Quản lý hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong trường học
Ngày đăng: 07/01/2018 20:02
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/01/2018 20:02
Vừa qua, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại màn nhảy của năm cô gái trong trang phục ngắn bó sát cơ thể với những động tác gợi cảm trước sự chứng kiến của đông đảo học sinh tại một trường trung học phổ thông ở Hà Nội. Mặc dù lãnh đạo nhà trường đã lên tiếng xác nhận đây không phải tiết mục của học sinh nhà trường mà là của một trường văn hóa nghệ thuật trong chương trình quảng bá tuyển sinh, song vẫn khiến dư luận xôn xao với những ý kiến trái chiều.
Một số người cho rằng, trong xã hội hiện đại, việc trình diễn điệu nhảy nêu trên có thể chấp nhận được, nhất là khi các học sinh đã trên 16 tuổi. Nhưng phần lớn ý kiến nhận xét, một tiết mục biểu diễn theo kiểu khoe các đường cong cơ thể như vậy chỉ phù hợp ở các vũ trường, quán ba hay sự kiện mang tính giải trí, không nên trình diễn trong môi trường học đường. Câu chuyện này làm nhiều người nhớ đến màn trình diễn từng khiến dư luận bất bình của các nam sinh tại một trường trung học phổ thông cũng ở Hà Nội khi có tiết mục phản cảm trong chương trình biểu diễn văn nghệ. Trong nhịp sống hiện đại với xu thế hội nhập quốc tế, việc tiếp cận những trào lưu, loại hình nghệ thuật hiện đại là tất yếu, nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Song, tiếp cận đến đâu, biểu diễn gì và như thế nào thì phải lựa chọn, cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp với từng môi trường, hoàn cảnh, văn hóa và đối tượng phục vụ khác nhau. Một tiết mục nhảy nhót quá gợi cảm, hở hang không thể phù hợp trong không gian công cộng hoặc có tính mô phạm. Trong nhà trường, nhất là các bậc học phổ thông, điều này càng cần được chú trọng hơn bởi các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở trường học còn mang tính giáo dục thẩm mỹ cho học sinh - lứa tuổi chưa thật sự định hình được tư duy thẩm mỹ, kỹ năng thưởng thức nghệ thuật. Sự việc nêu trên còn đặt ra vấn đề về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc kiểm soát nội dung các chương trình văn hóa, nghệ thuật, phim ảnh… diễn ra trong trường học. Rõ ràng, nếu lãnh đạo nhà trường không sơ suất thả nổi chương trình cho đơn vị quảng bá tuyển sinh tự tổ chức, mà thực hiện khâu tổng duyệt trước đó thì sẽ không để “lọt sạn” tiết mục gây tranh cãi như vậy, hoặc có thể điều chỉnh tiết mục cho phù hợp hơn với đối tượng thưởng thức. Ðược biết, nội dung cần phải kiểm duyệt các tiết mục văn nghệ ở trường học cũng đã được Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội hướng dẫn, đưa vào cuốn sách giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh Hà Nội. Trong bối cảnh văn hóa giải trí thị trường lấn át với nhiều biểu hiện lệch lạc về thẩm mỹ biểu diễn, việc phải định hướng, nâng cao thẩm mỹ trong thưởng thức nghệ thuật càng trở nên quan trọng. Việc giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật phải được thực hiện ngay trên ghế nhà trường. Vì thế, các cấp quản lý, lãnh đạo các trường học cần có sự định hướng, đầu tư nghiêm túc hơn về việc xây dựng, tổ chức, kiểm soát chất lượng các chương trình biểu diễn nghệ thuật vừa bảo đảm tính thẩm mỹ, vừa có giá trị giáo dục, nhân văn. |
Nguồn: Nhandan.com.vn