Không ngừng đổi mới dịch vụ để thư viện đến gần hơn với bạn đọc
Ngày đăng: 30/01/2018 14:19
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 30/01/2018 14:19
“Cần không ngừng đổi mới dịch vụ để thư viện đến gần hơn với bạn đọc” là chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà tại Tọa đàm “Các tiêu chí xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hóa đọc trong thư viện”.
Nền tảng tri thức của xã hội
Những năm gần đây, vấn đề văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc đã được nhiều nước trên thế giới hết sức quan tâm, trong đó có Việt Nam. Thông qua văn hóa đọc sẽ giúp cho mỗi cá nhân có một cuộc sống trí tuệ và ý nghĩa hơn, từ đó tạo nền tảng bền vững phát triển nguồn nhân lực và sức mạnh của trí tuệ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm xây dựng và hình thành thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phát triển phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh trong con người Việt Nam.
Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, hoạt động của các thư viện ở Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Mạng lưới thư viện cấp xã và cơ sở đã có bước phát triển vượt bậc sau nhiều năm có dấu hiệu tụt giảm. Trong năm 2017, tổng số thư viện công cộng/phòng đọc sách, tủ sách cơ sở tăng 15% so với năm 2016, mạng lưới thư viện cấp xã tăng 20% so với năm 2016. Tính đến nay, bình quân số bản sách/người/năm trong hệ thống thư viện công cộng là 0.44. Hoạt động của hệ thống thư viện đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ phục vụ thiết thực các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Trong năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Bộ, nhiều địa phương đã tiến hành đổi mới hoạt động thư viện như: đa dạng hóa các loại hình phục vụ thư viện, triển khai các dịch vụ thư viện mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện, cải cách đổi mới việc cấp thẻ thư viện bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh việc luân chuyển sách báo đến các điểm thư viện xã, điểm bưu điện văn hóa xã, trường học, đồn biên phòng, trại giam…nhằm thực hiện các đề án, chương trình phối hợp công tác với các ngành Thông tin truyền thông, Giáo dục- đào tạo, Công an…
Với việc nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động thư viện, nhiều địa phương trong cả nước có các chỉ số về hiệu quả hoạt động thư viện cao trong những năm qua được giữ vững như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cà Mau, Cần Thơ,…
Riêng đối với hệ thống thư viện đa ngành, chuyên ngành nhìn chung chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt. Sự khởi sắc chỉ biểu hiện rõ với các thư viện lực lượng vũ trang và thư viện trường học. Trong các nhà trường, nhiều mô hình được triển khai như: thư viện thân thiện, thư viện xanh, tủ sách lớp học,…Tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình trong năm 2017 đã triển khai thí điểm các dự án xây dựng thư viện thân thiện với hơn 10 tỷ đồng làm thay đổi bộ mặt của các thư viện trường tiểu học, tạo môi trường đọc hấp dẫn học sinh.
Như vậy, nhìn tổng thể, năm 2017, hệ thống thư viện công cộng đã đạt được kết quả với những con số đáng khích lệ trong đó có các chỉ tiêu: tổng lượt bạn đọc đến thư viện, tổng lượt sách báo phục vụ của thư viện, số thẻ bạn đọc, lượt sách, báo luân chuyển,…
Không ngừng đổi mới dịch vụ để thư viện đến gần hơn với bạn đọc
Một trong những nhiệm vụ và nội dung cần triển khai để thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là phải xác định được những mô hình thích hợp để phát triển văn hóa đọc một cách bền vững. Để thực hiện nhiệm vụ đó, ngày 26/1, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Tọa đàm “Các tiêu chí xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hóa đọc trong thư viện” nhằm tạo nên diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và những người hoạt động thực tiễn cùng nhau trao đổi xác định được các tiêu chí chung, các tiêu chuẩn cụ thể để xây dựng mô hình thư viện hiện đại, thân thiện góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cho biết: “Đọc chính là một phương thức giúp mọi người có thể tiếp cận tới tri thức, mở ra các cơ hội cho việc học tập suốt đời và cho sự phát triển văn hóa của cá nhân và các nhóm xã hội. Chính vì lý do đó phát triển văn hóa đọc có một ý nghĩa vô cùng to lớn”.
Cùng với những tín hiệu đáng mừng mà ngành thư viện đã đạt được trong năm 2017, trong báo cáo đề dẫn Tọa đàm, Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà đã chỉ ra những khó khăn và thách thức còn tồn tại. Trong đó có thể kể đến các vấn đề về: kinh phí, chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác thư viện và nhận thức của một số lãnh đạo và người dân về vai trò của việc đọc chưa đúng mức,…
Chính vì vậy, để phát triển văn hóa đọc, chúng ta cần triển khai rất nhiều giải pháp, trong đó có 4 giải pháp đặc biệt quan trọng là: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Đổi mới phương thức hoạt động thư viện, tăng cường phối hợp; Đẩy mạnh xã hội hóa trong thư viện.
Tại tọa đàm, các tiêu chí xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hóa đọc trong thư viện đã được đưa ra. Các tiêu chí được xây dựng dựa trên các căn cứ: Pháp lệnh thư viện; Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; TCVN 11774:2016 ISO 11620:2014 Thông tin và tư liệu. Các chỉ số về hoạt động thư viện; TCVN 12103:2017 ISO 16439:2014 Thông tin và tư liệu. Phương pháp và thủ tục đánh giá tác động của thư viện.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã có các tham luận và trao đổi xoay quanh vấn đề: thực trạng tình hình phục vụ bạn đọc của thư viện và những giải pháp thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa đọc được đặt ra trong Quyết định 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/3/2017 phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Tiêu chí và mô hình thư viện hiện đại, thân thiện góp phần phát triển văn hóa đọc; Giải pháp trong quản lý và tổ chức hoạt động nhằm triển khai kế hoạch của địa phương, Bộ, ngành nhằm thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa đọc đã được đặt ra trong Đề án phát triển văn hóa đọc; Kinh nghiệm và mô hình thư viện hoạt động hiệu quả phục vụ phát triển văn hóa đọc,…
Qua tham luận của các đại biểu, Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà mong rằng các ý kiến được đưa ra trong tọa đàm sẽ là những thông tin, kinh nghiệm quý giá đối với các cán bộ trong ngành. Ngoài ra, có thể đúc kết được rằng, muốn hấp dẫn bạn đọc thì cần có kho sách phong phú với nhiều cuốn sách hay, có giá trị. Chúng ta phải luôn xác định ngành thư viện là một ngành cung cấp dịch vụ. Bạn đọc không chỉ đơn thuần là người đọc mà còn là người sử dụng và chúng ta phải nhìn nhận họ như là một khách hàng. Vì vậy, muốn các hoạt động hiệu quả thì chúng ta phải đổi mới dịch vụ.
Và hơn hết, Bộ tiêu chí được xây dựng sẽ vẫn chỉ là các tiêu chí đơn thuần nếu như chúng ta không thực sự đổi mới. Vì vậy, các thư viện cần không ngừng sáng tạo, tìm ra phương thức hiệu quả để đi đến với cộng đồng, đi đến với bạn đọc. Đây cũng là con đường duy nhất khẳng định sự tồn tại của các thư viện, để ngành thư viện có thể vững bước trên con đường chinh phục bạn đọc, là cầu nối giúp bạn đọc đến gần hơn với tri thức và những văn minh của nhân loại./.
Nguồn: Bộ VHTTDL