Phê bình nghệ thuật đương đại cần làm gì và cho ai?
Ngày đăng: 17/01/2018 13:59
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/01/2018 13:59
Đã qua rồi cái thời các nhà phê bình nghệ thuật tự coi mình là những người “cầm cân nẩy mực”. Chính vì khư khư bám lấy khái niệm “cầm cân nẩy mực” hoặc tự cao tự đại về cái uy quyền “quá vãng” trong thế giới nghệ thuật, nên giới phê bình ngày càng trở nên lạc hậu với khung cảnh nghệ thuật đương đại.
“Cầm cân nẩy mực” và phương tiện truyền thông xã hội mới
Khác với các phương tiện truyền thông truyền thống, ngày hôm nay, có nhiều môi trường truyền thông xã hội đã trở thành những hình thức quan trọng đối với việc phổ biến các loại hình phê bình thân thiện hơn, dân chủ hơn. Thật vậy, các trang mạng xã hội, blog hay facebook, đã trở thành môi trường quan trọng có sự tham gia của các ý kiến phê bình/ bình luận đa dạng. Trong trường hợp này, ví dụ như với những người sử dụng facebook, người đưa thông tin và người tiếp nhận thông tin đều phải thực sự là “bạn bè” của nhau - ở nghĩa rộng, nghĩa là có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp, ít nhất là có “kết bạn” với nhau trên facebook. Do đó, những cuộc tranh luận trên mạng của họ luôn được sự quan tâm chung của cộng đồng bạn bè “friend”, luôn thẳng thắn, chân tình và phóng khoáng.
Trên thế giới ngày hôm nay vẫn tồn tại những nền kinh tế văn hoá có thứ bậc - coi trọng những ý kiến nhất định, ví dụ, của các lão làng hay các tờ báo già đời. Tại nhiều nước, những tờ báo khổ lớn vẫn có uy tín không hề thua kém các tạp chí nghệ thuật chuyên ngành quan trọng như Art Forum và Frieze; vẫn còn nhiều tạp chí hay phương tiện truyền thông chủ lưu mà ở đó, các curator, nghệ sỹ và các nhà lý thuyết thường tranh luận một cách hào hứng bằng những “giọng điệu” chuyên nghiệp và có nguyên tắc. Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông mở hơn, ví dụ như facebook, mọi người dùng đều có khả năng và có quyền đề cập đến nghệ thuật (tác giả, tác phẩm, xu hướng, trào lưu,…) như nhau, và thậm chí là “phi nguyên tắc”. Điều này đã tạo nên một môi trường thông tin cởi mở và năng động hơn rất nhiều. Và dù cho trên các phương tiện truyền thông chủ lưu, các nhà phê bình vẫn có thể còn đóng vai trò nhất định của các “trọng tài” hay “người phán quyết”, song độc giả ngày hôm nay đã là những người đọc am hiểu nghệ thuật và có thể có nhiều cách, nhiều môi trường, phương tiện để đưa ra những đánh giá thẩm mỹ của cá nhân mình.
Phê bình giúp công chúng “xem” hay mua tác phẩm nghệ thuật?
Ngày nay, nhà phê bình nghệ thuật đương đại không thể nói chắc chắn liệu cái gì tốt và cái gì tồi. Giờ đây, phê bình nghệ thuật tốt là giúp công chúng “xem” tác phẩm nghệ thuật chứ không giải thích và “đóng đinh” ý nghĩa; chỉ “gợi mở” và giúp công chúng tiếp cận được tư duy, ý niệm của tác giả, tác phẩm. Nói chung, điều có nghĩa là nhà phê bình nghệ thuật đương đại cần đặt các tác phẩm nghệ thuật vào trong một phạm vi, bối cảnh thực hành nghệ thuật nhất định, giúp cho công chúng thấy được tác phẩm liên quan đến các phương thức thực hành như thế nào và vì sao chúng ra đời; để người xem tự đưa ra quyết định về các giá trị của tác phẩm.
Rất nhiều các nhà phê bình đương đại bây giờ là bạn bè gần gũi với các nghệ sỹ, thường trò chuyện, trao đổi với họ. Nhà phê bình đương đại tốt là người năng đến thăm các studio, hiểu rõ bối cảnh ra đời của tác phẩm và công việc của người nghệ sỹ. Công việc phê bình nghệ thuật ngày càng là một quá trình mang tính hợp tác hơn, ít độc đoán hơn.
