Giáo dục truyền thống qua di tích lịch sử
Ngày đăng: 19/01/2018 10:13
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 19/01/2018 10:13
Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa đã được tỉnh Đắk Lắk quan tâm đúng mức. Thông qua hoạt động tham quan, giới thiệu về các di tích, ngành chức năng đã thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh. PV Trang Thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có cuộc trao đổi với bà H’LIM NIÊ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xung quanh nội dung này.
* Xin bà cho biết thực trạng cũng như kế hoạch của ngành về bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phục hồi các di tích lịch sử, kiến trúc, văn hóa, danh lam thắng cảnh và di tích tiềm năng trên địa bàn tỉnh?
- Thời gian qua, ngành VHTTDL đã có nhiều nỗ lực trong chủ trì, phối với các sở, ban, ngành, địa phương khảo sát, lập hồ sơ khoa học về di tích, trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận và xếp hạng. Toàn tỉnh hiện có 64 di tích, trong đó có 28 di tích đã được công nhận và xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 18 di tích quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh) và 36 di tích tiềm năng.
Căn cứ Quy hoạch phát triển văn hóa và Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trong giai đoạn từ năm 2015-2020,Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai một số đề án về trùng tu, tôn tạo các di tích quan trọng, như: Đình Lạc Giao, Đồn điền CADA, Nhà 57 đường Lý Thường Kiệt, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại, Khu căn cứ kháng chiến Cư Ju - Dliê Ya… Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng dự thảo Đề án trùng tu, tôn tạo Nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại để lấy ý kiến các ngành, địa phương, tiếp tục hoàn thiện đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Căn cứ Quy hoạch, Kế hoạch của UBND tỉnh, nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh đầu tư phát triển văn hóa, Sở VHTTDL tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương, tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành Đề án bảo vệ di tích, trong đó lựa chọn và ưu tiên những di tích có giá trị tiềm năng tiêu biểu để phát triển du lịch, những di tích thật sự cấp thiết để trùng tu, tôn tạo, tránh nguy cơ bị hủy hoại, xuống cấp như hiện nay.
*Hiện nay, học sinh phổ thông ít “mặn mà” với việc học lịch sử. Sự hiểu biết về lịch sử hình thành và phát triển của địa phương mình đang sinh sống còn hạn chế. Theo bà, những giá trị lịch sử và văn hóa trên địa bàn tỉnh có thể là những bài học giúp cho học sinh học phổ thông hiểu thêm được lịch sử của Đắk Lắk?
Việc học sinh phổ thông ít chú ý đến lịch sử, hiểu biết về lịch sử hình thành và phát triển của địa phương nơi mình đang sinh sống còn hạn chế khiến dư luận đang quan tâm như hiện nay là có cơ sở. Với việc dạy và học sử ở trường còn nặng nề về lý thuyết, chỉ quan tâm đến việc mô tả, thống kê các sự kiện, “thắng thua, được mất”, yêu cầu học sinh học thuộc, ít chú ý đến việc phân tích, đánh giá sự kiện, tìm hiểu nguyên nhân tại sao sự kiện đó lại xảy ra, các giải pháp, sách lược đề ra như thế nào đối với từng sự kiện; phương pháp truyền đạt chưa hấp dẫn, việc lấy ví dụ thiếu tư liệu, hình ảnh sống động để minh họa, chưa gắn liền với các hoạt động trải nghiệm thực tế dẫn đến thực trạng nêu trên.
Để học sinh quan tâm đến việc học sử, ít nhàm chán môn học này, trong việc dạy và học cần có sự thay đổi phương pháp; ngoài dạy học trên lớp, cần tổ chức các chương trình ngoại khóa, tham quan thực tế, giúp học sinh hiểu rõ hơn, sâu hơn về lịch sử dân tộc, đất nước và quê hương, theo phương pháp học mô hình trải nghiệm, để học sinh hiểu rõ hơn, sâu hơn về giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử là điều cần thiết.
Về phía ngành VHTTDL, các đơn vị chức năng của Sở đã phối hợp với một số trường học, tổ chức các chương trình ngoại khóa, học bằng phương pháp trải nghiệm, tạo điều kiện cho học sinh tham quan thực tế tại bảo tàng, di tích, tổ chức trưng bày lưu động với nhiều chuyên đề để giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục,nâng cao sự hiểu biết về truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước, địa phương, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn.
Hiện chúng tôi đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh, Ban Quản lý Di tích của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phối hợp giáo dục cho học sinh về văn hóa, lịch sử thông qua phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Bên cạnh việc đưa học sinh đến với Bảo tàng, Nhà đày Buôn Ma Thuột, thì việc tổ chức các hoạt động của Bảo tàng, ban Quản lý Di tích, Thư viện tỉnh tại các trường học ở các vùng sâu, vùng xa là minh chứng rõ nét nhất cho sự phối hợp này.
*Xin cảm ơn bà!