Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Chuỗi giá trị du lịch và những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành
Ngày đăng: 23/01/2018 19:58
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/01/2018 19:58
…Nguyên nhân tiếp theo là sản phẩm, sản phẩm trong chuỗi giá trị du lịch còn chưa đa dạng, sản phẩm trùng lắp giữa các địa phương, chưa tạo ra nhiều sự khác biệt, thiếu những sản phẩm du lịch mang lại doanh thu cao như các trung tâm mua sắm, trung tâm giải trí, vui chơi, để khai thác chi tiêu của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Có một vấn đề đáng quan tâm đó là, trong những năm qua, mặc dù lượng khách quốc tế vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm nhưng mức chi tiêu trung bình của du khách, đặc biệt là khách quốc tế vào Việt Nam, lại có xu hướng giảm. Kết quả điều tra của Tổng cục Du lịch năm 2014 (lần gần đây nhất) cho thấy tổng chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế vào Việt Nam là 1.114,4 USD, thấp hơn so với năm 2004 (1.283,3 USD/người/chuyến). Cũng trong năm 2014, chi tiêu trung bình của khách quốc tế đến Việt Nam là 125 USD/ngày, thấp hơn so với chi tiêu của khách đến một số nước trong khu vực. Tại Thái Lan, mức chi trung bình là 150USD/ngày, Singapore là 153 USD/ ngày.
Chính sách ưu tiên phát triển du lịch cũng là một trong những điểm nghẽn quan trọng trong chuỗi giá trị du lịch, đặc biệt là những hạn chế chính sách về visa và các thủ tục xuất nhập cảnh làm giảm giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị du lịch, số lượng các quốc gia được miễn thị thực vào Việt nam và số ngày miễn thị thực cho du khách quốc tế ở Việt Nam ngắn hơn so với các nước trong khu vực sẽ làm giảm sức hấp dẫn của ngành Du lịch Việt Nam, làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành và giảm giá trị gia tăng từ ngành Du lịch mang lại.
2. Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành hiện nay
Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Bộ Chính trị ban hành được xem là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành Du lịch. Bên cạnh đó Luật Du lịch (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua và ngày 19/6/2017. Đây là những cơ sở, cơ hội để ngành Du lịch Việt Nam tái cơ cấu, tiến đến phát triển nhanh và bền vững. Tái cơ cấu ngành phải gắn liền với tăng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị du lịch, những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu là: Tái cơ cấu ngành Du lịch phát triển khai đồng bộ tại tất cả các ngành liên quan, như giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, hải quan…
Tái cơ cấu ngành phải có lộ trình rõ ràng trong đó xác định những nhiệm vụ, công tác ưu tiên để tập trung thực hiện. Trước hết, cần xác định đúng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của địa phương để thiết kế sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp, đầu ra trong chuỗi giá trị du lịch mang lại nguồn thu trực tiếp cho ngành. Sản phẩm phải mới, có nét đặc trưng riêng và có những phân khúc riêng hướng đến từng nhóm đối tượng khách khác nhau, trong đó tập trung hướng đến những đối tượng khách ở các thị trường có khả năng chi tiêu cao như châu Âu. Hiện nay, thị trường khách quốc tế thiếu cân đối chủ yếu là thị trường Đông Bắc Á (55%) và Đông Nam Á chiếm 16%, riêng khách Trung Quốc đã chiếm hơn 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam, trong khi đó những thị trường xa, chỉ tiêu cao chiếm tỷ trọng thấp. Do đó, vấn đề đặt ra là phải có những sản phẩm du lịch có khả năng tái cơ cấu lại tỷ trọng cơ cấu trong thị trường khách theo hướng tăng dần tỷ trọng khách các thị trường xa, chỉ tiêu cao để giảm rủi ro của việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong bối cảnh tình hình chính trị, xã hội nhiều biến động khó lường như hiện nay.
