/12/2017 22:38
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/12/2017 22:38
Thể thao Việt Nam sắp khép lại một năm thành công nhưng vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở để làm sao cho thể thao nước nhà nhanh hơn, cao hơn, xa hơn trong năm tới.
Đó chính là nội dung của Hội nghị triển khai công tác năm 2018 được Tổng cục TDTT tổ chức vào ngày 25.12. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải đã tới dự.
Khép lại thành công
Năm 2017 cũng là năm ghi dấu ấn thành công của thể thao nước nhà trên nhiều phương diện. Với thể thao quần chúng, đáng mừng khi số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc đạt 31,38%, tăng 1,85% so với năm 2016; số gia đình đạt tỷ lệ 22,47% tổng số hộ, tăng 1,27% so với năm 2016, số CLB thể thao, số cộng tác thể thao đạt 42.850 người, 48.170 giải thể thao quần chúng được tổ chức.
Ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, khép lại năm 2017, các VĐV Việt Nam đã giành được tổng số 1.045 huy chương, gồm 425 HCV, 301 HCB, 319 HCĐ. Sự kiện nổi bật nhất của thể thao thành tích cao trong năm qua chính là việc đoàn thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc, giành được tổng cộng 166 huy chương các loại trong đó có 59 HCV, 49 HCB, 60 HCĐ, phá 12 kỷ lục SEA Games và xếp thứ 3/11 quốc gia tham dự SEA Games 29.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, đây cũng là kỳ SEA Games tiếp tục ghi dấu sự thành công của các môn Olympic khi các môn này giành được tới 51/59 HCV, chiếm 86% tổng số huy chương của đoàn. Đội tuyển Điền kinh VN lần đầu tiên vượt qua Thái Lan, đứng đầu khu vực ĐNÁ; đội tuyển Bơi giành 10 HCV, phá 5 kỷ lục SEA Games. Thể thao Việt Nam cũng tiếp tục ghi dấu ấn trong năm 2017 khi giành 13 HCV, 8 HCB, 19 HCĐ xếp ở vị trí 9/65 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Đại hội võ thuật và trong nhà châu Á. Lần đầu tiên có 6 đội tuyển bóng đá quốc gia vượt qua vòng loại giành vé dự VCK châu Á…
Bộ trưởng mong muốn thể thao quần chúng có bước phát triển đột phá trong năm tới
Nhìn vào hạn chế
Dù đạt được nhiều thành tích rực rỡ trong năm qua nhưng tại Hội nghị lần này, ngành thể thao cũng thẳng thắn nhìn nhận vào những mặt còn tồn tại, hạn chế. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết một trong những tồn tại là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, văn hóa, ý thức tổ chức kỷ luật cho đội ngũ HLV, VĐV, đội ngũ cán bộ, trọng tài điều hành các giải đấu chưa được quan tâm đúng mức nên ở một số cuộc thi đấu có dư luận điều hành không khách quan, thiếu chính xác hoặc dàn xếp kết quả thi đấu. Đặc biệt ở một số vòng đầu của giải bóng đá chuyên nghiệp đã xảy ra hiện tượng một số cầu thủ thi đấu bạo lực, trọng tài điều hành một số trận đấu chưa chính xác, lãnh đạo, HLV, VĐV một số đội bóng có hành vi thi đấu thiếu văn hóa, phi thể thao…
Trong khi đó, Vụ trưởngVụ Thể thao thành tích cao 2 Nguyễn Trọng Hổ lại chỉ ra nguyên nhân vì sao một số tài năng đặc biệt của thể thao Việt Nam sớm bị thui chột? Vì sao cùng một địa điểm tập huấn có VĐV thì thành công còn những VĐV khác thì không. Dẫn ra trường hợp của kình ngư Hoàng Quí Phước, tài năng sớm phát lộ nhưng thành tích ngày càng cho thấy dấu hiệu đi xuống, hay như trường hợp của đô cử Thạch Kim Tuấn, thành tích của Tuấn không những không được cải thiện mà ngày càng thấp đi, ông Hổ cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do trình độ huấn luyện của chúng ta còn hạn chế. Việc ép chín các tài năng làm cho các em chỉ có thành tích tốt khi tuổi đời còn rất trẻ, có khi chỉ 14-15 tuổi nhưng khi bước vào độ chín thì thành tích chững lại. Ông Hổ đề xuất việc phải nghiên cứu lại chu trình huấn luyện, tránh việc “đốt cháy” giai đoạn quá sớm và khi các VĐV đi tập huấn nước ngoài, phải tìm được những HLV giỏi về ngoại ngữ, chuyên môn, có tinh thần học hỏi để sau này mang những cái hay đã học được trở về nước huấn luyện.
Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 Hoàng Quốc Vinh cũng nêu ý kiến về các giải pháp nâng cao thành tích của các VĐV. Theo ông Vinh ngoài việc phải có các chuyên gia, HLV giỏi, các tài năng thể thao cần được huấn luyện một cách bài bản, khoa học, từ việc áp dụng chế độ dinh dưỡng, thuốc men, phục hồi đến việc giải tỏa sức ép tâm lý, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao thành tích…
Và tìm bước đột phá mới…
Dù đánh giá cao những thành tích mà thể thao Việt Nam đã đạt được trong năm nay nhưng phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện mong thể thao Việt Nam tiếp tục có bước đột phá, nhất là trong lĩnh vực thể thao quần chúng. Không chỉ gợi mở cách làm, Bộ trưởng cho biết, ông sẽ vào cuộc cùng ngành thể thao để đề ra những giải pháp cụ thể cho những mục tiêu mang tính đột phá này.
Về thể thao quần chúng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng gợi mở cách làm như việc thể thao quần chúng phải đặt ra những mục tiêu cụ thể, sát với thực tế. Trong hàng loạt các nhiệm vụ, phải chọn ra được nhiệm vụ nào cấp bách, có thể triển khai được ngay thì làm ngay như tập trung vào việc phát triển thể thao học đường, chống đuối nước, tạo thành phong trào rèn luyện thể thao trong mọi tầng lớp nhân dân, tiếp tục phối hợp với Đoàn Thanh niên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các ngành Công an, Quân đội, Giáo dục… đẩy mạnh phong trào phát triển sâu rộng hơn nữa. “Ngày xưa trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn bộn bề nhưng cứ mỗi buổi sáng sớm, toàn dân lại nô nức dạy tập thể dục. Vậy thì bây giờ, điều kiện thuận lợi hơn nhiều, không có lý gì chúng ta không đẩy mạnh phong trào TDTT trong mọi tầng lớp nhân dân được. Muốn như vậy thì ngành cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan thông tấn báo chí để người dân hiểu, tham gia mạnh mẽ hơn. Khi tất cả cùng vào cuộc, cỗ máy đã nóng lên rồi thì chắc chắn sẽ tạo thành phong trào chung của toàn xã hội”, Bộ trưởng nói.
Về thể thao thành tích cao, Bộ trưởng cho rằng phải đặt mục tiêu cao hơn tại Asian Games 2018, không phải chỉ là 2-3 HCV mà phải bằng kỳ Asian Games thành công nhất là đoạt 4 HCV hoặc ít ra cũng phải đoạt 3 HCV như tại Asian Games 2006. “Tôi cũng sẽ ngồi lại với ngành thể thao. Tôi đề nghị Tổng cục TDTT làm việc cụ thể với các đơn vị, cục, vụ, thảo luận về kế hoạch tuyển chọn, bồi dưỡng các VĐV chất lượng. Không đạt thành tích tốt, Bộ trưởng cũng phải chịu trách nhiệm chứ không phải chỉ đi đếm thành tích”, Bộ trưởng khẳng định.
Nguồn: Báo Văn hóa