Thị phần chiếu phim và câu chuyện đầu ra cho Điện ảnh Việt
Ngày đăng: 20/01/2018 20:42
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/01/2018 20:42
Nếu Nhà nước không có sự điều chỉnh chính sách thì trong 5 năm nữa, thị phần chiếu phim có thể sẽ hoàn toàn thuộc về các công ty nước ngoài.
Là đơn vị chiếu phim duy nhất thuộc quản lý của Nhà nước, Trung tâm Chiếu phim quốc gia không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo chức năng mà ngày càng thu hút đông đảo khán giả, góp phần làm “đối trọng” với hệ thống rạp chiếu nước ngoài đang nở rộ ở Việt Nam. Tuy nhiên, người đứng đầu Trung tâm này cho rằng, nếu Nhà nước không có sự điều chỉnh chính sách thì trong 5 năm nữa, thị phần chiếu phim sẽ hoàn toàn thuộc về các công ty nước ngoài và khi ấy, chúng ta sẽ không còn đầu ra cho Điện ảnh Việt.
Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt đầu tư vào hệ thống chiếu phim ở Việt Nam và dần chiếm ưu thế nhờ có nhiều phòng chiếu, từ đó, họ có quyền áp đặt tỉ lệ ăn chia, giờ chiếu… đối với các phim Việt. Và nếu cứ như vậy, chỉ trong vài năm nữa, Điện ảnh Việt sẽ không thể chủ động đầu ra. Câu chuyện này đã được bàn thảo trong nhiều năm qua song vẫn chưa có lời giải. Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Danh Dương- Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
+ Thưa ông, chủ trương của Bộ VHTTDL coi Điện ảnh là một trong các ngành hàng đầu để thực hiện công nghiệp văn hóa. Ông có thể cho biết, đánh giá của ông về công nghiệp Điện ảnh Việt hiện nay?
- Phải xác định, coi Điện ảnh là một ngành đi đầu trong công nghiệp văn hóa, là chủ trương đúng và không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đều như vậy.
Đối với nền điện ảnh và công nghiệp điện ảnh, số lượng rạp là một trong những điều quyết định sự phát triển, muốn sản xuất được thì phải có đầu ra. Tuy nhiên, kể từ năm 2008, khi thế giới thay đổi hệ thống công nghệ từ phim nhựa chuyển sang video, địa vị của các rạp nhà nước gần như không tồn tại, hầu như chỉ có rạp và có tên chứ hầu hết không hoạt động được. Trong khi đó đến thời điểm này các doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm tới trên 60% số lượng rạp. Một doanh nghiệp nước ngoài nói thẳng với tôi rằng: “Việt Nam là cái mỏ vàng trong các khoản đầu tư. Và từ nay cho đến năm 2020 họ sẽ đầu tư cho riêng công ty chiếu phim khoảng 15%/năm”. Chúng tôi cũng nói với nhau rằng chỉ trong vòng 5 năm nữa thôi thì số lượng phòng chiếu trên cả nước Việt Nam sẽ có đến 85% là của người nước ngoài. Khi đó thì toàn bộ nền công nghiệp phim truyện của nước ta sẽ không có cơ hội phát triển, kể cả phim có ra được rạp thì cũng chỉ thu được tỉ lệ rất thấp và phải làm theo ý họ thì họ mới chấp nhận chiếu ở rạp của họ.
+ Vậy, ngành Điện ảnh của chúng ta đang phải đối diện với những khó khăn nào, thưa ông?
Tôi nghĩ đó chính là sự “xâm lăng” văn hóa trong lĩnh vực điện ảnh, và nếu như nhà nước không có những chính sách kịp thời thì trong 5 năm nữa chúng ta sẽ mất đi toàn bộ thị phần về điện ảnh. Nhưng thị phần điện ảnh không quan trọng bằng sự mất mát về văn hóa. Bởi vì hiện nay, một trong những phương thức quan trọng về tuyên truyền văn hóa là thông qua điện ảnh.
Bên cạnh những khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật hay nguồn kinh phí thì tình trạng xã hội hóa cũng đang là vấn đề thử thách cho các doanh nghiệp điện ảnh của nhà nước. Điển hình chung là việc chúng ta đang lâm vào tình trạng quá phụ thuộc vào các nhà phát hành phim truyện. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ cho sự phát triển và gây dựng vị thế của các trung tâm chiếu phim, rạp chiếu.
