Âm hưởng của đại ngàn
Ngày đăng: 24/01/2018 04:17
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/01/2018 04:17
Những tác phẩm thủ công mỹ nghệ mang âm hưởng của đại ngàn Tây Nguyên đắm say lòng người. Một sự kết tinh nghệ thuật hiện đại và nguyên thủy, một sự kết hợp khéo léo giữa sắt và gỗ qua bàn tay tài hoa của Đinh Nhật Tân.
Cơ duyên
Đinh Nhật Tân sinh ra ở miền Tây Quảng Ngãi, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM, sống và làm việc tại Sài Gòn song những sản phẩm quà tặng do anh chế tác lại mang đậm âm hưởng Tây Nguyên.
Họa sĩ Đinh Nhật Tân chia sẻ: Con đường đến với quà tặng thủ công mỹ nghệ của anh rất tình cờ. Trước đó, anh chỉ vẽ tranh và từng tham dự nhiều triển lãm trong nước và quốc tế. Một lần tình cờ về quê ở miền Tây Quảng Ngãi, cuộc sống quê nhà đã tác động vào tâm trí anh. Anh cảm nhận được những vất vả trong công cuộc mưu sinh của các bạn trẻ quê nhà, nhiều bạn không có việc làm, không tay nghề, thu nhập… Một sự trăn trở trỗi dậy trong lòng, anh muốn làm một điều gì đó giúp đỡ các bạn trẻ. Anh lang thang sục sạo trong vùng rồi nhìn thấy nhiều khúc gỗ lũa được bỏ ngổn ngang khắp nơi, anh chợt nghĩ đến việc tạo tác những sản phẩm trang trí và đổi nghề từ đó. Công việc có lẽ giúp anh phần nào thỏa lòng đam mê mỹ thuật, vừa giúp anh tạo cho các bạn trẻ nơi quê nhà một công việc, một nguồn thu nhập.
Thổi hồn đại ngàn vào tác phẩm
Họa sĩ Đinh Nhật Tân cho biết, mình là người dân tộc H’re, nên những tác phẩm của anh đều mô phỏng cách tạo hình điêu khắc của các sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Cũng giống như bản chất của những con người nơi đây - ngẫu hứng, mạnh mẽ, phóng khoáng, chân chất nhưng cũng thật chắt lọc và đầy tinh tế. “Tác phẩm của tôi có thể sẽ là một nét chấm phá hoang dã và đầy ngẫu hứng, đem đến một chút nét “mộc” để tạo sự cân bằng cho không gian lộng lẫy, hiện đại, và được chăm chút chi ly theo kiến trúc đương đại của khách hàng”.
Theo họa sĩ Đinh Nhật Tân, có đến 90% tác phẩm của anh bắt nguồn từ gỗ lũa – một thứ gỗ đã mục, những chỗ có thể mục đã mục rồi, phần còn lại đốt cũng khó cháy, mối mọt cũng chê. Một sự kết hợp với sắt, thậm chí là sắt cũ đã qua sử dụng. Gỗ lũa có màu sậm, phần lõi nặng, kết hợp với sắt được đánh bóng lên thì rất đẹp. Đây đơn thuần là tính thẩm mỹ, không vì điều gì khác. Anh cũng lựa chọn cho mình một hướng đi độc đáo, cũng rất táo bạo. Sản phẩm của anh tạo một cảm giác hùng tráng, pha lẫn sự kỳ bí của tượng nhà mồ Tây Nguyên. Có thể nói, lựa chọn gốc tượng nhà mồ là một hướng đi đột phá, cũng là để có thêm sự lựa chọn cho những người có cùng sở thích, đam mê.
Những lúc cần thư giãn, anh như bị “say nắng” nghệ thuật, “phiêu” hết mình trong một không gian khác, để rồi cho ra đời những tác phẩm mang âm hưởng của đại ngàn, mà có những tác phẩm anh chỉ để riêng cho mình ngắm mà không bán, theo đúng nghĩa là một cuộc chơi
Đình Phong
Theo Baodulich.net.vn