Vai trò của các công ty lữ hành, du lịch
Yếu tố giữ vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị du lịch cũng là vấn đề cần quan tâm khi tái cơ cấu ngành. Hiện nay, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp du lịch còn rời rạc, thiếu sự liên kết, hợp tác cùng phát triển. Hơn 84% doanh nghiệp trong ngành là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó nhiều doanh nghiệp hoạt động vì cái lợi nhuận trước mắt nên đã xảy ra tình trạng tour 0 đồng, sự khan hiếm khách sạn, nhà nghỉ tại Nha Trang, Quảng Ninh trong thời gian vừa qua, nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không được hưởng nhiều lợi ích từ đó. Lợi ích, giá trị tăng thêm lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, tái cơ cấu ngành phải quan tâm đến việc tăng liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Các hoạt động quảng bá cho ngành Du lịch
Đóng vai trò hết sức quan trọng, đây là giai đoạn chuyển tiếp đưa sản phẩm dịch vụ du lịch đến với du khách. Mặc dù đã có nhiều cố gắng cải thiện theo chiều hướng tích cực, nhưng về cách thức quảng bá cho đến thời điểm hiện tại chưa thật sự đạt được hiệu quả, chưa được đầu tư một cách bài bản, nguồn lực dầu tư cho xúc tiến quảng bá du lịch không nhiều.
Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thể hiện rõ hơn nữa nhất là trong các công tác quản lý, xử lý để đảm bảo môi trường du lịch. Môi trường du lịch còn là vấn đề bất cập chưa có hướng giải quyết triệt để, nạn ô nhiễm, tình trạng giao thông cùng các tệ nạn xảy ra tại các thành phố du lịch vẫn chưa giảm, an toàn thực phẩm chưa kiểm soát chặt chẽ. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chất lượng đầu ra trong chuỗi giá trị du lịch. Xác định mức độ “cầu” để từ đó đề xuất nguồn “cung”. Phải tiến hành nghiên cứu xu hướng, nhu cầu du lịch trong ngắn và dài hạn làm cơ sở định hướng xây dựng chuỗi giá trị phù hợp với nhu cầu, tránh lãng phí khi quy hoạch, tập trung đầu tư nhiều nguồn lực nhưng kết quả không thể sử dụng do không phù hợp, trong khi lại thiếu ở yếu tố khác.
Mức độ ưu tiên của Nhà nước đối với du lịch: bất kỳ chính sách nào được ban hành đều gắn với lợi ích và chi phí, mặt trái của nó, như việc tăng độ mở về visa sẽ tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhưng đi kèm với đó, có thể là những hệ lụy về an ninh, chính trị… Dó đó, tái cơ cấu ngành phải xác định, làm rõ mức độ ưu tiên đối với ngành, từ đó mới có những chính sách đồng bộ, phù hợp.
3- Một số đề xuất, kiến nghị
Chính phủ và các ban, ngành cần phải có chính sách nhất quán và dự báo được xu thế trong dài hạn trong công tác quy hoạch phát triển du lịch để tập trung nguồn lực đầu tư, tránh đầu tư dàn trải và đầu tư một cách cầm chừng, tạm thời. Cơ quan soạn thảo đề án cần tập hợp nhiều ý kiến phản biện từ đủ các đối tượng liên quan trực tiếp như người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý của các ban ngành du lịch.
Các cơ quan quản lý ngành tại địa phương cần tăng cường công tác quản lý, thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để giảm nạn chèo kéo, cướp giật và vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo môi trường du lịch sạch và thân thiện. Cần biên soạn tài liệu và tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền phát triển du lịch cộng đồng, lan truyền và nâng cao nhận thức và du lịch cộng đồng. Đây là công tác cần được đầu tư nghiêm túc, tập trung triển khai vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt quốc tế, mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi du lịch. Người dân là một phần trong chuỗi giá trị du lịch, đồng thời cũng sẽ là người thụ hưởng những sản phẩm đầu ra từ chuỗi giá trị du lịch mang lại.
Theo Baodulich.net.vn