Ý nghĩa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (Bài cuối)
Ngày đăng: 26/01/2018 10:29
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 26/01/2018 10:29
Sau một tháng, tướng Westmoreland, Tổng Chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara từ chức. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson phải tuyên bố ba điểm: Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris; không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai... Đây là sự thừa nhận đầu tiên nhưng đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ - chiến lược chiến tranh quan trọng nhất được Mỹ công phu chuẩn bị và đánh giá cao trong chiến lược toàn cầu "Phản ứng linh hoạt" của Mỹ trong thập niên 60 của thế kỷ 20. Đến tháng 5-1968, Mỹ phải bắt đầu khởi động quá trình đàm phán với ta về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 dù chưa đạt được yêu cầu theo khả năng thứ nhất như dự kiến và phải hy sinh to lớn, nhưng quân và dân ta đã xoay chuyển, tạo một bước phát triển đột biến trong cục diện chiến tranh, thể hiện tập trung ở một số mặt sau đây:
Về mặt thế chiến lược: Thế chiến lược của địch đã bị đảo lộn và càng lún sâu vào phòng ngự bị động. Kế hoạch chiến lược "tìm diệt và bình định" năm 1968 chưa kịp triển khai đã phải vứt bỏ; địch đã phải bị động chuyển một cách đột ngột sang chiến lược “quét và giữ”. Chiến lược này, ngay khi mới đưa ra đã bị đánh bại bước đầu, thế chiến lược của ta càng vững mạnh. Ta đã đưa chiến lược tiến công của chiến tranh cách mạng lên một bước mới, tạo ra thế tiến công, bao vây địch trên tất cả các chiến trường, nhất là trên mặt trận thành thị.
Về mặt lực lượng: Sự so sánh lực lượng địch - ta đã biến đổi một bước quan trọng có lợi cho ta. Lực lượng quân sự Mỹ - ngụy kể cả sinh lực và phương tiện chiến tranh đã bị tổn thất nặng nề, tinh thần chiến đấu của địch càng sa sút. Đặc biệt, hiệu lực chiến lược của quân Mỹ và quân ngụy trong thế chiến lược phòng ngự bị động càng giảm sút rõ rệt. Những mâu thuẫn, khó khăn và bế tắc của chúng về số quân, về chất lượng, về cách đánh càng gay gắt và trầm trọng.
Về mặt chính trị: Giới cầm quyền Mỹ đã mất tin tưởng ở chiến lược quân sự của chúng. Mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ, giữa Mỹ và ngụy, trong nội bộ bọn tay sai Mỹ ở miền Nam trở nên rất gay gắt, hàng ngũ của chúng phân hóa sâu sắc và rối loạn hơn bao giờ hết. Phong trào nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam càng lên cao. Ngày 31-3-1968, Johnson đã phải thú nhận thất bại, thực hiện ném bom hạn chế miền Bắc và rút lui việc ra ứng cử Tổng thống, đồng thời chúng phải cách chức tướng Westmoreland.
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta: nghệ thuật nắm bắt thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”, lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ.
50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vẹn nguyên giá trị: Đó là khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả.
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy