Du lịch lễ hội: “Mỏ vàng” chờ khai thác
Ngày đăng: 23/01/2018 19:42
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/01/2018 19:42
Không ít quốc gia đã làm nên thương hiệu du lịch từ các lễ hội “phải đến một lần trong đời”. Việt Nam “ngồi trên mỏ vàng” với 8000 lễ hội mỗi năm liệu có tìm được hướng đi để làm nên một thương hiệu độc đáo, hấp dẫn du khách?
Xứng tầm lễ hội quốc tế
Tôi còn nhớ như in đêm khai mạc Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2017) hè năm ngoái mà vất vả lắm tôi mới mua được cặp vé vào xem, bởi ngay trước giờ chính thức diễn ra lễ khai mạc, tôi đi khắp các điểm bán vé pháo hoa ở Đà Nẵng mới gom đủ số vé cần cho cả nhà 8 người, phải chấp nhận việc “xé lẻ” đội hình gia đình, bởi không quầy nào còn đủ vé cho 8 người.
Hiệu ứng của một Lễ hội pháo hoa kéo dài 2 tháng chứ không còn đơn thuần chỉ là thi trình diễn pháo hoa 2 đêm đã kéo người dân và du khách đến các khán đài, để tận mắt chứng kiến không chỉ là pháo hoa ngoạn mục mà còn nhiều show nghệ thuật hoành tráng khác.
Ví như trong đêm khai mạc, ngoài màn pháo hoa của hai đội Việt Nam- Áo, người xem còn được chứng kiến những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống lẫn hiện đại được dàn dựng vô cùng công phu trên một sân khấu nổi khá ấn tượng. Pháo bông sáng dọc bờ sông, trên sân khấu chính. Trên sông Hàn, đoàn thuyền kayak rước cờ DIFF 2017 và cờ của 8 nước tham gia trình diễn pháo hoa. Trên bầu trời, khinh khí cầu bay treo tạo điểm nhấn. Dọc bờ sông Hàn theo chiều dài sân khấu, 20 mô hình mở ra 20 đài đuốc thắp sáng rực rỡ. Thậm chí chẳng cần có pháo hoa thì những show trình diễn âm thanh, ánh sáng và ca múa nhạc kia cũng đã “đáng đồng tiền” lắm rồi.
Nào “Lễ hội đường phố” cuối tuần, nào “Không gian ẩm thực Ngũ hành”, những sự kiện trên bãi biển…, DIFF 2017 đã khuấy động các con phố Đà Nẵng, đem đến cho du khách và người dân nhiều niềm vui mà nói thật là chưa có lễ hội nào ở Việt Nam làm được.
Chắc chưa thể so sánh DIFF với những lễ hội pháo hoa hoành tráng vốn đã làm nên thương hiệu của nhiều địa danh như Festival pháo hoa quốc tế Montreal (Quebec, Canada) mỗi năm thu hút khoảng 3 triệu lượt khách hay Lễ hội pháo hoa bên hồ Toya Long-Run (Hokkaido, Nhật Bản) được tổ chức hàng đêm trong 6 tháng… Nhưng chí ít, với DIFF, Đà Nẵng đã có một thương hiệu lễ hội quy mô, bài bản, để dần nâng tầm vị thế trở thành thành phố pháo hoa như kỳ vọng.
Giải mã thành công
Hai tháng lễ hội, DIFF đã mang về Đà Nẵng một lượng khách tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước đó. Chỉ con số đó cũng đủ chứng minh Đà Nẵng đã thành công trong lần đầu tiên nâng tầm cuộc thi trình diễn pháo hoa thành Lễ hội pháo hoa quốc tế. Con số đó cũng tạo động lực để năm 2018 và nhiều năm sau nữa, DIFF sẽ còn tiến xa hơn thế nữa, làm nên một thương hiệu lễ hội có sức hấp dẫn cho thành phố sông Hàn.
Một trong những nguyên nhân khiến DIFF thành công chính là chủ trương xã hội hóa của thành phố Đà Nẵng. Chọn giao cho Sun Group- một Tập đoàn có tên tuổi trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí tổ chức một sự kiện lớn lần đầu tiên diễn ra ở thành phố, nhiều người đã đặt câu hỏi nghi ngờ, liệu Đà Nẵng có… mạo hiểm? Nhưng như ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng từng chia sẻ với báo chí thì: “Đây là một sự “chọn mặt gửi vàng” bởi Sun Group là một Tập đoàn lớn, có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện văn hóa giải trí”.
Và niềm tin ấy đã được đền đáp. Sự chung tay hỗ trợ của thành phố, tiềm lực kinh tế cũng như kinh nghiệm tổ chức các lễ hội ở các khu du lịch Sun World của Sun Group, tư duy đổi mới khác biệt, dám nghĩ dám làm của cả nhà đầu tư lẫn lãnh đạo thành phố đã giúp DIFF trở thành một sự kiện mang dấu ấn của du lịch Việt Nam năm 2017.
Hướng đi mới cho du lịch các địa phương
Nhìn từ thành công của DIFF 2017, dễ thấy xã hội hóa là hướng đi mới đúng đắn cho du lịch lễ hội ở các địa phương. Là bởi, lâu nay, chúng ta sở hữu một kho đến 8.000 lễ hội mỗi năm, vậy nhưng Việt Nam chưa bao giờ là điểm đến của du lịch lễ hội. Và du khách thế giới cũng khó gọi tên một lễ hội điển hình đặc trưng của Việt Nam.
Trong khi đó, như Nhật Bản mỗi năm có đến 200.000 lễ hội. Và với người dân các địa phương ở đây, lễ hội là nguồn sống. Chẳng hạn như những lễ hội tuyết vào mùa đông, ước tính có đến hàng triệu khách nước ngoài đổ xô đến Hokkaido, doanh thu từ những tháng có lễ hội đủ cho các hộ kinh doanh ẩm thực ở khu vực sống cả năm mà không cần phải quá lo lắng nếu ngày thường ế khách.
Hoặc như Hungary, để thu hút thêm nhiều khách du lịch hơn, khoảng hơn 20 năm trở lại đây, chính phủ Hungary đã khôi phục lại nhiều lễ hội cũ và mở ra thêm nhiều lễ hội mới. Là bởi họ nhìn nhận rõ sức hấp dẫn và khả năng hút khách của các lễ hội.
Việt Nam giàu lễ hội, nhưng cách thức đầu tư cho lễ hội thì chưa xứng tầm, vẫn mang tính chất cục bộ, địa phương. Cho đến giờ, du lịch lễ hội Việt Nam cũng mới chỉ có Festival Huế được coi là quy mô. Liệu sự vào cuộc của những nhà đầu tư lớn như Sun Group có thay đổi được cục diện, khi không chỉ Đà Nẵng khởi đầu mà nhiều địa phương như Hạ Long trong năm 2018 cũng đã bắt đầu “xã hội hóa” để nâng tầm du lịch lễ hội?.
Theo Tạp chí GTVT