Nghệ nhân - "báu vật sống" của cộng đồng (Kỳ 2)
Ngày đăng: 02/02/2018 15:17
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/02/2018 15:17
Kỳ 2: Khó khăn trăm bề...
Đến nay, ngành Văn hóa cho biết chưa thể thống kê đầy đủ số nghệ nhân trên các lĩnh vực còn lại là bao nhiêu người, có hoàn cảnh đời sống như thế nào? Song, ông Y Kô Niê, Phó Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT-DL) chắc chắn một điều: Hầu hết họ đều sống trong hoàn cảnh khó khăn do tuổi cao, sức yếu và không có nguồn thu nhập ổn định, nên mức độ đóng góp và cống hiến cho cộng đồng, xã hội còn hết sức hạn chế.
Chẳng hạn như nghệ nhân Điểu Klung, trong căn nhà của ông đang sinh sống tại buôn Tul B, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, không có gì đáng giá ngoài vô số băng đĩa, bản nháp ghi chép và thu âm lại những bài Ốt N’rông - sử thi của người M’nông mà cả đời ông góp nhặt được. Người ta gọi ông là “nghệ nhân” cũng bởi Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam khen tặng ông nhờ những đóng góp xứng đáng và tích cực vào thành công Dự án “Nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007. Theo đó, khoản tiền thù lao (khoảng 70 triệu đồng) mà ông nhận được từ dự án, chỉ giúp người nghệ nhân này cất được ngôi nhà, sắm sửa một vài vật dụng cần thiết để sống từ đó đến nay, ngoài ra không có bất kỳ một đãi ngộ nào khác. Còn nhớ, có lần GS-TS. Ngô Đức Thịnh (Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam) - một trong những thành viên thực hiện dự án trên nói về nghệ nhân Điểu Klung là một con người “đặc biệt” trong số người đặc biệt, bởi trí nhớ của ông quả thật phi phàm. Một Ốt N’rông dài hàng chục nghìn câu, ông đều thuộc hết và thuộc rất nhiều Ốt N’rông như thế. Tuy “giàu có” về văn hóa, nhưng nghệ nhân Điểu Klung nghèo đến nỗi không có chiếc xe đạp để đi, còn cái máy cattsete cũ mèm dùng để thu băng một khi đi điền dã về các bon, làng xa xôi thì hỏng hóc thường xuyên mà không có tiền sửa chữa.
Hoặc như trường hợp nghệ nhân H’Săn Êban (buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp - huyện Krông Ana) cũng thế - cái ăn, cái mặt hàng ngày là nỗi khó khăn đè nặng lên đôi vai của cụ bà xấp xỉ tuổi 80. Thời còn trẻ khỏe, nghệ nhân “cầm trịch” đội chiêng nữ nổi tiếng và duy nhất trên cao nguyên Đắk Lắk này đã từng đi biểu diễn nhiều nơi, có khi sang tận cả trời Âu (TP. Rome - Italia năm 2006) để giới thiệu, quảng bá vốn văn hóa của mình với bạn bè thế giới, khiến bao người ấn tượng, say mê. Vậy mà nay, bà đang sống trong cảnh thiếu thốn và bệnh tật đủ bề, phải nhờ bà con hàng xóm, nhất là các chị em trong đội chiêng nữ Êđê Bih quan tâm, giúp đỡ.
“Trong số 24 hồ sơ được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2018, có hơn 2/3 số người sống trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Phần lớn họ đều cao tuổi, sức khỏe không bảo đảm, sống phụ thuộc nên đau ốm, bệnh tật triền miên” Ông Lê Ngọc Quế, Trưởng Phòng Quản lý Di sản (Sở VH-TT-DL)
|
Chị H’Riu, vốn là học trò của nghệ nhân lão luyện này truyền dạy cồng chiêng từ những năm 80 của thế kỷ trước trắc ẩn: Vài năm gần đây bà H’Săn đi lại khó khăn lắm vì chứng viêm khớp, đau cột sống hành hạ nên không còn trong đội chiêng nữa. Song, những lời dặn dò của bà rằng: “Điệu chiêng phải hòa hợp mới hay, nhịp trống đánh làm nền cho đúng mới khiến người nghe nhận ra cái độc đáo của dàn chiêng Jhô - Buôn Trấp” thì ai cũng nhớ. Vì thế những bài chiêng cổ, những điệu chiêng truyền thống như “Drôk tuê - đón khách”, “Wăk wêih - mừng lúa mới”, “Hohôh - mừng sức khỏe” của người Êđê Bih bên dòng sông Krông Ana kia, họ đều thuộc nằm lòng và diễn tấu vô cùng nhuần nhuyễn nhờ nghệ nhân H’Săn truyền thụ và hướng dẫn khi mới lên tuổi 13 - 14. Có điều qua tâm sự của những thành viên trong đội chiêng nữ Buôn Trấp mới thấy chạnh lòng - rằng bà cố gắng làm đủ mọi thứ để tiếp tục sống và cống hiến cho vốn âm nhạc quý báu của cộng đồng, thế mà cơm không đủ no và áo không đủ ấm khiến bao người xót xa, ray rứt.
Còn bao nhiêu hoàn cảnh như thế nữa? Theo ông Lê Ngọc Quế, Trưởng Phòng Quản lý Di sản (Sở VH-TT-DL), chỉ tính riêng trong số 24 hồ sơ được các ngành chức năng khảo sát, đánh giá và gửi cấp trên xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2018 (trong đó có tên các nhệ nhân đã nêu) thì có đến hơn 2/3 số người sống trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Phần lớn họ đều cao tuổi, sức khỏe không bảo đảm, sống phụ thuộc nên dễ dàng rơi vào tình trạng đau ốm, bệnh tật triền miên, dẫn tới sự mất mát dần vốn văn hóa cổ truyền do các nghệ nhân nắm giữ là thực tế đáng lo ngại. Vì thế, việc nhanh chóng công nhận danh hiệu nghệ nhân, kèm theo chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những người có năng lực, thành tích đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk là vấn đề cần được quan tâm một cách kịp thời.
(Còn nữa)
Đình Đối
Nguồn: Báo Đắk Lắk