Phố sách cần đáp ứng đòi hỏi của công chúng
Ngày đăng: 02/01/2018 19:20
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/01/2018 19:20
Với nhiều nỗ lực, năm 2017 đã trở thành năm mà ngành xuất bản, phát hành đã có nhiều cố gắng để tìm ra hướng đi mới cho hàng hóa đặc biệt này. Tuy nhiên, việc thu hút công chúng đến với sách vẫn đang đặt ra không ít khó khăn, cần sự chung tay và không ngừng đổi mới của cơ quan chức năng cùng các đơn vị xuất bản.
Theo Văn phòng phía nam, Hội Xuất bản Việt Nam, năm 2017 đường sách Nguyễn Văn Bình (TP Hồ Chí Minh) hoạt động khá khởi sắc, lượng khách trung bình mỗi ngày thường ở mức 5 nghìn đến 6 nghìn lượt người, vào ngày nghỉ là 10 nghìn lượt người. Như vậy, cả năm 2017 đường sách đã thu hút 2,4 triệu lượt người đến thăm; doanh thu đạt 50 tỷ đồng, tăng gần gấp hai lần so với năm 2016. Sau thành công của đường sách Nguyễn Văn Bình, đường sách thứ hai đã được UBND thành phố phê duyệt, đặt tại đường Nguyễn Đổng Chi (phường Tân Phú, quận 7), dự kiến kinh phí xây dựng là gần 14 tỷ đồng, với 20 gian hàng sách, quán cà-phê,… được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Bên cạnh đó, UBND thành phố có kế hoạch sẽ mở thêm ba đường sách nữa trong thời gian tới. Như vậy, độc giả thành phố mang tên Bác sẽ có thêm nhiều địa chỉ để tìm đến và thỏa mãn niềm đam mê đối với sách. Mới đây, UBND thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đường sách đầu tiên của thành phố dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 1-3-2018 tại công viên Quang Trung, đường Ba Cu, được tổ chức theo mô hình xã hội hóa và Nhà nước hỗ trợ cấp mặt bằng. Tại đây sẽ diễn ra các sự kiện về sách, giao lưu, tìm hiểu tác giả, tác phẩm, đồng thời là nơi sinh hoạt của một số câu lạc bộ tại thành phố như: Câu lạc bộ sáng tác trẻ, Câu lạc bộ sưu tập sách, Câu lạc bộ sưu tập tem, postcard (bưu thiếp), tiền xưa... Trước khi chính thức hoạt động, đường sách Vũng Tàu sẽ ra mắt công chúng chương trình Hội sách xuân Mậu Tuất 2018, tổ chức từ ngày 27 tháng Chạp (12-2-2018) đến mùng 10 tháng Giêng (25-2-2018). Song trái ngược với dấu hiệu tích cực về hiệu quả xã hội của đường sách và một số đường sách mới sẽ sớm đi vào hoạt động ở TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, thì ở Hà Nội lại có thông tin không vui cho người yêu sách. Đó là kể từ tháng 5-2017 đến nay, tức là sau chưa đầy một năm đi vào hoạt động, phố sách Hà Nội tại đường 19-12 đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng và đang rơi vào tình cảnh đáng báo động. Các quầy sách hoạt động cầm chừng trong cảnh thưa vắng khách. Doanh thu từ bán sách thấp đã khiến một số đơn vị có ý định rút lui để “cắt lỗ”. Một số đơn vị tiếp tục cầm cự với mong muốn đây là một cách đầu tư để xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tuy nhiên sự hào hứng về hiệu quả trên thực tế đã phần nào sụt giảm. Nhiều lý do được đưa ra để lý giải tình trạng ế ẩm. Về phía độc giả, họ mong muốn tìm đến với phố sách như đến một địa chỉ văn hóa, với các hoạt động như triển lãm, tọa đàm, giao lưu tác giả, tác phẩm,… Bởi nếu phố sách chỉ đơn thuần để kinh doanh sách, thì độc giả có nhiều lựa chọn khác phù hợp hơn, thậm chí đặt mua online (trực tuyến) trên in-tơ-nét. Thực tế sau ngày khai trương, các sự kiện, hoạt động giao lưu,... tại phố sách hầu như chỉ diễn ra trong ba tháng đầu. Đó cũng là thời điểm được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất của phố sách, thu hút một lượng lớn độc giả tìm đến, các gian hàng đạt doanh thu trung bình 125 triệu đồng/tháng. Sau khi những hoạt động nêu trên dần thưa vắng, phố sách dường như chỉ còn là nơi mua bán sách. Các đơn vị đã không thực hiện được cam kết ban đầu là thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu, tọa đàm, giới thiệu ấn phẩm mới,... Không còn đủ sức giữ chân người yêu sách, cảnh đìu hiu tại phố sách Hà Nội là điều dễ hiểu. Về phía các đơn vị kinh doanh, không ít khó khăn đã được chỉ ra. Đó là chi phí tốn kém để tổ chức sự kiện, trong khi doanh thu từ bán sách trung bình mỗi cuốn 2.000 bản chỉ ở mức hòa vốn. Kể cả số tiền lãi nếu sách được tái bản thì cũng không đủ kinh phí để tổ chức một sự kiện và điều này khiến các đơn vị giảm dần hay dừng hẳn việc tổ chức sự kiện. Giải pháp an toàn, “bảo toàn vốn” được một số đơn vị lựa chọn nhưng lại là nguyên nhân khiến phố sách kém sức hút. Vào các ngày lễ lớn, một số hoạt động dù được các đơn vị tham gia phối hợp tổ chức nhưng nội dung có phần đơn điệu, mang nặng tính hình thức cho nên hiệu quả không như mong muốn. Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia phố sách còn chưa có nhiều hoạt động mang tính liên kết tổng thể để phát huy thế mạnh của phố sách là nơi tập trung nhiều đơn vị xuất bản uy tín. Tính hấp dẫn như một điểm đến văn hóa của phố sách vì thế khó đạt tới. Để cải thiện tình hình, đại diện một đơn vị xuất bản đã đề xuất ý tưởng thành lập một công ty (có thể trực thuộc thành phố Hà Nội hoặc Hội Xuất bản Việt Nam) am hiểu về công tác xuất bản, thị trường sách,… để đứng ra quản lý phố sách. Lợi ích của đề xuất này là một đầu mối sẽ thuận tiện cho việc hoạch định chiến lược, chính sách giúp phố sách hoạt động hiệu quả, thay cho “mạnh ai nấy làm” như lâu nay. Đồng thời, một số đơn vị tham gia phố sách mong muốn có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức nhiều hoạt động, giúp tạo điều kiện để phố sách trở thành điểm văn hóa du lịch của thành phố. Hiện phố sách Hà Nội có vị trí tương đối thuận lợi vì nằm ở khu vực trung tâm thành phố, gần một số di tích và danh lam thắng cảnh như tượng đài Lý Thái Tổ, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu Quốc Tử Giám,... nhưng để phát huy lợi thế về vị trí thì các hoạt động gắn kết với những điểm du lịch khác lại chưa có. Phố sách chưa được chọn để tổ chức sự kiện liên quan đến sách trên địa bàn thành phố, như trao giải sách quốc gia, trao giải cuộc thi tìm hiểu về sách yêu thích... Các hoạt động xã hội hóa để giảm bớt gánh nặng chi phí cho các đơn vị tham gia phố sách còn thiếu và yếu. Những khó khăn nêu trên cho thấy để duy trì hoạt động của phố sách không chỉ đòi hỏi quyết tâm, mà còn cần cả sự nỗ lực, sự năng động, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động quảng bá, giao lưu về sách của mỗi đơn vị xuất bản nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của độc giả. Chia sẻ những khó khăn của phố sách Hà Nội, không ít bạn yêu sách mong muốn các đơn vị tham gia phố sách Hà Nội tham khảo, học hỏi cách làm của đường sách tại TP Hồ Chí Minh. Chính thức khánh thành từ ngày 9-1-2016, sau hai năm hoạt động, dù còn một vài hạn chế song đến nay, đường sách Nguyễn Văn Bình đã cho thấy sự thành công trong chủ trương, phương thức hoạt động và thật sự trở thành điểm đến văn hóa của người dân thành phố và du khách. Trên một số diễn đàn cho giới trẻ và trang mạng xã hội, nơi đây nhanh chóng trở thành địa chỉ được yêu thích, và là “điểm check-in không thể bỏ qua khi du lịch Sài Gòn”. Đáng chú ý trong năm 2017, tại đường sách TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 16 cuộc triển lãm sách, ảnh như: Giữ gìn di sản Sài Gòn, Về chốn thư hiên, Việt Nam miền ngon, Việt Nam nhìn từ trên cao, Âm thanh Hội họa... Một thí dụ cho thấy sự năng động, nhạy bén trong thời điểm cuối năm 2017 là Ban quản lý đường sách trang trí cây thông nô-en với nhiều họa tiết sinh động tạo một mầu sắc lễ hội ấn tượng; có đơn vị xuất bản ngoài việc trang trí gian hàng của mình đậm không khí ngày tết còn xếp sách thành hình cây thông, thu hút các bạn trẻ đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm. Trong khi đó, những ngày cuối năm tại Hà Nội, phố sách khá im lìm. Vài ba độc giả ghé qua mua sách rồi rời đi. Hai đầu dãy phố, không rõ vì lý do gì, được đặt rào chắn khiến cho phố sách thiếu sự thân thiện. Đó là chưa kể một số hàng quán kinh doanh vẫn nằm xen kẽ giữa các gian hàng sách, ít nhiều ảnh hưởng đến không gian chung của cả phố sách. Trước những khó khăn của phố sách Hà Nội, rất cần sự họp bàn giữa các đơn vị tham gia và cơ quan quản lý trực tiếp để đề ra những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, góp phần chấn chỉnh kịp thời tình trạng “chợ chiều” như hiện nay. Có thể thấy, nếu không đa dạng hóa các hoạt động về sách, không nỗ lực tạo các sự kiện văn hóa ý nghĩa để thu hút công chúng thì phố sách khó có thể phát triển như mục tiêu ban đầu đề ra, đó là nơi giới thiệu với độc giả những cuốn sách mới, đa dạng về nội dung, phong phú về thể loại, đồng thời là nơi độc giả có điều kiện gặp gỡ giao lưu, tọa đàm về sách với tác giả trong nước và ngoài nước. Một khảo sát gần đây của Ban quản lý đường sách Nguyễn Văn Bình cho thấy hơn 58% số người được hỏi đến đường sách để mua sách, gần 50% đến tham quan, 36% đến đọc sách và gần 19% người đến đường sách để gặp bạn bè, uống cà-phê. Con số này cho thấy nhu cầu của công chúng đến với phố sách, đường sách hết sức đa dạng. Hiện có nhiều ý kiến đề xuất về việc mở thêm các phố sách, đường sách tại Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt,... điều này cho thấy để sách có cơ hội đến với người đọc nhiều hơn, trước hết cần đáp ứng đòi hỏi chính đáng của công chúng, đó là đến với sách để tiếp cận, tiếp nhận văn hóa, chứ không đơn thuần chỉ là bán và mua. |
Theo Nhandan.com,vn