10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2017
Ngày đăng: 03/01/2018 07:46
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/01/2018 07:46
Năm 2017 đã khép lại với đầy ắp các sự kiện chính trị thế giới, tác động đến nhiều quốc gia, khu vực. Sau đây là 10 sự kiện thế giới nổi bật do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn:
1. Năm APEC Việt Nam 2017 khẳng định vị thế và dấu ấn thành công của nước chủ nhà
APEC Việt Nam 2017 là loạt hội nghị trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ đầu tháng 12/2016 tới tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, và các thành phố lớn khác như: Hà Nội, Nha Trang, Vinh, Ninh Bình, Hạ Long, Huế, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung. Trong đó, sự kiện thu hút quan tâm đặc biệt của dư luận là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (hay Hội nghị Cấp cao APEC), diễn ra trong hai ngày 10-11/11 tại Đà Nẵng đã thông qua tuyên bố chung với những nội dung bao trùm từ kinh tế, tài chính, xã hội cho tới tăng trưởng bền vững, cho tới thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở ở châu Á-Thái Bình Dương…
Hội nghị diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa đối với APEC và châu Á - Thái Bình Dương, khi tình hình thế giới và khu vực đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc. Hơn bao giờ hết, APEC tiếp tục củng cố vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là nền kinh tế mở, đang hội nhập sâu rộng và có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định trong nhiều năm qua. Năm APEC 2017 là cơ hội quý báu để Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực. Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
2. ASEAN tạo lập vị trí trung tâm của khu vực sau 50 năm thành lập
Sáng 8/8, Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Phillipines ở thủ đô Manila của Phillipines - nước Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017. Tham dự buổi lễ, có Tổng thống nước chủ nhà Rodrigo Duterte, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, các bộ trưởng ngoại giao đến từ 10 nước ASEAN và các bên đối tác, đối thoại.
Với chủ đề "Dưới một ánh sáng, chúng ta là một ASEAN", buổi lễ kỷ niệm đã diễn ra trang trọng với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi sự đoàn kết, tình hữu nghị giữa các nước ASEAN, cùng nhau vượt qua thách thức, vươn tới tầm cao và thắng lợi mới.
Trong bài phát biểu mang tính thông điệp nhân lễ kỷ niệm năm nay, Tổng thống nước chủ nhà Duterte nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, dân chủ và tính đa dạng của các thành viên ASEAN. Ông Duterte khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong 50 năm qua và mong muốn ASEAN tiếp tục phát triển bền vững, đem lại thịnh vượng chung cho mọi người dân. Nhà lãnh đạo trên nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần tiếp tục phát huy tính chủ động, liên kết mạnh mẽ hơn cũng như thích ứng tình hình phát triển mới của khu vực và trên thế giới.
Sau 50 năm hợp tác, cùng với nhiều thành tựu đạt được, ASEAN đã không ngừng thúc đẩy sự hiểu biết, tin tưởng và hợp tác trong 10 quốc gia thành viên một cách sâu rộng hơn, cho phép các nước theo đuổi các mục tiêu chung giữa sự đa dạng của khối và công nhận đầy đủ những lợi ích và nguyện vọng của mỗi nước. Không những thế, ASEAN còn ngày càng xác lập và khẳng định vững chắc vị thế của mình. Điều này không chỉ được thể hiện qua sự lớn mạnh của Cộng đồng ASEAN, sự gắn kết chặt chẽ cả về chính trị, kinh tế, văn hóa giữa các thành viên, mà còn là sự phát triển nhanh chóng của các mối quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, sự tôn trọng và ủng hộ của các nước đối với vai trò trung tâm của Hiệp hội trong các tiến trình khu vực.
3. Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga
Ngày 7/11/2017, những người cộng sản, nhân dân lao động toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều hướng về một sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn: Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Nhìn lại lịch sử thế giới với biết bao biến cố, thăng trầm đã diễn ra, đến nay, chúng ta vẫn có đủ cơ sở để khẳng định rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là một trong những sự kiện chính trị-xã hội quan trọng nhất trong thế kỷ XX, có ảnh hưởng lớn đến tiến trình lịch sử thế giới.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga thực sự đã sáng tạo ra một kỷ nguyên mới của nước Nga, đồng thời đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại, vượt khỏi không gian và thời gian, trở thành biểu tượng vĩ đại của thời đại. Cách mạng Tháng Mười Nga cũng đã có tác động to lớn, sâu sắc và trực tiếp đối với cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa đến như thế”.
4. Cuộc chuyển giao quyền lực ở Mỹ, Pháp
Ngày 20/1, tỷ phú Donald Trump, 70 tuổi của đảng Cộng hòa chính thức nhậm chức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ với cam kết theo đuổi chính sách “nước Mỹ trước tiên”. Những cam kết tranh cử của ông D.Trump về “hành động một cách khác biệt và làm những điều khác biệt” trong chính sách đối ngoại đã được ông áp dụng kể từ sau khi trở thành chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng.
Dưới vai trò lãnh đạo của ông D.Trump, nước Mỹ đã đề ra nhiều chính sách mới, tác động lớn tới tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa…của thế giới, trong đó phải kể tới việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris; Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO); không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử… Mới đây nhất, ngày 6/12/2017, Tổng thống D.Trump tiếp tục đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm và chính thức công nhân Jerusalem là thủ đô của Israel. Tuy nhiên, Liện hợp quốc đã bỏ phiếu với đa số phiếu không đồng ý với tuyên bố của Tổng thống Mỹ.
Cũng trong năm 2017, Pháp đã trải qua một “cơn địa chấn chính trị” sau khi ứng cử viên Emmanuel Macron, theo chủ trương ôn hòa và đường lối thân châu Âu đã vượt qua một bức tường thành chính trị là bà Marine Le Pen của phe cánh tả để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, trở thành nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp. Ở tuổi 39, ông Macron được biết đến là một người đưa ra những quyết định táo bạo, được lòng tầng lớp người trẻ tuổi và được kỳ vọng là sẽ tạo ra một luồng gió mới cho chính trường nước Pháp.
5. Khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên bị đẩy lên nấc thang mới
Nhiều đời Tổng thống Mỹ đã tỏ rõ quyết tâm ngăn cản Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân thông qua nhiều biện pháp khác nhau, thậm chí là đe dọa hành động quân sự, song đều chưa mang lại thành công. Đầu tháng 9/2017, Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng thử hạt nhân lần thứ 6 và là vụ thử mạnh nhất từ trước tới nay. Theo số liệu thống kê của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, trong năm 2017, Triều Tiên đã thực hiện tổng cộng 20 vụ phóng tên lửa đạn đạo, đáng lưu ý là việc Triều Tiên tuyên bố thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào trên lãnh thổ Mỹ vào tháng 11/2017. Đi kèm theo những hành vi khiêu khích mới của Triều Tiên là những màn đấu khẩu gay gắt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un lại càng khiến tình hình thêm căng thẳng.
Trước bối cảnh trên, Tổng thống D.Trump đã hối thúc Trung Quốc đưa ra lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề Triều Tiên. Các biện pháp tăng cường sức ép về mặt kinh tế, ngoại giao đã được áp dụng song chưa thể khiến Triều Tiên lùi bước trước tham vọng phát triển hạt nhân. Thậm chí kịch bản sử dụng vũ lực cũng đã được tính đến cho dù cái giá của phương án này được cảnh báo sẽ vô cùng thảm khốc. Tình hình này cho thấy, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục đứng trước các sự lựa chọn khó khăn về vấn đề Triều Tiên trong năm 2018.
6. Anh và Liên minh châu Âu (EU) khởi động đàm phán Brexit
Anh chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu rời khỏi EU vào ngày 29/3 - tức 9 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử với kết quả làm chao đảo thị trường tài chính thế giới khi người dân nước này mong muốn kết thúc cuộc “hôn nhân” kéo dài 43 năm với EU.