Tuy nhiên, rủi ro chính trong lối tiếp cận này là: nhà phê bình có thể bị chủ đề của mình cuốn hút và không có một “khoảng cách” đủ để quan sát khách quan và giữ cho ngòi bút của mình sự công bình cần thiết.
Robert Hughes, một người theo chủ nghĩa hiện đại kiên định, thường từ chối mua bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào của những nghệ sỹ cùng thời với mình để tránh bị tác động từ ngoại cảnh. Nhà phê bình nghệ thuật người Đức Boris Groys cũng chỉ ra rằng việc gần gũi với các nghệ sỹ sẽ hạn chế khả năng của nhà phê bình đưa ra những bình luận đại diện cho công chúng - nếu đây vẫn là mục tiêu của phê bình đương đại - bởi vì người viết khi đó sẽ bị “nhúng” vào trong bối cảnh của nghệ sỹ, và ít nhiều cũng bị chi phối bởi mối quan hệ thân tình.
David Hickey, một trong những nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng nhất của Mỹ cho biết: “trong trường hợp tồi tệ nhất, nhà phê bình rất có thể bị biến thành “người quản gia” cho một gallery hoặc làm kẻ môi giới giữa gallery và người mua.” Vì vậy, khi những nhà sưu tầm có tiềm năng tìm đến các gallery để tìm hiểu tác giả và tác phẩm, các nhà phê bình nên đóng vai trò của người tư vấn nghệ thuật cho những người sành sỏi chứ không nên đi lạc sang các vấn đề khác - chẳng hạn như “làm thế nào để đầu tư kiếm lời trong nghệ thuật (?!) - mà trong thực tế, có không ít các nhà phê bình đã vô tình hay cố ý mắc phải “lỗi” muốn “làm doanh nhân” này.
Viết cho độc giả chuyên ngành hay cho quần chúng đông đảo?
“Cái chết của phê bình nghệ thuật” mang tính học phiệt, thống trị dòng báo chí chủ lưu từ lâu đã là nguyên nhân chính khiến cho các xu hướng “phê bình đại chúng” nở rộ. Các nhà phê bình “cấp cơ sở” (một dạng “phê bình phong trào”) vẫn có thể thành công khi họ am hiểu và nhận chân được trong hằng hà sa số sản phẩm do ngành công nghiệp nghệ thuật và các “tay chơi” của nó tạo ra mỗi giờ, đâu là “đặc sản”, đâu là “món lẩu”.
Giống như bất kỳ lĩnh vực nào, độc giả có trình độ ngày hôm nay ngày càng trở nên những người nắm vững ngôn ngữ của trò chơi, thuật ngữ và lịch sử của nó. Và đấy cũng là điều đáng mừng cho phê bình nghệ thuật. Dù bất cứ là trang thể thao, trang tài chính hoặc trang nấu ăn, những người yêu thích các lĩnh vực đó đều có thể tham gia vào việc phổ biến thông tin về kỹ thuật và chuyên ngành. Vậy thì các độc giả gắn bó với nghệ thuật bằng tất cả niềm mê say cuồng nhiệt không thua kém bất kỳ fan hâm mộ thể thao nào (có thể thuộc tên người chơi và huấn luyện viên yêu thích của mình trong suốt hàng thập kỷ) cũng có thể đóng góp những ý kiến xác đáng cho nghệ thuật.
Ngày hôm nay, song song với mảng phê bình chuyên nghiệp dành cho giới chuyên môn, một số lối viết về nghệ thuật mang tính phổ cập hơn và hàm chứa cả những yếu tố giải trí là một xu hướng “phê bình đại chúng” cũng được độc giả quan tâm và nhiều hệ thống truyền thông đại chúng ưa chuộng.
Ngày hôm nay, nếu giới phê bình nghệ thuật chấp nhận rằng họ đang nói chuyện với một “đám đông” có trình độ, quan tâm và yêu thích nghệ thuật, thì họ mới có khả năng xây dựng nên nền móng cho một ngành phê bình nghệ thuật đương đại ít học phiệt hơn, sôi động hơn và mang tính thời đại hơn. Đây cũng là hy vọng để nghệ thuật ngày hôm nay thực sự tồn tại như - nó - đáng - là và sẽ phát triển trong tương lai và vẫn có những bối cảnh, sân chơi thú vị dành cho các nhà phê bình nghệ thuật.
Theo ape.gov.vn