Nỗi buồn buôn cổ M’liêng
Ngày đăng: 08/01/2018 05:03
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/01/2018 05:03
Ai đến được buôn M’liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cũng có thể cảm nhận được bản sắc Tây Nguyên hoang sơ, hùng vĩ còn đậm đà trong những nếp nhà dài phên nứa, chứa đầy những giá trị văn hóa truyền thống của người M’nông R’lăm. Đây cũng là nơi đã được nhà nước đầu tư bảo tồn và phát triển, nhưng…
Linh hồn dân tộc
Giữa buổi chiều se lạnh, tôi đắm mình trong không gian buôn M’liêng thanh bình, cổ kính như một Tây Nguyên của hàng trăm năm trước. Hoàn toàn đối lập với không khí phố sá sôi động của thị trấn Liên Sơn cách đó khoảng 2km, M’liêng là buôn còn giữ được nét văn hóa truyền thống của người M’nông khi đã ít nhiều giao thoa với văn hóa Êđê.
Những nhà sàn dài được phân bố tập trung trên một khu đất rộng, xung quanh bao bọc bởi những tán cây xanh rì. Thấp thoáng phía sau phên nứa là dáng ngồi của những phụ nữ chăm chỉ bên khung cửi dệt thổ cẩm. Theo dòng chảy thời gian, buôn M’liêng vẫn sống và đẹp như thế.
Trong ánh hoàng hôn, nhìn già Y San, tôi cứ ngỡ một bức tượng nhà mồ Tây Nguyên với nét mặt chứa đựng tâm trạng bí ẩn được các nghệ nhân khắc họa. Già cất giọng chậm rãi: Nếu mai này không còn ngôi nhà dài nguyên bản, không gian đánh chiêng cũng không còn, thì kéo theo đó, các phong tục tập quán, nghi lễ, nhiều sinh hoạt truyền thống tốt đẹp khác nữa của cộng đồng cũng sẽ mất đi.
Số phận của buôn sẽ ra sao khi những người già về với Giàng. Có nhiều người vào hỏi mua chiêng nhưng mình quyết không bán, mà để giữ lại cho con cháu. Bây giờ nhiều người không quý cồng chiêng như xưa đâu. Bọn trẻ thích chơi ghi ta nghe nhạc nhẹ, ráp, nhảy hiphop hơn là đánh cồng chiêng, múa xoang, nghe hát dân ca. Lễ hội xưa giờ gần như chỉ còn trong tâm trí người già thôi.
Khoảng lặng giữa buôn
Trước đây, phải chờ đợi những chuyến đò ngang dập dềnh trên hồ Lắk để sang buôn M’liêng, bây giờ đường nhựa êm ru từ quốc lộ vào tận buôn. Cảnh trao đổi hàng hóa diễn ra tấp nập. Già Y San đã sống ở đây hơn sáu mươi mùa rẫy cho hay: Khi buôn M’liêng được Nhà nước chọn làm điểm đầu tư, bảo tồn buôn cổ cho cả tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, buôn làng trở nên khang trang hơn. Hai trục đường nội bộ trong buôn đã được bê tông hóa, dọc theo đó là những nếp nhà dài truyền thống được bà con gìn giữ, hoặc làm mới theo quy hoạch của dự án bảo tồn buôn cổ. Hai bến nước đầu và cuối buôn cũng được sửa sang lại sạch đẹp hơn.
Thế nhưng, bên cạnh sự phấn chấn do cuộc sống đang ngày càng khởi sắc của lớp trẻ, còn có nỗi lo của người già buôn M’liêng trước sự thay chuyển quá nhanh, từ ban sơ sang hiện đại của không gian sống mà đồng bào đã duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo cán bộ Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk: Tháng 4/2006, Bộ VHTTDL đã cho phép Sở VHTTDL Đắk Lắk triển khai Dự án Bảo tồn buôn văn hóa truyền thống M’liêng, với mục tiêu xây dựng, bảo tồn buôn M’liêng với đầy đủ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người M’nông R’lăm. Dự án đầu tư cho buôn M’liêng được triển khai từ năm 2009 đến năm 2015 với nhiều hạng mục. Sở VHTTDL Đắk Lắk đã phối hợp với Ban tự quản buôn M’liêng chọn ra 6 hộ khó khăn nhất được bảo tồn nhà truyền thống.
Đến cuối năm 2009, những ngôi nhà theo đúng kiến trúc truyền thống đồng bào M’nông R’lăm của buôn hoàn thành. Thông qua việc bảo tồn đã tuyên truyền, giáo dục cho mọi người dân trong buôn có ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa của cộng đồng. Đặc biệt đã phát huy các ngành nghề truyền thống (như dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực) để phục vụ khách du lịch, nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng. Dự án bảo tồn buôn văn hóa truyền thống M’liêng đã làm thay bộ mặt và tìm lại được một chút dáng hình cổ xưa của buôn.
Từ năm 2015 đến nay, dự án của Bộ đã hết, Sở VHTTDL Đắk Lắk vẫn bảo tồn theo nghị quyết của tỉnh về bảo tồn văn hóa chung các buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Dù rằng vẫn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý giá, nhưng buôn M’liêng đang đứng trước nhiều thử thách giữa bảo tồn và phát triển.
Nhiều nhà dài đã xuống cấp, trong khi rừng không còn những cây đại thụ để lấy gỗ sửa chữa. Trong làng còn nhiều nhà giữ được chiêng cổ, ché cổ, ghế K’pan, nhưng những người biết diễn tấu chiêng hay thuộc chuyện cổ, hát Ay Ray, chơi các nhạc cụ dân tộc thì không còn mấy ai và họ không còn đam mê.
Rời buôn mang theo những cơn gió đẫm mùi lúa mới, tôi ám ảnh mãi lời nói của già làng. Rồi một ngày khi “nó” (buôn M’liêng) không còn là chính “nó” thời gian sẽ xóa đi bảo tàng quý giá này.
Nguyễn Thảo
Theo Tienphong.vn