Vào ngày 8/6, Anh đã tiến hành cuộc tổng tuyển cử sớm theo lời kêu gọi của Thủ tướng Theresa May trong một nỗ lực của nhà lãnh đạo này nhằm nâng cao vị thế trong các vòng đàm phán về Brexit. Tuy nhiên, nước cờ của Thủ tướng Anh đã bị đảo ngược khi đảng Bảo thủ mất quyền đa số tại Quốc hội và đẩy bà May vào một tình thế khó khăn hơn.
Sau nhiều nỗ lực đàm phán, vào ngày 8/12, Brussels và London đã tiến tới một thỏa thuận về các điều khoản liên quan tới Brexit, mở đường cho các vòng đối thoại về mối quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai. Tuy nhiên, ngay cả khi đã đạt được những thỏa thuận ban đầu này thì chặng đường đàm phán phía trước vẫn còn nhiều khó khăn khi các thành viên EU vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung về những chính sách trong quan hệ với nước Anh, còn Quốc hội Anh cũng bảo lưu quyền bỏ phiếu về một thỏa thuận cuối cùng với EU. Trừ khi một thỏa thuận được thông qua vào thời hạn chót là ngày 29/3/2019 hoặc các nước EU phê chuẩn một thỏa thuận gia hạn đàm phán, hoặc nếu không thì Anh sẽ phải chấp nhận một kịch bản “Brexit cứng”.
7. Biến đổi khí hậu toàn cầu tiếp diễn kéo theo các thảm họa thiên nhiên tàn khốc
Dù chúng ta có tin hay không tin thì việc trái đất đang ngày càng ấm dần lên là một điều có thật. Vào tháng 9/2017, Cục Quảng lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) tuyên bố 2017 được ghi nhận là một năm nóng thứ 2 trong lịch sử, sau năm 2016. Cũng vào mùa hè năm nay, các trận bão với sức tàn phá kinh hoàng đã tấn công khu vực Caribbean gây nên thiệt hại 290 tỷ USD và khiến hàng trăm nghìn người bị mất nhà cửa. Phải trải qua nhiều sự thay đổi bất thường của thời tiết đã khiến con người trở nên dày dạn kinh nghiệm ứng phó hơn song vẫn không thể tránh khỏi những thiệt hại ngày càng nặng nề hơn do mật độ dân số gia tăng và cuộc sống phụ thuộc nhiều hơn vào các thiết bị, tiện nghi hiện đại.
Hiện tượng tan băng tại Bắc Cực, Nam Cực hay các sông băng trên thế giới là điều đã được các chuyên gia thời tiết dự báo từ nhiều thập kỷ qua. Và theo nguyên tắc cơ bản thì khi nhiệt độ các đại dương trở nên ấm hơn sẽ gây ra các cơn bão lớn hơn. Những lập luận và những bằng chứng có cơ sở này đã gióng lên một hồi chuông thôi thúc chính phủ các nước cần đưa ra các quyết sách và hành động nhiều hơn nữa trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu - một mối đe dọa không chỉ đối với hiện tại mà còn đối với các thế hệ mai sau.
8. Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị đánh bại, song mối đe dọa vẫn còn hiện hữu
Năm 2014, IS đã gây chấn động thế giới sau khi chiếm đóng một phần lớn lãnh thổ Iraq và lan sang nước láng giềng Syria với một sức mạnh quân sự không ngừng lớn mạnh và tầm ảnh hưởng to lớn đối với các phần tử cực đoan dòng Sunni. Trước bối cảnh trên, cùng năm, Mỹ và 67 quốc gia khác trên thế giới đã hình thành nên một liên minh quốc tế, với nhiệm vụ chủ yếu nhằm đào tạo, trang bị vũ khí và hỗ trợ sức mạnh trên không cho các lực lượng trong khu vực tham gia cuộc chiến chống IS, chủ yếu tại Iraq. Sau đó, đến cuối năm 2015, Nga quyết định tham gia vào sứ mệnh này thông qua việc hỗ trợ lực lượng của chính phủ Syria và quân đội Iran, ngoài việc trực tiếp không kích vào nhiều mục tiêu của IS.
