10 sự kiện thể thao Việt Nam năm 2017
Ngày đăng: 03/01/2018 16:35
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/01/2018 16:35
Năm 2017 là năm thành công với hầu hết các môn thể thao cơ bản trong phong trào Olympic của thể thao Việt Nam, nhưng lại là năm thất bại đối với bóng đá nam – môn thể thao được hâm mộ và được quan tâm nhất nước. Điều đó dẫn đến những cảm xúc lẫn lộn cho người hâm mộ.
1/ Đoàn thể thao Việt Nam thành công tại SEA Games 29. Với 58 HCV, 50 HCB và 60 HCĐ, đoàn thể thao Việt Nam giành hạng 3 tại Đại hội thể thao Đông Nam Á. Dù vậy, không phải là chuyện thứ hạng hay số lượng huy chương, mà quan trọng nhất đó là chúng ta thành công ở hầu hết các môn thể thao trọng điểm, vốn là nền tảng của phong trào Olympic quốc tế gồm điền kinh, bơi, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn súng, đấu kiếm,… hay kể cả bắn cung. Đặc biệt, điền kinh Việt Nam lần đầu tiên lên vị trí số 1 Đông Nam Á, với 17 HCV, khiến báo chí Thái Lan giật mình: Nguyễn Thị Huyền vẫn xuất sắc ở các nội dung 400m và 400m rào nữ, Khuất Phương Anh và Vũ Thị Ly tiếp tục giúp chúng ta thống trị các nội dung 800m nam, nữ, trong khi Lê Tú Chinh vụt sáng trở thành “nữ hoàng tốc độ” mới trên bầu trời điền kinh Đông Nam Á.
2/ Đoàn thể thao Người khuyết tật thành công tại Asean Para Games. Với 40 HCV, 61 HCB và 60 HCĐ, đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam đứng hạng 4 chung cuộc tại Asean Para Games năm 2017. Trong số 40 HCV vừa nêu, các VĐV Việt Nam phá 10 kỷ lục đại hội, trong đó có 2 kỷ lục châu Á ở môn cử tạ.
3/ Đội tuyển bóng đá nam thất bại tại SEA Games. Trái ngược với thành công của toàn bộ đoàn thể thao là thất bại ê chề của đội tuyển U22 Việt Nam cũng tại đấu trường SEA Games. Được đầu tư nhiều nhất, nhận được nhiều kỳ vọng nhất, nhưng đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng lại dừng cuộc chơi theo cách cay đắng nhất: Bị loại ngay sau vòng bảng, không thắng trận nào khi gặp các đối thủ trực tiếp, và chỉ thắng được các đội được đánh giá là “lót đường”. Nhưng rồi thật bất ngờ là vào thời điểm cuối năm, U23 Việt Nam với lực lượng tương tự như lực lượng dự SEA Games 29 lại thắng U23 Thái Lan ngay trên đất Thái. Nhiều người tiếc rằng giá như các cầu thủ U23 Việt Nam thi đấu các trận chính thức thanh thoát và tự tin như trong các trận giao hữu, thì chúng ta đã không đến mức bẽ bàng rời SEA Games 29 trong cay đắng.
4/ Kỳ thủ Nguyễn Anh Khôi giành cú đúp HCV giải cờ vua trẻ thế giới. Ở cả 2 nội dung cờ nhanh và cờ chớp, tại giải cờ vua trẻ thế giới năm nay, thần đồng cờ vua ngày nào Nguyễn Anh Khôi đều toàn thắng hết sức thuyết phục. Anh Khôi cũng trở thành kỳ thủ hiếm hoi trong lịch sử cờ vua thế giới, có ngôi vô địch ở 3 lứa tuổi trẻ khác nhau là U10, U12 và U16.
5/ Thạch Kim Tuấn giành 3 HCV giải vô địch cử tạ thế giới. Chinh phục mức tạ 126kg ở nội dung cử giật, 153kg ở nội dung cử đẩy, tổng cử là 279kg, Thạch Kim Tuấn đoạt đến 3 HCV giải vô địch cử tạ thế giới diễn ra vào tháng 11 tại Mỹ, hạng cân 56kg nam, ở 3 nội dung cử giật, cử đẩy và tổng cử.
