Người giữ "lửa" nghề dệt thổ cẩm
Ngày đăng: 09/01/2018 21:56
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/01/2018 21:56
“Lúc nhỏ mình chưa yêu thích nghề dệt thổ cẩm nên không học hỏi nhiều. Sau khi chồng mất, muốn lấp đầy thời gian rảnh rỗi để khỏi suy nghĩ chuyện buồn mình mới bắt đầu học dệt. Từ đó yêu thích nghề truyền thống của ông bà...”, đó là tâm sự của bà H’Jih Ayun (SN 1957) ở buôn Knia (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar).
Làm quen với nghề dệt khi đã 42 tuổi, nên những ngày đầu mới học, bà H’Jih cũng thấy khó lắm. Chẳng có ai chỉ dạy, phải tự mày mò, lúc thì quên luồn chỉ, lúc thì nhầm sợi hoa văn nhưng bà vẫn không nản lòng. “Khi mới đầu tập dệt mình cũng thấy xấu hổ lắm, toàn phải dệt lén, không dám cho ai biết. Nhiều khi thấy một kiểu hoa văn đẹp lại về suy nghĩ, dệt đi dệt lại đến khi thành công mới thôi. Đến khi quen rồi thì mới thấy đơn giản, làm cũng nhanh hơn, thành thạo hơn...”, bà nhớ lại.
Từ những sản phẩm đầu tay với mẫu mã, kiểu dáng đơn giản để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, bà tiếp tục miệt mài dệt, may thêm nhiều sản phẩm khác và mạnh dạn đưa đi chào bán. Nhận được những lời khen ngợi, góp ý chân tình bà càng nỗ lực nâng cao tay nghề và dần trở thành người dệt thổ cẩm có tiếng tại địa phương. Đến năm 2006, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thổ cẩm Ea Tul thành lập, bà được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã.
Trong tình trạng hoạt động “lay lắt” của các hợp tác xã dệt thổ cẩm, để tìm được hướng đi mới là một trọng trách nặng nề đối với bà H’Jih trong vai trò người đứng đầu hợp tác xã. Bao nhiêu khó khăn đặt ra, từ việc đào tạo xã viên đến tìm đầu ra cho sản phẩm..., bà đã cùng Ban quản trị Hợp tác xã bàn bạc, điều hành, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Nhờ đó danh tiếng của Hợp tác xã dần được biết đến, một số đơn vị, cá nhân từ các tỉnh, thành phố cũng như ở địa phương đã tìm đến đặt hàng. Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn đang còn là bài toán khó, là nỗi trăn trở của bà. “Hợp tác xã có hơn 10 xã viên nhưng nghề dệt thổ cẩm chỉ đem lại thu nhập phụ cho gia đình. Không phải chị em không tập trung thời gian để làm, mà do Hợp tác xã không dám huy động làm hết công suất, bởi sợ hàng làm ra tồn đọng, không đủ kinh phí để trả công cho mọi người. Mình vẫn thường động viên chị em gắn bó với nghề không chỉ vì mục đích kinh tế mà còn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của ông bà để lại...”, bà H’Jih chia sẻ.
Ngoài nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, bà H’Jih còn dành nhiều thời gian, tâm huyết đào tạo xã viên nhằm nâng cao tay nghề, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Từ năm 2008 đến nay, bà H’Jih đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia giảng dạy hơn 10 lớp dệt thổ cẩm cho hơn 300 học viên tại địa phương trên địa bàn tỉnh. “Thấy các học viên tích cực học hỏi, say mê với nghề dệt mình vui lắm và sẵn lòng truyền hết những kiến thức, kỹ năng để các em nhanh chóng nắm bắt, hoàn thiện tay nghề hơn...”, bà nói trong niềm tự hào. Với bà H’Jih, mỗi học viên hoàn thành khóa học, tự tay làm ra các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình là sự tiếp nối của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ nghề dệt truyền thống.
Lan Anh
Nguồn: báo Đắk Lắk