Chúng ta, từ xưa tới nay cứ quan niệm rằng đối với điện ảnh là phải chú ý đến phần sản xuất phim, không bao giờ chú ý đến đầu ra, đến xây dựng cơ sở hạ tầng cả. Đây là một suy nghĩ sai lầm, chính lý do đó đã khiến cho Điện ảnh Việt Nam hiện nay gặp không ít những khó khăn.
+ Có một thực trạng là các trung tâm chiếu phim và các rạp đều chịu sự ảnh hưởng lớn từ các nhà phát hành phim, ông đánh giá sao về việc này?
- Điều này hoàn toàn đúng, bản thân Trung tâm Chiếu phim Quốc gia trong quá trình hoạt động hoàn toàn lệ thuộc vào các nhà phát hành phim. Chúng tôi không có điều kiện để mặc cả về tỉ lệ. Và thực tế là nếu mình không làm chủ được và không chấp nhận tỉ lệ của họ thì sẽ không có phim nên đành phải thuận theo họ. Trong trường hợp nếu như muốn trao đổi với họ hoặc kiện họ cũng khó. Bởi những điều khoản trong hợp đồng có quy định rõ, 5 năm mới được công bố. Cho nên đây cũng là một trong những nội dung mà tất cả những doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các đơn vị nhỏ, không có bất cứ một lợi thế nào trong hoạt động cạnh tranh ở phim trường.
+ Thực trạng ở các địa phương, do gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động như kinh phí, nguồn phim, nhân lực … nên các Trung tâm chiếu phim, phòng chiếu phim đều sáp nhập với Phòng văn hóa, tồn tại nhưng không hoạt động. Ông nghĩ sao về điều này?
Việc xuống cấp của các phòng chiếu ở địa phương qua thời gian dài và những khó khăn của họ là điều có thể nhận thấy. Có những rạp xây từ năm 60 tới giờ như ở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên chẳng hạn. Các tỉnh đều mong không đầu tư, họ muốn sáp nhập vào một trung tâm văn hóa với chỉ một phòng chiếu, điều này rất đáng báo động bởi vì nếu như điện ảnh chỉ có một phòng chiếu không thôi thì mức độ tồn tại chỉ mang tính hình thức.
Trước nay mọi người đều dành cho điện ảnh vị trí đẹp nhất, trung tâm nhất. Đến bây giờ, khi mà chuyển đổi về công nghệ, các tỉnh cũng không đầu tư thì sao có thể phát triển được? Chúng ta thử nghĩ xem, đến ngôi nhà của mình chỉ đi vắng có 10 ngày thôi mà về nó đã ẩm mốc, còn đây để từ năm 2008 đến bây giờ thì nó thành cái gì? Và khi không hoạt động nữa, các vị trí đẹp ấy sẽ được các doanh nghiệp nhảy vào, cùng với việc sáp nhập phòng chiếu vào các phòng văn hóa, thế là điện ảnh "chết".
+ Vậy trong xu thế chung của sự phát triển điện ảnh thế giới, nền công nghiệp điện ảnh của Việt Nam cần làm gì để cố gắng xây dựng được vị thế của mình trong lòng công chúng và bạn bè quốc tế?
Tôi tin là điện ảnh sẽ hái ra tiền bởi vì, ít nhất, hiện nay phim ảnh là thường nhật rồi. Vì vậy, ngoài việc được Đảng và Nhà nước quan tâm, các doanh nghiệp cũng nên tự chuyển mình, tự cải tạo và sáng tạo, đi những bước phát triển mới, táo bạo. Từ đó sẽ thu hút được sự đầu tư cũng như sự quan tâm của công chúng yêu phim truyện.
Ngoài ra, việc đầu tư các trang thiết bị vật chất, kỹ thuật và chất lượng phim cũng là một vấn đề lâu dài cần phải sớm giải quyết, từ đó giảm bớt những khó khăn trong công tác phát hành phim cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nên chủ động trong công tác nhân lực của mình, tránh để tình trạng thiếu hoặc thừa nguồn lao động.
+ Xin cảm ơn ông!
Theo Toquoc.vn