Ðổi thay trên vùng đất Tây Nguyên
Ngày đăng: 03/01/2018 20:22
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/01/2018 20:22
Những ngày này, Tây Nguyên đang mùa con chim ch’rao, chim phí rủ nhau sải cánh giữa đại ngàn. Mùa nảy những mầm xanh và mùa cà-phê đơm nụ. Giữa đại ngàn xanh thẳm, chúng tôi tìm về những cung đường huyền thoại phía nam Tây Nguyên, để nghe chuyện về "hạt muối năm xưa…".
Trong ký ức của nhiều già làng Cơ Ho, Chu Ru, Ê Ðê… trên miền đất Tây Nguyên, hẳn chưa thể nhạt phai về con đường "đủ bàn chân đi" cắt ngang những cánh rừng, để người miền Thượng gùi sản vật xuống miền biển để đổi và "cõng" về những hạt muối trong sự chờ đợi của cả buôn làng. Qua hành trình "cõng" muối, đã có những mối tình "gừng cay, muối mặn" nảy nở, kết trái đến tận bây giờ. Buôn Ðưng K’si của đồng bào Cơ Ho nằm ở chân núi Bidoup, huyện Lạc Dương (Lâm Ðồng). Ðã qua 70 mùa rẫy, ký ức của già Ha Vương còn vẹn nguyên chuyện cũ: "Xưa, bước ra cửa đã chạm rừng, người ta cứ luồn rừng để đi xuống phía biển. Vào mùa khô, những người đàn ông khỏe mạnh trong gia đình cùng nhau gùi những sản vật của rừng xuống Ninh Thuận để đổi muối". Chàng trai miền sơn cước Sa Lem, diễn giải viên Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, bảo: Hạt muối ngày xưa với người Tây Nguyên quan trọng lắm. Mình còn nhớ như in, ông ngoại Ha Han cùng những người đàn ông khác trong buôn rủ nhau đi về phía biển. "Vài tháng, họ lại gùi rễ cau, đót, dây mây… đi xa nhiều ngày. Sau này mình mới biết là đi đổi muối". Chúng tôi tìm đến những người già ở buôn Ðưng K’si. Ông Sa Nga mở lời: "Ngày ấy đường đi khó lắm, bà con đi đổi muối từ sáng chưa rõ mặt đến khi mặt trời lặn, phải dừng lại làm chòi ngủ trên cây để tránh thú dữ. Luồn rừng mấy ngày liền, có khi cả tuần mới mang được vài cân muối về buôn". Ðồng bào Cơ Ho kể, mỗi lần, những người đàn ông trong gia đình xuôi về miền biển, là ngày những người mẹ, người vợ ở nhà ngóng trông, lo sợ đến mỏi mắt. Nhưng họ không thể thiếu muối. "Muối là vật thiêng, trong các nghi lễ của đồng bào Tây Nguyên bao giờ cũng có muối. Ngày xưa, muối được dành cho những người ốm, hay để làm quà quý tặng nhau", già Sa Nga hồi tưởng. Qua bao hành trình "đổi chác" sản vật, người miền Thượng, miền biển tự nhiên hình thành sự kết nối cộng đồng. Họ sẻ chia, trao nhau những thứ mình thiếu, mình cần. Con đường hạt muối đã gắn kết những mối tình. Và mối tình thủy chung, mặn mòi vị biển của già Sa Nga, người Ra Glai và vợ là người Cơ Ho cũng nên duyên từ con đường hạt muối. Theo phong tục mẫu hệ của người Cơ Ho, ông Sa Nga lên núi ở rể và trở thành người con của núi rừng nam Tây Nguyên. Tuyến đường Trường Sơn Ðông từ thành phố hoa Ðà Lạt vào Ðưng K’Nơh, Lạc Dương, như dải lụa vắt ngang lưng chừng núi. Sức sống mới đã ùa về buôn làng Cơ Ho, xã khó khăn nhất tỉnh Lâm Ðồng. "Ðưng K’Nơh khác xưa rồi. Có đường mới thênh thang, bà con mình không còn sợ mùa mưa nữa", già làng Ha Tang mở lời. Ðưng K’Nơh, theo cắt nghĩa của người Cơ Ho, là "vùng đất bằng thần thoại". Trên bản đồ địa lý và bằng trực quan, đây là vùng đất như ốc đảo, nhưng nay không còn xa xôi, cách trở nữa, khi cung đường Trường Sơn Ðông vắt qua. Cách đây chưa lâu, cứ đến mùa mưa, Ðưng K’Nơh được ví là "ốc đảo" sát nách phố thị, nhu yếu phẩm được gùi vào đây giá đắt gấp chục lần, huyện phải cứu trợ liên tục. "Cực nhất là lúc ốm đau chuyển viện, có người chưa ra khỏi xã đã phải "đưa về", rồi phụ nữ thi thoảng đẻ "rớt" trên đường…", Già Ha Tang kể. Giờ, Ðưng K’Nơh không còn là nỗi ám ảnh mùa mưa nữa. "Ðường nhựa rồi. Con cháu ra huyện, ra tỉnh học cái chữ khỏe lắm. Hàng hóa ở đây đã rẻ như ở huyện…", già Ha Tang vui ra mặt. Con đường ấy, trong ký ức những người con của núi Cơ Ho, Ê Ðê, Gia Rai, Mơ Nông, Cơ Tu… là lối mòn kết nối những buôn làng, nơi dấu chân người đi sau dẫm lên dấu chân người đi trước. Ðó là con đường mà mỗi khi lúa đã về kho, hoa cà-phê phủ trắng nương rẫy, người dân lại đến với nhau để giao lưu văn hóa, đổi hàng hóa nông sản. Trong thời chiến, đường mang "bí danh" Z114. Ðứng trên đỉnh mây của dãy Trường Sơn hùng vĩ, mới thấy rằng, huyết mạch này giờ đây sẽ mở ra cơ hội phát triển cho hơn 50 xã, thị trấn thuộc bảy tỉnh miền trung - Tây Nguyên. |
Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO |
Theo Nhandan.com.vn