Khi cha mẹ “bất lực” trong giao tiếp với con cái
Ngày đăng: 03/01/2018 09:25
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/01/2018 09:25
Các bậc phụ huynh hiểu câu “thương cho roi cho vọt” theo cách đơn giản là phải dạy con bằng biện pháp mạnh. Tuy nhiên, roi vọt trong câu nói của người xưa cần phải hiểu là để con trải nghiệm, có cơ hội thử thách trong cuộc sống mới rèn luyện được bản lĩnh, nhân cách… Đó là ý kiến của các diễn giả tại cuộc tọa đàm “Bạo lực trẻ em trong gia đình - Hãy lắng nghe con” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo chuyên gia tâm lý Kim Thành là do các bậc làm cha làm mẹ bị stress quá mức, khả năng kiềm chế cảm xúc của họ kém đi, và dù yêu con nhưng không kiểm soát được hành vi, mất tự chủ dẫn đến bạo hành con để giải tỏa căng thẳng. Đặc biệt, vấn đề bạo hành trẻ em vẫn diễn ra ngang nhiên trong gia đình, mặc dù Luật Trẻ em tồn tại nhưng chưa được phổ biến và quyền trẻ em ít được quan tâm xứng đáng trong gia đình và xã hội. Chuyên gia tâm lý Kim Thành cho rằng, các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, đánh con là vi phạm quyền trẻ em, là bạo hành. Đánh không phải hoàn toàn là dạy con.
Do đó, để nuôi dạy con thật tốt, gỡ nút thắt cho mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái đang dần có những khoảng cách vô hình bởi công việc, công nghệ…, các bậc phụ huynh hãy học cách giao tiếp hiệu quả với trẻ, bằng cách đặt câu hỏi với con để con chia sẻ những chuyện khó khăn hay tích cực trong cuộc sống.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, việc hiểu bản đồ tính cách của con cái là vô cùng quan trọng, giúp các bậc làm cha mẹ có phương pháp dạy con sao cho phù hợp nhất để không vướng phải những sai lầm dẫn tới dùng bạo lực với con cái. Và hơn hết, việc trò chuyện, chia sẻ nhiều với con cái sẽ giúp củng cố tình cảm gia đình, đây cũng là cách tốt nhất để giảm bạo lực trẻ em. Hãy để con trẻ có quyền lên tiếng, bày tỏ quan điểm của mình.
Tin, bài: Nguồn Báo Văn hóa; Ảnh: TV