6/ Đội tuyển bóng bàn nam tạo kỳ tích, phá thế thống trị của Singapore trong suốt 20 năm. Trong khi đội tuyển điền kinh đánh bại cường quốc điền kinh số 1 Đông Nam Á là Thái Lan, thì đội tuyển bóng bàn nam cũng làm được điều tương tự trước thế lực số 1 của làng banh nhựa khu vực là Singapore. SEA Games 29 là kỳ Đại hội đầu tiên sau đúng 20 năm, bộ HCV nội dung đồng đội nam vuột khỏi tay đội tuyển đến từ đảo quốc sư tử, và những người làm được điều đó là đội tuyển bóng bàn nam Việt Nam.
7/ VFF đấu đá nội bộ, bóng đá Việt Nam thiếu người cầm lái. Càng gần đến đại hội nhiệm kỳ 8 của VFF, người ta càng thấy xuất hiện nhiều thông tin hạ uy tín lẫn nhau liên quan đến một số thành viên chủ chốt của VFF. Tuy nhiên, việc VFF lộn xộn, thậm chí có những cuộc đấu đá nội bộ ngấm ngầm xuất phát từ hiện tượng chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng lui vào hậu trường dưỡng bệnh trong thời gian dài, giao quyền quản lý cho cấp phó, trong khi cấp phó được ông Dũng giao việc lại không đủ uy tín và cũng không đủ tầm để lèo lái một tổ chức xã hội nghề nghiệp lớn như VFF. Ở trên, VFF đấu đá quyền lực, ở dưới VPF cũng gây mất niềm tin nơi người hâm mộ, khi họ thất bại trong việc tạo sự hấp dẫn cho giải V-League, giảm sức hút trong mắt nhà tài trợ, khiến phải thay đổi hàng loạt vị trí chủ chốt trong tháng cuối cùng của năm cũ.
8/ Thể thao Việt Nam đứng thứ 9 tại Đại hội Thể thao và Võ thuật trong nhà châu Á (AIMAG 5). Kết thúc đại hội tại Turkmenistan hồi tháng 9 vừa rồi, đoàn thể thao Việt Nam giành tổng cộng 13 HCV, 8 HCB và 19 HCĐ, xếp thứ 9 toàn đoàn. Dù vậy, so với các kỳ đại hội khác trong năm. AIMAG 5 không tạo được nhiều tiếng vang, vì các môn thể thao tại đại hội không được người hâm mộ chú ý nhiều.
9/ Đội tuyển quần vợt nam rớt hạng tại Davis Cup. Thua liên tiếp 2 trận tại Davis Cup năm nay, lần lượt trước Hong Kong (Trung Quốc) và Iran, đội tuyển quần vợt Việt Nam rớt xuống nhóm 3 khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều đáng nói là thất bại của đội tuyển quần vợt Việt Nam trong năm nay chủ yếu đến từ những nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là trong việc chỉ đạo chiến thuật ở các trận đấu cụ thể, nhưng những nhà quản lý vẫn chưa chịu thay đổi.
10/ Làn sóng các VĐV trẻ xuất sắc. Không chỉ có Lê Tú Chinh (20 tuổi) trên đường chạy cự ly ngắn, Nguyễn Anh Khôi (15 tuổi) ở môn thể thao trí tuệ là cờ vua, thể thao Việt Nam trong năm qua còn giới thiệu hàng loạt gương mặt trẻ xuất sắc, sớm đạt thành tích cao. Đấy là Nguyễn Hữu Kim Sơn (15 tuổi), Nguyễn Huy Hoàng (17 tuổi) trong môn bơi, là Chu Đức Anh (21 tuổi) ở môn bắn cung. Điều đáng chú ý là họ đều ở độ “tuổi teen”, hoặc mới vừa bước qua tuổi teen, nhưng đã phá sâu kỷ lục ở các nội dung mà họ thi đấu. Tương lai của họ còn dài, tiềm năng rất lớn, mở ra hy vọng cho thể thao Việt Nam nói chung.
VH: Nguồn: Báo Dân Trí