Đào tạo nguồn nhân lực du lịch: Cần định hướng và đầu tư đúng hướng
Ngày đăng: 20/01/2018 21:03
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/01/2018 21:03
Tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch trong những năm gần đây là mảng sáng của nền kinh tế Việt Nam. Để trở thành 1 trong 3 ngành chủ lực, Du lịch đang còn nhiều việc phải làm, một trong số đó là đào tạo nguồn nhân lực. Các chuyên gia cho rằng, cần phải có mô hình tốt để nhân rộng nhằm đào tạo có hiệu quả, tránh phải đào tạo lại.
Những con số phải suy ngẫm
Năm 2017, Du lịch Việt Nam đã đón gần 13 triệu khách quốc tế, trên 73 triệu lượt khách nội địa với doanh thu gần 511 nghìn tỷ đồng (khoảng 23 tỷ USD). Năm 2018, dự kiến sẽ đón 15 - 17 triệu lượt khách quốc tế và 78 triệu lượt khách nội địa. Đây được xem là kỳ tích tăng trưởng, xếp thứ 6 trong 10 quốc gia có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới và đứng đầu châu Á.
Tuy nhiên, theo ông Trương Nam Thắng, một chuyên gia về du lịch thì hiện Việt Nam mới có khoảng 2 triệu lao động trực tiếp phục vụ du lịch, trong đó chỉ có khoảng 7% lao động có trình độ đại học và sau đại học. Trong khi đó, chiếm tới gần 50% lao động trong số này có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, số còn lại là học nghề tại chỗ, các chương trình ngắn hạn hoặc chưa qua đào tạo. Số lao động sơ và trung cấp lại chủ yếu ở các nghề: Chế biến món ăn 86%, nhân viên quầy bar 76%, phục vụ nhà hàng 72%, phục vụ buồng 71%...
Cũng theo chuyên gia này: Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 67 trong số 136 quốc gia về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch và lữ hành, trong đó chỉ số “nguồn nhân lực và thị trường lao động” xếp hạng 37 nhưng chỉ số “quy mô đào tạo nhân lực” lại xếp hạng 69 và “tỷ lệ đào tạo bậc trung cấp” chỉ xếp hạng 67.
Trước thực trạng này, bà Phan Thị Ngàn, Quyền Trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU) cho rằng: “Muốn đào tạo tốt nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao thì điều đầu tiên là phải dự báo nguồn lao động trực tiếp và gián tiếp tốt. Đây chính là cơ sở để các đơn vị đào tạo bám vào, đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh”.
Kế đó là phải làm tốt công tác hướng nghiệp, dù hiện nay, du lịch được xem là ngành mũi nhọn nhưng nhiều nơi vẫn còn chưa “đả động” gì, do đó, các tầng lớp nhân dân vẫn chưa thông, thế nên để thế hệ trẻ chọn ngành này để lập nghiệp, khởi nghiệp và làm việc là rất khó.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo, bà Ngàn chia sẻ: “Các cơ sở cần phải tăng thời lượng thực hành, mời các doanh nghiệp vào cùng tham gia giảng dạy, đào tạo. Đồng thời, để nâng cao chất lượng cho nguồn giảng viên cơ hữu thì cũng cần phải có các lớp tập huấn để thầy cô giáo nâng cao thêm khả năng thực hành và cập nhật những cái mới diễn ra trong ngành”.
Làm gì để tránh đào tạo lại?
Điển hình như ở NTTU, đối với sinh viên, từ năm thứ 2, các bạn phải đến doanh nghiệp để thực tập. “Để tránh chuyện thực tập cho có, lấy giấy chứng nhận của doanh nghiệp là xong, trường đã làm việc, kết nối với các doanh nghiệp, sau đó, sinh viên sẽ chọn thực tập trong danh sách này. Khi đó, nhà trường và doanh nghiệp đều biết được năng lực thực tập của sinh viên, loại bỏ “giấy chứng nhận ảo” bà Ngàn cho biết.
Các năm tiếp theo, đặc biệt là năm cuối, sinh viên sẽ có hẳn một học kỳ để thực tập tại doanh nghiệp. Do tăng thời lượng học trực tiếp ở doanh nghiệp nên sinh viên ra trường dễ tìm việc. Đồng thời, doanh nghiệp dễ chấp nhận, đặc biệt là ít phải đào tạo lại. Trong đó, tỷ lệ sinh viên làm tại các đơn vị từng thực tập là rất cao.
Tuy nhiên, để có được kết quả này không hề dễ dàng. “Ngay từ xây dựng chương trình đào tạo, trường đã tham vấn các doanh nghiệp, xem họ đang cần người như thế nào, qua đó tư vấn, góp ý cho chương trình phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, không phải ý kiến nào của doanh nghiệp trường cũng đưa vào mà lấy những cái chung nhất. Vì vậy, khi sinh viên đi thực tập cũng không ngỡ ngàng, giảng viên là người của doanh nghiệp cũng không gặp trở ngại truyền thụ kiến thức. Hai bên gặp nhau ngay từ đầu nên khi vào làm việc cũng xem như đã được tập dợt từ trước. Đây cũng là cách để tránh lặp lại câu chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi: đào tạo lại”, bà Ngàn chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, theo bà Ngàn, hiện nay, nguồn nhân lực đã và đang đào tạo có ngoại ngữ (tiếng Anh là chủ yếu) chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đây là vấn đề chung của cả nước chứ không riêng gì NTTU. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, bà Ngàn cho biết: “Tăng thời lượng tiếng Anh chuyên ngành và đào tạo theo hướng ứng dụng. Trường đang kết nối với các đơn vị ở nước ngoài để gửi sinh viên đi thực tập. Ví như sắp tới, trường sẽ gửi một số sinh viên sang Nhật Bản để thực tập trong 6 tháng. Ngoài ra, Malaysia, New Zealand, Thụy Sỹ, Mỹ... cũng sẽ là những nơi mà sinh viên có thể sang thực tập nếu đủ các điều kiện, nhất là tiếng Anh. Đây là quá trình tiến tới chuẩn: Thực học, thực hành, thực danh và thực nghiệp mà lãnh đạo trường đã xác định”.
Ông Thắng cũng phân tích: “Rõ ràng là nếu muốn ngành Du lịch trở thành 1 trong 3 ngành kinh tế chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam thì câu chuyện về “lao động chất lượng cao” và đào tạo nghề du lịch rất đáng được quan tâm, định hướng và đầu tư đúng hướng ngay từ bây giờ”.
“Nếu không, thì với đội ngũ cả triệu người chưa qua đào tạo nghề cơ bản, chất lượng du lịch sẽ còn tụt dốc. Khi đó, ngành Du lịch không những không thể gánh vác được trọng trách của một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn trở thành gánh nặng cho nền kinh tế khi lượng khách, doanh thu và lợi nhuận bị giảm sút, lượng vốn đầu tư khổng lồ bị đóng băng, không còn khả năng hoàn vốn cho các chủ đầu tư”, chuyên gia này phân tích thêm.
Khoa Du lịch và Việt Nam học (NTTU) là cái tên hết sức mới mẻ trong đào tạo nguồn lao động du lịch chất lượng cao. Dù mới mẻ là vậy nhưng đơn vị này đang có cách tiếp cận tuy không mới nhưng đang đi đúng hướng. Được biết, NTTU đang xây dựng phòng thực hành du lịch theo chuẩn 5 sao. |
Dương Nguyễn Trầ
Theo Baodulich.net.vn