Nghệ nhân - "báu vật sống" của cộng đồng (Kỳ 1)
Ngày đăng: 02/02/2018 04:27
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/02/2018 04:27
Nghệ nhân là những người am hiểu sâu sắc một hay nhiều lĩnh vực văn hóa dân gian nào đó của mỗi cộng đồng dân tộc. Họ luôn giữ vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và truyền bá vốn văn hóa ấy cho thế hệ tiếp nối. Mỗi nghệ nhân chính là một “báu vật sống” của cộng đồng.
Kỳ 1: Nắm giữ mạch nguồn văn hóa
Giá trị và chiều sâu văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc, đôi khi được khám phá qua một con người cụ thể. Bởi đời sống và sự trải nghiệm của họ đã đạt tới giá trị thẩm mỹ nhất định, có tầm ảnh hưởng sâu đậm đối với những người chung quanh. Hay nói cách khác, tính đại diện cho “ngưỡng” hành vi, hoặc một thực hành văn hóa tiêu biểu nào đó của cộng đồng được họ nắm giữ và chi phối trong đời sống tinh thần.
Những con người như thế thường được tôn trọng và được xưng danh dưới nhiều tên gọi khác nhau. Điển hình như ông Y Wang Hwing (sinh năm 1950 ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), người dân ở đây gọi ông là “kho tàng văn hóa sống” của dân tộc Êđê. Quả đúng như vậy, vì ngoài tài năng chế tác, diễn xướng các loại nhạc cụ truyền thống như T’rưng, đing năm, đing puốt, tak tà, ky pah và đặc biệt là cồng chiêng ra, Y Wang còn hát kể thuộc lòng gần 20 sử thi cùng rất nhiều truyện cổ dân gian khác. Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Y Wem Hwing nói rằng: Chỉ một lần được xem nghệ nhân này trình diễn thì niềm tự hào dân tộc lại dâng lên trong lòng mọi người. Nghệ nhân Y Wang hội đủ những yếu tố cần thiết để tạo nên diện mạo đời sống văn hóa đặc sắc và độc đáo của người Êđê. Nhất là khi ông kể khan (sử thi) thì dường như cả một “tập hợp” văn hóa - lịch sử của cộng đồng hiện ra hết sức sống động. Những lời nói vần, các làn điệu dân ca, dân vũ (hát K’ưt, Aray, xoang T’rai, H’gơr) và khấn Yàng (Kriu Yang) trong các nghi lễ truyền thống được ông vận dụng, thể hiện một cách nhuần nhuyễn và tinh tế, khiến bất kỳ ai cũng tâm đắc và ngưỡng mộ. Trong lần tham gia Liên hoan Văn hóa - Văn nghệ dân gian quốc tế, được tổ chức tại Phần Lan vào đầu năm 2014, bạn bè trên thế giới đã tỏ ra thán phục trước năng lực cảm thụ và trình diễn vốn văn hóa sâu rộng và mạnh mẽ của ông. Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân (Chi hội Văn nghệ dân gian Đắk Lắk), thành viên đoàn tham gia liên hoan trên nói về nghệ nhân Y Wang như sau: Ông đã cuốn hút người xem bằng lối hát, kể và diễn xướng nhạc cụ đầy ma mị thông qua hình ảnh chàng dũng sĩ Đam San (sử thi cùng tên của người Êđê) đã chiến đấu và chiến thắng cái ác, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho cộng đồng. Cứ thế, đời sống của tộc người thiểu số này - từ buổi hoang sơ đến hơi thở đương đại đã lần lượt hiện về với đầy đủ cung bậc, sắc thái tình cảm trong hoạt động trình diễn “Mạch nguồn văn hóa” của nghệ nhân Y Wang Hwing tại liên hoan trên và nhiều nơi khác.
Còn với bà H’ Lil Mlô (buôn Tring, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) thì được xem là “linh hồn” của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tại địa phương. Nghệ nhân này tuổi đã gần 80, trải qua bao thăng trầm dâu bể, nên bà hiểu hơn ai hết – nên và không giữ lại cái gì trong vốn văn hóa sâu dày của dân tộc mình. Bà cho rằng không hẳn bỏ tiền bạc ra là có thể cổ xúy bà con đứng ra gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống được, mà nên thành thật tham vấn họ, thì chắc chắn sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
“Không hẳn bỏ tiền bạc ra là có thể cổ xúy bà con đứng ra gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống được, mà nên thành thật tham vấn họ, thì chắc chắn sẽ có câu trả lời thỏa đáng”.
Nghệ nhân H’Lil Mlô |
Điều đó, như nghệ nhân H’ Lil từng tâm sự: Khi Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (iSee) có cuộc khảo sát, làm rõ vấn đề bảo tồn và phát huy vốn văn hóa người Êđê ở đây gắn với thực hành sinh kế vào những năm 2014 - 2015 thì đã có kết quả chứng thực rõ ràng. Tại đây, người trong cuộc được nói lên nguyện vọng, mơ ước của mình thông qua những cuộc tiếp xúc, trao đổi với chuyên gia nghiên cứu và những người có mối quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống trong mọi tầng lớp xã hội. Với vai trò là “linh hồn” trong câu chuyện bảo tồn và phát triển nói trên, bà H’Lil và người dân buôn Tring đã cho thấy họ quan tâm đến cái gì trong cuộc sống đương đại: ngôi nhà dài, bến nước, âm nhạc cồng chiêng… là những yếu tố văn hóa - lịch sử không thể thiếu được trong đời sống của bà con. Vì vậy, người nghệ nhân già ấy cùng với mọi thành viên trong cộng đồng ra sức gìn giữ và vun đắp.
Bà H’ Lil đã bỏ ra không biết bao nhiêu thời gian, công sức để sưu tầm những bài chiêng cổ, hoa văn thổ cẩm, nghi thức cúng bến nước và nhiều luật tục tiến bộ, nhân văn khác, góp phần thúc đẩy buôn làng phát triển. Bà chia sẻ: Những việc ấy không ai làm thay chúng tôi được, bởi mỗi một thành viên trong cộng đồng buôn Tring mới thấu hiểu hết. Có những luật tục mà đến nay người bên ngoài cho là hủ tục và lạc hậu, nhưng tôi lại không nghĩ như thế. Cần phải bảo tồn những luật tục phù hợp như một “thiết chế văn hóa” nhằm gắn kết cộng đồng lại với nhau trước trách nhiệm cùng thách thức của đời sống đặt ra.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ đánh giá: Những mối quan tâm ấy của nghệ nhân H’Lil đã cho mọi người thấy và hiểu thêm những vấn đề “gốc rễ” đặt ra trong công cuộc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở đây. Đặc biệt là chính quyền địa phương, mà trực tiếp là ngành văn hóa lấy đó làm cơ sở để hoạch định chủ trương, chính sách phù hợp cho mục tiêu trên.
(Còn nữa)
Đình Đối
Nguồn: Baodaklak.vn