Những nỗ lực đã mang lại thành quả khi vào tháng 11/2017, các nhà lãnh đạo Iraq và Iran đã chính thức khẳng định về một kết cục mà thế giới đã trông đợi từ lâu, đó là IS đã bị đẩy lùi khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng tại Iraq và Syria. Điều này cũng đồng nghĩa với một thực tế rằng, những ngày tháng tung hoành của IS tại 2 quốc gia Trung Đông này đã kết thúc và giờ tàn của nhóm khủng bố khét tiếng này đã điểm.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã bị đẩy lùi tại hai cứ địa chính là Iraq và Syria thì các mối đe dọa từ IS vẫn còn hiện hữu khi duy trì sự hiện diện của mình tại hàng chục quốc gia khác trên thế giới, gồm: Libya, Afghanistan, Philippines và thậm chí cả ở châu Phi. Các mối đe dọa của IS cũng ngày càng lan rộng dưới nhiều hình thức, không chỉ dừng lại ở các phần tử IS rải rác trên thế giới mà còn dưới các hình thức truyền bá tư tưởng cực đoan bạo lực. Điều này tiếp tục đòi hỏi sự chung tay và nỗ lực không ngừng nghỉ của các nước trên thế giới trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
9. Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX
Ngày 18/10, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX đã khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh và kéo dài đến ngày 24/10. Đây được xem là kỳ đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang đứng trước giai đoạn then chốt để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đẩy mạnh phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Theo đánh giá của giới quan sát, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX là một “thành tựu to lớn” nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm 2017 khi tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2. Bên cạnh đó, Đại hội cũng thông qua việc đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào điều lệ đảng.
Kể từ thời Mao Trạch Đông, người sáng lập ra đất nước Trung Quốc hiện đại, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo đương quyền có hệ tư tưởng được ghi nhận và nêu tên chính thức trong điều lệ đảng. Ngoài "Tư tưởng Mao Trạch Đông", điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc còn ghi nhận cả "Lý luận Đặng Tiểu Bình". Đặng Tiểu Bình chỉ được thêm tên vào điều lệ sau khi ông mất vào năm 1997. Tư tưởng mới của ông Tập Cận Bình sẽ là kim chỉ nam cho Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian tới.
10. Công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel - quyết định “phiêu lưu” của Mỹ
Ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có động thái đảo ngược chính sách của những người tiền nhiệm khi chính thức công nhận thánh địa Jerusalem là thủ đô của Israel. Song song với quyết định trên, ông D. Trump cũng công bố kế hoạch di chuyển sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem - một quyết định được cho là sẽ gia tăng căng thẳng ở khu vực và cản trở các nỗ lực hòa bình ở khu vực Trung Đông.
Dù quyết định mang tính “ưu ái” của ông D.Trump đối với chính quyền Tel Aviv ngay lập tức, đã được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng ca ngợi là “cột mốc lịch sử”, song lại bị Tổng thống Palestine gọi là “nụ hôn tử thần” với tiến trình hòa bình Trung Đông và khiến dư luận thế giới “dậy sóng”, nhất là cộng đồng người Ả rập. Tuyên bố mới nhất của ông D.Trump về quy chế của Jerusalem, ngay lập tức cũng đã gây ra một sự chia rẽ về lập trường của nhiều nước trên thế giới, khi được một số nước ủng hộ (cho tới nay có Israel, Guatemala) còn nhiều nước khác lại tỏ rõ lập trường phản đối và thậm chí có động thái hay kêu gọi công nhận thành phố linh thiêng này là thủ đô của Palestine.
Giới phân tích lo ngại rằng, với quyết định “gây bão” về Jerusalem, chính quyền Mỹ có thể sẽ đánh mất vai trò trung gian đáng tin cậy cho việc giải quyết xung đột Trung Đông và loại bỏ cơ hội thực sự để thiết lập lại một quá trình chính trị có ý nghĩa giúp chấm dứt mối quan hệ căng thẳng đã kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa người Palestine và Israel.
Theo dangcongsan.vn